Hình tượng mèo trong văn hóa các nước

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mèo đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm. Có truyền thuyết cho rằng chúng được thuần hóa từ thời kỳ Ai Cập cổ đại và được người Ai Cập suy tôn như một vị thần. Mèo cũng đóng vai trò đặc biệt trong văn hoá của nhiều quốc gia. Các thống kê cho thấy, ngày nay, mèo là thú cưng phổ biến nhất trên thế giới với hơn 600 triệu con.

Được suy tôn là thần

Ở Ai Cập cổ đại, mèo là loài vật thần thánh, với truyền thuyết về vị nữ thần Bastet - vị thần mang hình đầu mèo thân người, đại diện cho sắc đẹp và khả năng sinh sản.

Cũng có những tài liệu cho rằng người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên nuôi mèo làm thú cưng - từ năm 3000 trước Công nguyên. Ở thời kỳ đó, mèo được coi là “thợ” săn chuột và rắn siêu hạng, thường xuất hiện quanh những nơi con người sinh sống. Do đó, người dân đã để thức ăn xung quanh nhà dụ mèo thường xuyên lui tới. Theo thời gian, mèo hoang bắt đầu được thuần chủng và trở thành mèo nhà.

Chính vì mang ý nghĩa biểu tượng cao quý đó, trong nền văn minh Ai Cập cổ đại, người dân không được phép nuôi mèo. Chỉ có các Pharaoh – được coi là hiện thân của thần linh trên Trái Đất – mới có thể nuôi mèo làm thú cưng. Những người cai trị Ai Cập cổ đại còn chế tạo đồ trang sức bằng vàng cho chúng. Do đó, đồ trang sức hình mèo rất phổ biến ở thời kỳ này.

Mèo còn được tôn sùng tới mức nếu ai làm hại hay giết mèo sẽ bị quy vào tội làm hại hoặc giết một vị thần. Hình phạt cho hành động này, dù cố ý hay không, đều sẽ bị xử phạt, thậm chí bị xử tử. Khi mèo chết, một tang lễ tương tự như những nghi lễ tưởng nhớ các Pharaoh sẽ được tổ chức, chúng còn được ướp xác và chôn cất tại một nghĩa trang dành riêng.

Hình tượng mèo trong văn hóa các nước - ảnh 1
Bastet, còn được gọi bằng các tên khác như Baast, Ubaste, hay Baset, là một trong những vị thần được người dân Ai Cập cổ đại tôn sùng nhất. Ngài mang hình dáng một người phụ nữ có cái đầu mèo.

Bạn đồng hành của người Hy Lạp và La Mã cổ đại

Bằng chứng đầu tiên về loài mèo trong nền văn minh Hy Lạp xuất hiện trên 2 đồng xu Magna Graecia. Mèo được cho là xuất hiện tại Hy Lạp và La Mã cổ đại từ khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên bởi những thương nhân Phoenicia đi thuyền đến Địa Trung Hải. 

Cũng như những nền văn hóa khác, người La Mã và Hy Lạp coi mèo là các “dũng sĩ” can đảm khi bắt chuột. Các quân đoàn La Mã nổi tiếng còn nuôi mèo trong những pháo đài lớn để vừa làm nhiệm vụ bắt chuột bảo vệ các kho lương thực và bảo toàn kho vũ khí, bởi các loại giáp thời đó thường được làm bằng da và với đặc tính thích gặm nhấm, chuột có thể làm hỏng áo giáp và thiết bị chiến đấu. Mèo là người bạn đồng hành hữu ích của những người lính La Mã ở cả hậu phương và trên tiền tuyến. 

Bên cạnh đó, mèo còn là đại diện cho sự tự do và được mô tả là loài vật linh thiêng, luôn sát cánh cùng nữ thần tự do Libertas trong thần thoại La Mã. Chúng cũng được ban đặc ân là loài động vật duy nhất được phép vào bên trong các ngôi đền tôn giáo.

Hình tượng mèo trong văn hóa các nước - ảnh 2
Hình ảnh chú mèo Maneki Neko đại diện cho sự may mắn của Nhật Bản

Xuất hiện trong văn hóa đại chúng

Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, mèo được xem như là biểu tượng của triển vọng tốt đẹp và tương lai hứa hẹn. Hình tượng Maneki Neko - biểu thị cho may mắn - thường thể hiện bởi một con mèo cộc đuôi trong tư thế ngồi bằng hai chân sau với một chân trước giơ lên cao. Mèo cộc đuôi Nhật Bản cũng xuất hiện nhiều trong hội họa truyền thống của nước này. Tại Nhật Bản, tượng mèo Maneki Neko là biểu tượng của sự phú quý, giàu có.

Bên cạnh đó, ở Nhật Bản còn có "Nekomata", được cho do mèo nhà nhiều tuổi (40 hoặc 100 tuổi trở lên) biến hóa thành. Trong tiếng Nhật, "neko" nghĩa là con mèo, "mata" nghĩa là chạc cây phân nhánh, đầu chĩa ba phân nhánh, vật có dạng hình chạc cây. Khi Nekomata nguyền rủa ểm hại người thì nó đứng chồm trên hai chân để rủa người đó. Người Nhật còn tin rằng những người thường hay hành hạ mèo sẽ bị nó ám hại. Nếu con Nekomata tu luyện thêm thì nó sẽ sống lâu đến bất tận và được gọi là Nekoshō.

Hình tượng mèo trong văn hóa các nước - ảnh 3
Chú mèo 11 tuổi tên Shironeko ở Nhật Bản nổi tiếng mạng xã hội chỉ có mỗi đặc điểm là béo và ngủ nhiều.

Hình ảnh mèo được tái hiện trong văn hóa hiện đại với các hình tượng tranh ảnh, hoạt hình, truyện tranh với những chú mèo ngộ nghĩ, đáng yêu như: Mèo đi hia, Mèo Kitty, Mèo Tom (chú mèo trong loạt phim hoạt hình Tom và Jerry của Mỹ), chú Mèo Luna trong Thủy thủ Mặt Trăng. Và đặc biệt là hình tượng chú mèo máy Đô-rê-mon. Bên cạnh đó, ở Nhật Bản còn có chú mèo 11 tuổi tên Shironeko chỉ có mỗi đặc điểm là béo và ngủ nhiều.

Hình tượng mèo trong văn hóa các nước - ảnh 4
Bức tranh “Đám cưới chuột” với hình tượng mèo trong tranh dân gian Đông Hồ.

Ở Việt Nam

Mèo được xem là linh vật thứ 4 trong lịch Can Chi 12 con giáp ở Việt Nam, đại diện cho năm "Mão". Không chỉ vậy, mèo còn xuất hiện trong hai bức tranh Đông Hồ nổi tiếng là "Đám cưới chuột" và "Trạng chuột vinh quy" hay chạm khắc ở đình làng Bình Lục (Quảng Ninh), chạm nổi chùa Linh Quang (Hải Phòng). Mèo thậm chí còn truyền cảm hứng cho một loại võ thuật với dáng đi uyển chuyển, không tiếng động, êm như mèo, giỏi leo trèo, nhảy vọt được gọi là võ mèo hay miêu quyền như bài võ "Miêu tẩy diện" với 32 động tác; "Linh miêu độc chiến" và "Bạch miêu quyền". Hình tượng con mèo cũng xuất hiện trong cao dao, tục ngũ Việt Nam như: "Tiu nghỉu như mèo cắt tai", "Mèo khen mèo dài đuôi", "Lèo nhèo như mèo vật đống rơm", "Con mèo mà trèo cây cao/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo",...

Ở Việt Nam cũng có nhiều người mê tín rằng nếu mèo đen nhảy qua xác một người mới chết, người đó sẽ hóa thành quỷ nhập tràng. Và dân gian vẫn lưu truyền câu tục ngữ: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Tranh khắc gỗ làng Đông Hồ ở Việt Nam có hai bức tranh "Đám cưới chuột" và "Trạng chuột vinh quy" trong đó có vẽ hai con chuột đem cá và chim đến cho mèo. Hai bức tranh này gần giống nhau, dựa theo những chữ Hán và chữ Nôm trong tranh mà người ta sẽ gọi là "Đám cưới chuột" hay "Trạng chuột vinh quy". Bên cạnh đó, cũng có giai thoại vui liên quan đến Tú Xuất (nhân vật có thật sống vào cuối thế kỷ 19 ở Việt Nam, ông và Ba Giai đã tạo nên giai thoại Ba Giai-Tú Xuất với câu nói: "thứ nhất Ba Giai, thứ hai Tú Xuất" được mọi người nhớ đến ở đất Hà Thành) về mèo biết mói.

Hình tượng mèo trong văn hóa các nước - ảnh 5

Một vài nền văn hóa khác 

Ở Campuchia, ngày nay, người ta vẫn nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa. Theo đó, mỗi người tưới nước vào mèo cho nó kêu với niềm tin tiếng kêu của nó sẽ làm động lòng thần Indra-vị thần quản lý nước, khiến thần phải cho mưa xuống, dập tắt hạn hán cõi trần.

Ở Trung Quốc cổ đại, mèo hay được xem như một con vật báo lành và người ta bắt chước điệu bộ của nó cũng như con báo, trong các điệu múa nông nghiệp. Những phát hiện khảo cổ học gần đây cũng chỉ ra rằng mèo có thể được thuần hóa tại Trung Quốc sớm nhất là vào năm 3000 TCN, độc lập với sự xuất hiện của mèo từ khu vực Trung Đông. Vào năm 2001, các nhà khảo cổ phát hiện ra xương mèo báo tại các khu định cư nông nghiệp ở các tỉnh Thiểm Tây và Hà Nam có niên đại từ năm 3500 TCN đến 2900 TCN. Theo các chuyên gia, mèo có thể bắt đầu hình thành quan hệ với con người ngay sau khi nông nghiệp xuất hiện.

Ở nước Nga, mèo chiếm một vị trí nổi bật trong các câu chuyện cổ tích dân gian. Còn ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri. Trong khi Người Hồi giáo lại rất quý chuộng mèo và coi mèo đen là con vật đặc biệt. Thậm chí ở Iran, người ta cho rằng nếu ai hành hạ mèo đen thì có nguy cơ bị thánh thần trừng phạt.

Tin cùng chuyên mục

Để di sản hát Then “sống” trong đời sống đương đại

Để di sản hát Then “sống” trong đời sống đương đại

(PNTĐ) - Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay", Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng Thái lần thứ VII năm 2024 lần đầu được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dịp giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa của dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời tôn vinh, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc này.
“Đêm Trúc Bạch” quảng bá du lịch đêm Hà Nội tái hiện thời bao cấp

“Đêm Trúc Bạch” quảng bá du lịch đêm Hà Nội tái hiện thời bao cấp

(PNTĐ) - Từ ngày 29/11 - 1/12/2024, không gian đảo Ngọc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ trở thành một không gian của văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động trải nghiệm phong phú trong Chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”. Chương trình do Sở Du lịch Hà Nội và Ủy ban nhân dân quận Ba Đình phối hợp tổ chức.