Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025 đã khép lại với nhiều dấu ấn đáng nhớ, khẳng định vai trò là một sự kiện văn hóa truyền thống có giá trị tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Sự kiện năm nay tiếp tục duy trì không gian tổ chức trang nhã, phù hợp với tinh thần của nghệ thuật thư pháp, đồng thời nâng cao chất lượng chuyên môn của các tác phẩm. Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm và giao lưu văn hóa cũng thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng, cho thấy sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật thư pháp trong đời sống đương đại.  

Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 1
TS Lê Trung Kiên – Đốc giáo Nhân Mỹ học đường, Phó trưởng ban Thường trực Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025 phát biểu tại Lễ bế mạc

Phát biểu tại Lễ bế mạc Hội Chữ Xuân vào chiều 9/2, TS Lê Trung Kiên – Đốc giáo Nhân Mỹ học đường, Phó trưởng ban Thường trực Hội Chữ Xuân cho biết: Theo ghi nhận từ khía cạnh của cơ quan truyền thông, từ Ban tổ chức, người trực Nhà điều hành cho đến những người đến xin chữ... có thể đánh giá sự kiện năm nay đã thành công trên nhiều phương diện. 

Không gian tổ chức được đánh giá cao về tính thẩm mỹ và sự phù hợp với hoạt động thư pháp. Công tác phục vụ và hỗ trợ người viết chữ diễn ra chuyên nghiệp, ứng xử văn minh, giúp các nghệ nhân có điều kiện sáng tác tốt nhất. Những người tham gia và khách đến xin chữ đều hài lòng về chất lượng và tính nghệ thuật của các tác phẩm thư pháp năm nay.  

Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 2
Các đại biểu tham dự buổi Lễ bế mạc Hội chữ Xuân

Bên cạnh những điểm tích cực, Ban tổ chức cũng ghi nhận một số phản hồi liên quan đến giá cả. Tuy nhiên, sau khi làm việc trực tiếp, các ý kiến đã được tiếp thu và giải quyết kịp thời, không phát sinh tranh cãi hay phản ứng tiêu cực. Đặc biệt, các hoạt động trọng tâm như triển lãm thư pháp, triển lãm ảnh Việt Nam và triển lãm tranh con rắn thu hút được sự quan tâm lớn từ công chúng, góp phần tạo điểm nhấn cho Hội Chữ Xuân năm nay.

Về công tác tổ chức, Ban tổ chức đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định chưa trưng bày triển lãm quanh khu vực Hồ Văn trong năm nay, thay vào đó hướng đến một kế hoạch dài hạn hơn vào Hội Chữ Xuân 2026. Mục tiêu là không chỉ nâng cao giá trị chuyên môn mà còn tạo dựng một không gian triển lãm thư pháp quy củ, đảm bảo chất lượng thẩm mỹ cao hơn.

Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 3
Một quầy viết thư pháp tại khu vực Hồ Văn trong Hội Chữ Xuân 2025

Một trong những vấn đề đáng lưu tâm là sự tham gia của người viết chữ. Dù Ban tổ chức đã phát động sáng tác từ rất sớm, nhưng mức độ hưởng ứng vẫn chưa thực sự nhiệt tình. TS Lê Trung Kiên nhấn mạnh rằng, một tác phẩm thư pháp không chỉ đơn thuần là việc viết chữ để tặng mà còn phải mang giá trị tư tưởng, tinh thần và nghệ thuật. Do đó, người viết chữ cần đầu tư hơn nữa vào sáng tác, tham gia cùng định hướng của Ban tổ chức để tạo ra những tác phẩm xứng đáng được trưng bày triển lãm.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc duy trì số lượng người viết chữ hàng năm là cần thiết, nhưng không nên giới hạn quá chặt chẽ. Việc mở rộng cơ hội sẽ giúp phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới, những người có khả năng và tâm huyết gìn giữ, phát triển nghệ thuật thư pháp. Đồng thời, sự tham gia ngày càng đông đảo của công chúng không chỉ phản ánh sự quan tâm lớn dành cho giá trị văn hóa dân tộc, mà còn đặt ra trách nhiệm cho Ban tổ chức và người viết chữ trong việc nâng cao chất lượng Hội Chữ Xuân qua từng năm.

Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 4
Một phần không gian của Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025

Một trong những tín hiệu tích cực của Hội Chữ Xuân năm nay là sự quan tâm ngày càng lớn từ công chúng, không chỉ tại Hà Nội mà còn từ nhiều tỉnh thành khác và cả du khách quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện sức hút của sự kiện mà còn đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với Ban tổ chức và người viết chữ trong việc nâng tầm chất lượng Hội Chữ Xuân.  

Trên nền tảng thành công của Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025, Ban tổ chức đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa giá trị chuyên môn, mở rộng quy mô và hoàn thiện công tác tổ chức để sự kiện không chỉ là điểm hẹn văn hóa thường niên mà còn là một không gian tôn vinh nghệ thuật thư pháp, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.  

Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 5
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu tại Lễ bế mạc

Tại Lễ bế mạc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng khẳng định: Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025 thành công tốt đẹp, thực sự đã trở thành nơi hội tụ, kết nối những người hoạt động văn hóa, đem đến những niềm vui cho người dân trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Được tổ chức tại không gian giàu tính biểu tượng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, HCX2025 chọn chủ đề "Thực học" với ý nghĩa không chỉ tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc mà còn khuyến khích tinh thần học tập nghiêm túc, sáng tạo, đúng với cốt lõi giá trị của người Việt.

Hội Chữ Xuân cũng đã tái hiện sinh động không khí Tết cổ truyền qua các hoạt động xin chữ - cho chữ, trình diễn thư pháp, giải cờ Xuân, biểu diễn ca múa nhạc dân gian, múa lân sư rồng… 

Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 6
Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 7
Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 8
Hội Chữ Xuân 2025: Kết nối tinh hoa thư pháp, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 9
Tại Lễ bế mạc, 47 người viết thư pháp tham gia Hội Chữ Xuân Ất Tỵ đã được nhận Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức. 

Hồ Văn được cải tạo khang trang và sạch đẹp với các gian viết thư pháp được bố trí hài hòa với không gian trưng bày và triển lãm, được tô điểm bởi những vườn cúc, thược dược, violet tạo nên cảnh sắc hữu tình và ấn tượng khó quên cho du khách đến vui Xuân.

Trong khuôn khổ Hội Chữ Xuân, nhiều hoạt động văn hóa diễn ra tại không gian hồ Văn phục vụ du khách tham quan, trong đó có 3 cuộc triển lãm gồm: Triển lãm thư pháp "Thực học" trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ; Triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ "Giải thưởng Ảnh di sản Việt Nam - Việt Nam Heritage Photo Awards 2012 - 1018"; Triển lãm "Vẽ con rắn" mang đến góc nhìn đa dạng về rắn – linh vật của năm mới Ất Tỵ - trong truyền thống và hiện đại. 
Trong khu nội tự, bên cạnh hai khu trưng bày Trường Quốc học đầu tiên và Khơi nguồn đạo học, khách tham quan được thưởng thức triển lãm "Dấu xưa văn hiến 3: Thiên Quang" tại Tiền Đường nhà Thái Học, thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long xưa, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời của dân tộc.
Triển lãm "Bia đá kể chuyện 2" khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ, mang đến góc nhìn mới về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước nhà tại chính không gian nhà bia Tiến sĩ. Những triển lãm này tiếp tục làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tin cùng chuyên mục

Lựa chọn 50 tác phẩm vào Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất

Lựa chọn 50 tác phẩm vào Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất

(PNTĐ) - Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) dự kiến sẽ diễn ra vào quý II năm 2025 tại Nhà Triển lãm số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Triển lãm sẽ có khoảng 50 tác phẩm mỹ thuật xuất sắc từ mọi miền Tổ quốc để trưng bày, giới thiệu tới công chúng.
Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025

Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025

(PNTĐ) - Dự kiến, Lễ Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt nam lần thứ Tư trên toàn quốc năm 2025 tổ chức vào ngày 17/4/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 15/4/2025 đến ngày 2/5/2025. Các thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025 là: "Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng", "Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo".
Bài cuối: Hiến kế, nâng tầm để phát triển

Bài cuối: Hiến kế, nâng tầm để phát triển

(PNTĐ) - Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương đều nhận thức được tầm quan trọng của sản vật địa phương trong phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch văn hóa…, nên đã có những nỗ lực đổi mới, sáng tạo, khai thác các tiềm năng dồi dào, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Báo chí, truyền thông- Ngọn cờ tiên phong trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Báo chí, truyền thông- Ngọn cờ tiên phong trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

(PNTĐ) - Chiều 24/3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức Hội nghị tọa đàm với chủ đề “Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Toạ đàm làm rõ vai trò của báo chí, truyền thông trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; định hướng chiến lược phát triển nội dung truyền thông, xây dựng mô hình báo chí gắn với giáo dục văn hoá.
Hoa hậu Quốc tế Huỳnh Thị Thanh Thuỷ được vinh danh “Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2024”

Hoa hậu Quốc tế Huỳnh Thị Thanh Thuỷ được vinh danh “Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2024”

(PNTĐ) - Tối ngày 23/3, Lễ vinh danh 18 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng 2024 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức đã được diễn ra tại Đài Truyền hình Việt Nam (Hà Nội). Hoa hậu Quốc tế 2024 Huỳnh Thị Thanh Thuỷ vinh dự là 1 trong 8 gương mặt trẻ được nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2024.