Khai thác lợi thế “xanh” trong giai đoạn mới
Trong khi nhiều thành phố du lịch lớn chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 thì Hà Giang - tỉnh miền núi cực Bắc Tổ quốc là một trong số ít địa phương có lượng khách tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Vì vậy, sau giãn cách xã hội, đây là tỉnh có tour du lịch chào bán từ rất sớm.
Ngày 29/10, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kết thúc chuyến khảo sát du lịch đầu tiên trong thời kỳ “bình thường mới” tại Hà Giang với sự tham gia của gần 30 đơn vị lữ hành. Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: Ngay sau giãn cách xã hội, trong kế hoạch tái khởi động thị trường hậu Covid-19, Hanoitourist và các đơn vị lữ hành tại Hà Nội đã “nhắm” đến Hà Giang để phục vụ du khách.
Trong thời điểm hiện nay, không chỉ có lợi thế là vùng “xanh” an toàn, Hà Giang là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn dựa trên việc khai thác lợi thế tự nhiên, thu hút du khách sau dịch Covid-19. Đó là sản phẩm du lịch mạo hiểm với các hình thức du lịch caravan (tự lái xe), leo núi, dù lượn, khám phá hang động... mà tỉnh Hà Giang đã từng tổ chức thí điểm thành công.
Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hiện tỉnh hình thành 3 không gian du lịch. Đó là: Không gian du lịch đồi núi thấp (gồm TP Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang); Không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc (gồm huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) - được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn; Không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình).
Cảnh quan thiên nhiên, địa hình hùng vĩ và những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tạo nên nét đẹp riêng của tỉnh Hà Giang (Ảnh: VT)
Đặc biệt, Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia; 61 di tích, danh thắng được xếp hạng. Từ 3 không gian du lịch này, tỉnh Hà Giang xác định 3 dòng sản phẩm du lịch chính: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với nhiều tour thiết kế phù hợp với mọi lứa tuổi. Ngoài ra, tỉnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt 80%, nhân lực trong ngành du lịch đã được đào tạo các quy trình đón khách bảo đảm an toàn.
Thế mạnh trên của du lịch Hà Giang, theo đánh giá của bà Tạ Thị Tú Uyên - công ty du lịch Vietravel, cho phép tỉnh có thể thu hút du khách quanh năm. Thậm chí, trong những giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Vietravel vẫn thực hiện thành công đoàn khách charter đến Hà Giang. Sau đó, lượng du khách quan tâm đến sản phẩm du lịch Hà Giang tăng đáng kể.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, du lịch chiếm vị trí rất quan trọng trong việc đóng góp các nguồn lực tài chính cho địa phương. Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang Nguyễn Thị Hoài, tỉnh đã có kế hoạch phát triển thêm sản phẩm du lịch văn hoá, nâng cấp các lễ hội của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch mạo hiểm với các sản phẩm như đi bộ trên vách đá trắng, đi thuyền trên sông Nho Quế, dù lượn trên mùa vàng, chạy marathon, lễ hội khinh khí cầu...; Xây dựng sản phẩm du lịch thương mại biên giới, phát triển một số trung tâm mua sắm, giới thiệu nông sản địa phương để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch.
Phát huy lợi thế vùng “xanh” du lịch, đón đầu giai đoạn mới, trong đó yếu tố an toàn được ưu tiên hàng đầu, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, địa phương phải quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các địa điểm du lịch, người làm dịch vụ và khách du lịch, xây dựng lộ trình khép kín để hoạt động du lịch được tổ chức thuận lợi và an toàn.
Đại diện nhiều đơn vị lữ hành đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng (khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển…) để đón khách trong mùa cao điểm du lịch, tránh tình trạng du khách thiếu chỗ nghỉ, chỗ ăn uống… Đồng thời, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại các làng văn hóa cộng đồng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật thể hiện văn hóa bản địa của cư dân, dân tộc, trong đó tập trung vào các nghi lễ, tập tục truyền thống như nhảy lửa, gầu tào của người của người Dao, người Mông…
NGUYỄN HƯƠNG