Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận
(PNTĐ) - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ Việt đối mặt với làn sóng chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm thổi phồng công dụng, thậm chí sai sự thật. Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến thuốc giảm cân, chữa bệnh không rõ nguồn gốc... hình ảnh các nghệ sĩ vốn được công chúng tin tưởng đã bị lợi dụng, khiến nhiều người mất danh tiếng, sự nghiệp chỉ vì tham lợi từ quảng cáo.
Bê bối người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật gây chấn động dư luận
Câu chuyện nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật không mới, nhưng từ đầu năm 2025 đến nay, đã trở thành vấn nạn khi hàng loạt sự việc bị phanh phui, như vụ kẹo giả Kera liên quan Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục và Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Hàng loạt tên tuổi nổi tiếng liên tiếp bị "bóc trần", chịu phạt nặng và tổn hại lớn về uy tín.
Giữa tháng 4/2025, Cục Quản lý Dược nhận đơn tố cáo hotgirl Chu Thanh Huyền (vợ cầu thủ Quang Hải - Pv) bán bộ mỹ phẩm OHUI Prime nghi nhập lậu, trốn thuế. Mặc dù đang bị điều tra, cô vẫn tiếp tục livestream bán sản phẩm với mức giá "hời" chỉ hơn 4 triệu đồng, đặc biệt có những đơn hàng chỉ 1,99 triệu đồng cho 8 sản phẩm, quảng cáo công dụng gần như "thần kỳ" như: Giải quyết được hết vấn đề khuyết điểm trên da, bao gồm cả da mẹ bỉm, bà bầu... Trước đó, Chu Thanh Huyền cũng vướng lùm xùm quảng cáo sữa trẻ em sai đối tượng sử dụng, khiến dư luận thất vọng khi cô lập lờ giữa chia sẻ cá nhân và quảng cáo.

Tương tự, MC Vân Hugo quảng cáo sữa Hiup với cam kết "cao thêm 3-5cm trong 4-6 tháng" mà không tài liệu nào chứng minh, cô còn mạnh miệng nói như Chu Thanh Huyền rằng trải nghiệm dựa trên việc cho con trai sử dụng.
Cô bị phạt 70 triệu đồng vì vi phạm quy định quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm, theo khoản 5 Điều 34, Nghị định số 38/2021. MC Quang Minh cũng bị phạt 37,5 triệu đồng vì bịa đặt thành phần sữa Hiup khi thêm thắt một số thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm sữa Hiup mà thực tế không hề có trong danh mục thành phần công bố của hãng, gây bức xúc trong dư luận.
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, khi làm việc với hai cá nhân trên, họ đều cung cấp tài liệu, kịch bản quảng cáo của nhãn hàng, nhưng nội dung quảng cáo lại có nhiều thông tin sai lệch, vượt quá phạm vi công dụng thực tế, gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Cũng trong tháng 4, vụ việc đường dây làm giả 573 nhãn hiệu sữa bột bị phanh phui gây chấn động dư luận cũng đã lộ ra một số nghệ sĩ từng tham gia quảng cáo các nhãn hiệu sữa bột giả này. Liên quan đến vụ việc, diễn viên Doãn Quốc Đam đã lên tiếng xin lỗi vì từng giới thiệu một nhãn sữa bị cho là của nhóm sản xuất sữa giả.
Nghệ sĩ này cho biết, thời điểm đóng quảng cáo, phía công ty cung cấp đầy đủ giấy tờ kiểm định và anh chỉ nói theo kịch bản của nhãn hàng, không kêu gọi mua và sử dụng sản phẩm.
Tuy nhiên, phát ngôn này của anh không được dư luận chấp nhận vì đã quảng cáo, dù không kêu gọi mua, nhưng là sự định hướng tiêu dùng rất cụ thể, anh cần có trách nhiệm với sản phẩm mình quảng cáo.
Thậm chí, một danh hài nổi tiếng cũng từng quảng cáo viên uống giảm cân "thần tốc", chỉ cần 7 ngày có thể giảm tới 5kg mà "không cần tập luyện, không cần ăn kiêng". Sau khi nhiều người dùng gặp tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, thậm chí phải nhập viện, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu tạm ngừng lưu hành sản phẩm và khuyến cáo người dân không sử dụng.
Loạt sự việc đã và đang là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với cả nghệ sĩ và người tiêu dùng.

Chờ đợi chế tài mạnh
Không thể phủ nhận, quảng cáo mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nổi tiếng. Một hợp đồng quảng cáo sản phẩm có thể đem về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh, chỉ cần một buổi livestream vài tiếng, nhiều nghệ sĩ đã kiếm được số tiền khổng lồ. Điều đó khiến người nổi tiếng đang lao vào thị trường quảng cáo, bán sản phẩm như “thiêu thân”.
Chỉ cần dạo một vòng từ Facebook đến TikTok, dễ dàng nhận thấy phần lớn nghệ sĩ Việt đều tham gia quảng cáo sản phẩm qua các bài đăng mạng xã hội. Trong đó, hầu hết các bài viết đều dành những lời “có cánh” cho sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng. Những bài quảng cáo này có thể do nghệ sĩ tự sáng tạo theo cảm nhận cá nhân, hoặc theo nội dung do nhãn hàng soạn sẵn. Thực tế cho thấy, việc kiểm soát hình thức quảng cáo trên nền tảng số hiện nay còn khá lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những vi phạm diễn ra tràn lan, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, dư luận ngày càng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng áp dụng các mức xử phạt mạnh tay hơn đối với người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.
Vụ việc kẹo giả Kera là ví dụ điển hình: Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục bị khởi tố hình sự, trong khi Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, cũng tham gia quảng cáo và bán sản phẩm, chỉ bị xử phạt 25 triệu đồng. Mức phạt này bị đánh giá là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe so với hậu quả nghiêm trọng gây ra cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật chỉ bị phạt từ 60 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, so với thù lao hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mà nghệ sĩ nhận được từ mỗi hợp đồng quảng cáo, mức xử phạt hiện tại chẳng khác nào “muối bỏ bể”.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn, như buộc nghệ sĩ chịu trách nhiệm liên đới với nhãn hàng, hoặc thậm chí áp dụng cơ chế “phong sát” đối với các trường hợp quảng cáo sai lệch, như cách mà một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đang thực hiện. Nghệ sĩ - với vai trò người của công chúng - có ảnh hưởng lớn đến thói quen, hành vi tiêu dùng của xã hội.
Khi họ thổi phồng, sai lệch thông tin sản phẩm, hậu quả để lại không chỉ là thiệt hại vật chất mà còn là tổn thương niềm tin công chúng. Bởi vậy, việc họ phải chịu trách nhiệm về quảng cáo mà họ thực hiện là điều tất nhiên.
Trong lúc chờ đợi những quy định chặt chẽ hơn, cơ quan chức năng khuyến cáo các nghệ sĩ cần tự nâng cao nhận thức pháp luật, cẩn trọng trong việc nhận lời quảng cáo. Ngay cả khi chỉ đơn thuần đọc kịch bản của nhãn hàng, nghệ sĩ cũng phải kiểm tra kỹ nội dung, tuyệt đối không đưa ra các cam kết quá đà hoặc sai lệch về thành phần, công dụng sản phẩm.
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nhận thức pháp lý của nghệ sĩ về hoạt động quảng cáo hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Nhiều người ký hợp đồng quảng cáo một cách dễ dãi, không thẩm định nội dung, dẫn đến việc vi phạm pháp luật một cách vô thức.
Trong khi đó, công chúng cũng đồng loạt kêu gọi nghệ sĩ cần lấy đạo đức nghề nghiệp làm nền tảng cho mọi hoạt động quảng bá sản phẩm. Bởi nghệ sĩ không chỉ là người của công chúng mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa, lối sống và niềm tin xã hội. Khi họ lạm dụng lòng tin ấy để trục lợi cá nhân, hậu quả không chỉ là làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, mà còn là sự tổn thương sâu sắc về niềm tin – thứ vốn rất khó phục hồi.
Nghệ sĩ không nên vì cái lợi trước mắt mà đánh mất danh dự, đánh mất cả mối quan hệ thiêng liêng với công chúng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên tỉnh táo, trang bị kiến thức cần thiết khi lựa chọn sản phẩm, thay vì chỉ tin tưởng mù quáng vào những lời quảng cáo từ người nổi tiếng.
Được biết, trong dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang chờ Quốc hội thông qua, lần đầu tiên sẽ có những quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo. Hy vọng rằng, khi luật được ban hành, nó sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, thức tỉnh ý thức của nghệ sĩ lẫn người tiêu dùng, và trả lại cho thị trường một môi trường quảng cáo lành mạnh, minh bạch hơn.