Kỳ 1: Dấu ấn và những trăn trở

Chia sẻ

Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 xác định: "Văn hóa là quyền lực mềm, là sức mạnh to lớn góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp và sức cạnh tranh quốc gia". Vậy làm thế nào để phát huy được "quyền lực mềm" đó trong sự nghiệp phát triển đất nước?

Năm 2021 đánh dấu 35 năm công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và khí thế quyết tâm của cả nước, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là khi Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh một trong những đột phát chiến lược giai đoạn 2021-2030 là "phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”.

Những dấu ấn văn hoá sau 35 năm đổi mới

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đặc thù cho phát triển sự nghiệp văn hoá, chính sách về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Những chính sách khuyến khích và tôn vinh hoạt động sáng tạo (Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú); Chế độ ưu đãi đặc thù đối với nghệ sĩ, học sinh các trường văn hóa nghệ thuật… Hệ thống các văn bản pháp luật này đã từng bước ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, phát huy vai trò của văn hóa với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Quan điểm văn hóa văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa đã mang lại những chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.

Trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới, đóng góp vào quá trình dân chủ hoá xã hội và sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hoá. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống tuy gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi cơ chế, nhưng vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hoá dân gian và văn hoá bác học Việt Nam được sưu tầm, công bố tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ, rối nước…), các loại hình nghệ thuật hiện đại (ca, múa, nhạc, kịch, xiếc, điện ảnh…) cũng có bước tiến mới. Một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; Từng bước ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất và lưu trữ phim, bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Bước đầu nâng cao được nhận thức về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật, hình thành tổ chức bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.

Các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững đất nước. Việt Nam có gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước, cùng với đó là hơn 61 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, 26 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, 54 dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa đa dạng. Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

Chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn với văn hoá thế giới và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hoá Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hoá nghệ thuật Việt Nam. Các liên hoan phim quốc tế, triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh quốc tế ở Việt Nam và của Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua cũng đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước, con người bạn bè quốc tế và con người Việt Nam, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến văn hoá, thể thao và du lịch ở nhiều nước trên khắp các châu lục thế giới; Hoặc thông qua các phương tiện công cộng, truyền thông, báo chí, làm phim quảng bá trong nước và quốc tế, tổ chức thành công các hoạt động văn hoá đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài trên diện rộng hơn, trọng điểm tại những địa bàn truyền thống, những đối tác quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Nghệ thuật truyền thống đã được quan tâm, bảo tồn và phát triểnNghệ thuật truyền thống đã được quan tâm, bảo tồn và phát triển (Ảnh: Int)

Những trăn trở trong thời kỳ hội nhập

Tuy nhiên, bức tranh xây dựng văn hóa, phát triển con người trong những năm vừa qua vẫn còn những thách thức. Việc xây dựng thể chế văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và chưa hiệu quả. Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt.

Hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu có phần gia tăng trong thế hệ trẻ. Văn hóa gia đình chưa được chăm lo, củng cố. Gia đình chưa thực sự trở thành cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Văn hóa học đường có những biểu hiện đáng báo động. Hệ giá trị của người Việt Nam trong xã hội đương đại đang có nhiều biến đổi, có cả chiều hướng tiêu cực.

Nhiều sản phẩm văn hoá không phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, thậm chí độc hại ảnh hưởng tiêu cực đối thị hiếu, lối sống của một phần không nhỏ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật số lượng tác phẩm xuất hiện ngày một nhiều, song còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với những thành tựu phát triển đất nước trong thời kỳ Đổi mới. Một số tác phẩm, lý tưởng xã hội, thẩm mỹ không rõ nét, chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Một số tác phẩm có nội dung tư tưởng lệch lạc, thiên về khai thác những mặt tiêu cực, thậm chí phủ nhận quá khứ hào hùng của dân tộc, xuyên tạc sự thật lịch sử. Không ít tác phẩm còn thể hiện sự dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.

Xu hướng xã hội hoá, phát triển thị trường văn hóa tạo sự đa dạng cho diện mạo văn học, nghệ thuật, song cũng khuyến khích xu hướng thương mại hóa văn hóa, nghệ thuật, chạy theo lợi nhuận của kinh tế thị trường. Còn thiếu vắng những tác phẩm sáng tạo mới, có giá trị cách tân thực sự, phản ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đã xuất hiện những tác phẩm mang tư tưởng chống đối, phá hoại hệ giá trị tư tưởng thông qua các hình thức nghệ thuật mới.

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chúng ta cần phải xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hoá, xác định đúng và trúng những biện pháp, giải pháp đúng đắn, hiệu quả. Muốn như vậy, chúng ta phải nắm rõ thời cơ và nguy cơ trong thời kỳ mới để có định hướng phát triển trong tương lai tới đây.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 24/11 tại Hà Nội bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua. Đây cũng là diễn đàn lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… để từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong dịp diễn ra hội nghị sẽ có một số hoạt động lớn bên lề, như: Triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (dự kiến vào ngày 21/11) tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội); Chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị với chủ đề “Việt Nam với khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc” (dự kiến tổ chức tối ngày 23/11) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

(Còn nữa)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn
(Ủy viên Thường trực
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

 

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.