Kỳ 1: Nguy cơ lệch chuẩn từ văn hoá... đọc

Chia sẻ

Kỷ nguyên 4.0 thực sự là cuộc cách mạng đưa thế giới đến với những bước phát triển vượt bậc, mối quan hệ giữa người với người cũng trở nên gần gũi hơn nhờ vào “thế giới phẳng”. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ cũng để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt đối với sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ, khi có những “hố đen” văn hoá rất đáng báo động…

Những cuốn truyện đam mỹ được in ấn, bán tràn lan trên mạngNhững cuốn truyện đam mỹ được in ấn, bán tràn lan trên mạng (Ảnh: Int)

Cùng với sự nở rộ của các loại hình giải trí trên không gian mạng, văn hóa đọc trong giới trẻ cũng chuyển hướng từ đọc sách trên giấy sang đọc sách online. Tuy nhiên, có những mối nguy hại từ đọc sách trên mạng cũng khiến phụ huynh không thể phó mặc cho con trẻ

“Rình” cháu đọc sách

Ông Hoàng Văn Thanh (nhà ở quận Thanh Xuân) kể, vừa rồi ông bị một cơn “chấn động” tinh thần, mãi vẫn chưa thể giải toả. Ông có đứa cháu gái năm nay lên lớp 10, khá ngoan ngoãn. Vừa rồi, điểm thi của con bé vào lớp 10 cũng rất khá nên cả nhà luôn tin tưởng vào sự nỗ lực cũng như cuộc sống lành mạnh của cô bé. Bố mẹ nó còn ca ngợi sự ham đọc của con gái, nên không tiếc tiền mua sách cho con. Sách mua ở hiệu chỉ một phần, bố mẹ nó còn khen con gái rất biết cách lên mạng tìm các sách hay để đọc. Cháu gái ông ngoài việc giúp đỡ ông bà việc vặt, học online còn lại cầm điện thoại cắm cúi đọc sách. Nhiều đêm đọc mê mải quá quên cả ngủ, nửa đêm ông Thanh dậy thấy cháu vẫn đọc. Đến một ngày khi đang đọc sách, cháu gái ông được bà nhờ làm việc vặt nên chạy ra giúp bà mà để quên điện thoại. Ông Thanh tò mò cầm lấy xem cháu đọc truyện gì. Lướt vài trang truyện, ông sững sờ, hoá ra bấy lâu nay cháu đọc đến quên ngủ là một cuốn truyện về tình yêu hai người con trai với nhau. Không những thế, ở một vài trang ông đọc thử, truyện còn miêu tả vô cùng kỹ lưỡng cách “ân ái” của cặp đôi nhân vật nam - nam chính trong tác phẩm.

Từ đó ông trở nên bất an và tìm cách đến gần cháu gái. Lựa lúc cháu đọc truyện, ông hỏi đọc gì, cô bé chỉ trả lời qua loa là “Cháu đọc truyện của Trung Quốc”. Ông hỏi truyện gì, cô bé giải thích ngắn gọn là như truyện chưởng, kiếm hiệp. Ông lại hỏi khéo léo câu chuyện ra sao thì cô bé bảo: “Truyện này hợp với thời đại bọn cháu, ông không hiểu được đâu…”.

Hôm sau, ông Thanh tìm trong kho sách của mình cuốn “Không gia đình” mang đến nói cháu nên đọc cuốn này. Cháu gái ông lắc đầu: “Mấy truyện này bây giờ bọn cháu mấy ai đọc nữa”. Không thuyết phục được cháu, ông Thanh đi hỏi kinh nghiệm của một vài người trẻ để có thể xem được lịch sử đã đọc trên mấy trang đọc truyện của cháu. Cuối cùng, ông cũng tìm được danh sách truyện cháu gái mình đọc và bàng hoàng khi thấy hầu hết cháu đọc là truyện nam-nam yêu nhau. Ông Thanh đã lo mất ăn mất ngủ vì văn hoá đọc của cô cháu gái.

Trước khi giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, tôi có dự tiệc sinh nhật con gái của một người bạn. Cô bé học lớp 5. Có khá nhiều bạn bè là bạn gái cùng đến dự. Sau buổi tiệc, bọn trẻ ngồi nói chuyện với nhau. Tôi vô tình ngồi gần nghe chúng kháo nhau về những cuốn truyện đang đọc. Tôi trộm nghe một hồi rồi phát hoảng, hoá ra chúng nó đọc cả truyện đam mỹ lẫn bách hợp (nữ - nữ yêu nhau). Tôi quay lại phía người lớn, thử hướng chủ đề xem phụ huynh ở đây có biết bách hợp với đam mỹ là gì không, thì hầu hết đều ngơ ngác. Có người nghe thấy chữ nghĩa thì đoán chắc là mấy truyện kiếm hiệp giống như ngày xưa đọc truyện chưởng Kim Dung.

Sự thực, hai câu chuyện trên đây hoàn toàn không phải là cá biệt trong văn hoá đọc, đặc biệt là văn hoá đọc trên mạng hiện nay của giới trẻ. Những người lớn “lỗi thời” thì không bàn, nhưng, nếu gia đình có con tầm lớp 6 trở lên, bất kể là trai hay gái, cứ thử hỏi chúng về chuyện đam mỹ hay bách hợp là như thế nào, chắc chắn rất nhiều bé sẽ nói vanh vách cho bố mẹ nghe. Bởi nhiều khi các bé không đọc, nhưng trên youtube cũng rất hay bàn về những truyện này, tạo nên khuynh hướng tìm đọc kích thích sự tò mò tìm hiểu cho những bạn nhỏ “lớn sớm”. Những bạn nhỏ kể trên, có thể chưa từng đọc danh tác văn học nhưng lại am hiểu tường tận thế giới truyện đam mỹ, bách hợp đang nhan nhản trên mạng và trên cả hiệu sách.

Hoang mang nhãn tiền trước “hố đen” văn hoá đọc

Sau buổi sinh nhật kia ít ngày, tôi có gặp lại con gái bạn tôi ở một sự kiện khác. Tôi liền kéo cháu ra hỏi chuyện, khéo léo gợi chuyện, không ngờ, cháu không ngần ngại mà hồn nhiên kể vanh vách một số truyện đã đọc qua điện thoại thông minh. Mấy truyện này đều có số chương dài, vài ba quyển/1 bộ, vậy mà cô bé lớp 5 đã đọc được hết. Tôi lại hỏi: “Vậy cháu đọc rồi thì khi ra ngoài đời, thấy hai bạn trai cùng lớp mà thích nhau thì thế nào?”. Cô bé rất thản nhiên nói: “Cháu thấy bình thường. Cháu chỉ thấy nếu các bạn trai mà hôn nhau như trong truyện thì hơi… kinh thôi. Chắc cháu sẽ thấy bình thường khi cháu lớn lên”. Tôi ngã ngửa, cảm thấy ngay rằng nếu phụ huynh không chạy theo bọn trẻ để kiểm soát chúng từ những thứ sờ sờ trước mắt, thậm chí đôi khi họ còn vô tình “tự hào” thấy con chăm chỉ đọc sách, truyện, sẽ trở thành hiểm hoạ lệch lạc nhận thức của con trẻ trong một sớm, một chiều.

Điều này đã không còn là một vấn đề nhỏ nữa nếu các bậc phụ huynh theo dõi các nhóm chát của con hay cách bọn trẻ nói chuyện trên lớp. Bọn trẻ ngày nay rất dễ gọi nhau là “gay”, gán ghép nam - nam, nữ - nữ yêu nhau một cách hồn nhiên và tự nhiên. Nhất là bọn trẻ mới lớn bước vào cấp 2.

Thực tế, truyện đam mỹ hay bách hợp là dòng truyện khá phát triển xuất phát từ Trung Quốc. Nếu tra trên google sẽ ra ngay khái niệm rằng: Đam mỹ (hay còn gọi là boylove) là một thể loại tiểu thuyết, truyện tranh tình cảm, tập trung khai thác chuyện tình cảm của các cặp đôi nam - nam, đồng tính luyến ái nam. Còn truyện bách hợp có nội dung xoay quanh chuyện tình cảm đồng giới giữa hai người phụ nữ. Trong những năm gần đây, khi dòng truyện mạng phát triển, thể loại truyện này vô cùng phát triển. Thậm chí, có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được một số nhà xuất bản của Việt Nam chọn lựa và phát hành chính thống trên các kệ sách tại Việt Nam. Có thời gian, dòng truyện đam mỹ, bách hợp còn thịnh đến mức các công ty sách Việt ra mắt ồ ạt hàng loạt, bán khắp các nhà sách. Bây giờ, nếu nhà sách mở cửa, vào các hàng sách, bao gồm cả nhà sách mang tính giáo dục, vẫn rất dễ dàng tìm vài cuốn truyện đam mỹ/bách hợp. Một số bộ hiện tại rất dễ tìm như: Ma đạo tổ sư, Thiên quan tứ phúc, Á nô, Sợi chỉ đỏ, Hệ thống tự cứu của nhân vật phản diện… hay truyện tranh “Môn đồ”…

Trên thế giới mạng, những bộ truyện đam mỹ/bách hợp còn được quảng bá bán nhiều hơn, hình ảnh sách vô cùng đẹp mắt, rất hấp dẫn độc giả, nhiều cuốn sách rất đắt hàng. Với hàng trăm app đọc truyện hiện nay, chỉ cần có điện thoại thông minh, bất cứ ai cũng có thể tìm được rất nhiều truyện thuộc thể loại này để đọc. Có truyện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều tác giả tự do của Việt Nam cũng nhập cuộc.

Nhìn chung, dòng sách viết về tình yêu của giới LGBT không phải là điều đáng phê phán. Dòng văn học này được thừa nhận là chính văn giống như việc chúng ta công nhận sự tồn tại, sự bình đẳng của giới LGBT trong đời sống này.

Thế nhưng, vấn đề đáng quan ngại rằng, giới trẻ tò mò đọc những cuốn truyện này lại gây ra những mối nguy hiểm nhãn tiền, rất ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý bình thường của các em. Từ tò mò đọc, dần dần hấp thụ đến việc nhận thức lệch lạc chỉ là một sợi chỉ mỏng. Các em hoàn toàn chưa có nhận thức về giới rõ ràng, nhưng khi đọc truyện đam mỹ lại có ngay những cái nhìn “người lớn”. Từ đó nhận thức của các em cũng dễ dàng “chuyển hướng” theo cách khác. Chưa kể, những truyện này thường được gắn nhãn 15, 16 + ở nước sở tại, khi lên thế giới mạng thì chuyện gắn nhãn đã bị “bay màu”, ai cũng có thể tiếp cận được. Đây là điều vô cùng nguy hiểm đối với bạn đọc nhỏ vì các truyện này thường miêu tả ái tình của các cặp đôi đậm đặc. Một đứa trẻ sớm đọc truyện “người lớn” sẽ ra sao nếu không được kiểm soát kịp thời?

Khoảng năm 2015, đã từng có một cuộc “tổng tấn công” phê phán dòng truyện đam mỹ, ngôn tình vì nội dung “thô tục và phản cảm”. Giữa tháng 4/2015, Cục xuất bản ra công văn số 2116/CXBIPH-QLXB gửi đến tất cả các nhà xuất bản yêu cầu từ nay "không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ". Thay vào đó là "lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung "lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam". Từ đó đến nay, dòng truyện này cũng đã được hạn chế khá nhiều ở hiệu sách, một số bộ hiện có đều được dịch sạch sẽ, bớt đi các yếu tố thô tục, nhạy cảm. Tuy nhiên, khi hạn chế sách xuất bản thì đọc truyện online lại nở rộ như "nấm sau mưa".

Bởi vậy, có lẽ không cần phải nói nhiều hơn nữa, các bậc phụ huynh cần ngay lập tức trang bị cho mình kiến thức, cách thức để ngăn chặn trẻ trước “hố đen” văn hoá cực kỳ nguy hiểm này.

Kỳ 2: “Hố đen” ở gần, hậu quả không xa từ phim ảnh

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục