Kỳ 1: Sân khấu truyền thống Hà Nội: Bảo vật đang bị "phủi bụi" ?

Chia sẻ

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của các loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là các sân khấu kịch hát dân tộc như chèo, cải lương, tuồng, múa rối… - những sản phẩm văn hoá độc đáo, một phần hồn cốt văn hoá của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Những nghệ sĩ lão thành của sân khấu nghệ thuật truyền thống Hà Nội khẽ thở dài nhẩm tính, đã ngót gần 30 năm sân khấu nghệ thuật truyền thống cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng rơi vào cảnh “chợ chiều”, thưa vắng khán giả… Những vàng son ngày cũ chỉ còn ở trong ký ức, giờ đây là biết bao lo lắng về nguy cơ mai một nếu không kịp thời chấn hưng và phát triển… 

Từ hồn cốt của văn hoán đất Thăng Long

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến các nhiệm vụ phát triển, chấn hưng văn hóa nước nhà. Trong đó, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm “phát triển “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống có thể coi là một trong những giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, là một “bảo vật” trong khối “tài sản quý báu” mà Tổng Bí thư đề cập tới.

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của văn hoá nghệ thuật, cũng là nơi quy tụ những loại hình sân khấu truyền thống hay còn gọi là kịch hát dân tộc nổi bật, mang những nét đặc trưng riêng biệt, góp phần hình thành nên giá trị văn hoá ngàn năm của đất Kinh kỳ. Ôm chứa trong mình một giá trị văn hoá, tinh thần đặc sắc, sân khấu nghệ thuật truyền thống luôn nắm giữ vai trò là một lĩnh vực góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng trường đại học Sân khấu điện ảnh, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc đánh giá: “Việt Nam chúng ta có nền văn hoá rất đa dạng và phong phú, sân khấu kịch hát dân tộc đã ra đời và phát triển từ rất lâu đời, dựa trên nền tảng cơ sở là dân ca, dân vũ dân gian.

Bởi vậy, kịch hát dân tộc nói chung và của Hà Nội nói riêng là món ăn tinh thần, là hơi thở cuộc sống của người dân qua rất nhiều thế hệ. Nghệ thuật sân khấu chèo, tuồng, rối nước… chính là hồn cốt, là niềm hứng khởi chia sẻ, hoà đồng của các giai tầng trong xã hội. Sân khấu nghệ thuật truyền thống chứa đựng đời sống văn hoá tinh thần của người dân, trong đó có nhiều giá trị đạo đức, mối quan hệ xã hội…”.

Theo Tiến sĩ Phạm Trí Thành, với việc UNESCO công nhận nhiều loại hình văn hoá phi vật thể của Việt Nam trở thành di sản đại diện của nhân loại đã khiến người dân Việt tự hào rằng không phải đất nước nào cũng có được điều đó. Đất nước Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng nền văn hoá phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú và Hà Nội có quyền tự hào là nơi có đa dạng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, trở thành đại diện cho văn hoá đất Thăng Long, nơi phát tích nhiều triều đại với sự nở rộ của văn hóa.


Trên mảnh đất Thủ đô, không chỉ có các nhà hát ca kịch dân tộc của Hà Nội mà còn có của các đơn vị trực thuộc Trung ương, đây là lợi thế gấp đôi của Hà Nội trong việc nâng cao bản sắc, vị thế của hệ giá trị văn hóaThăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam khẳng định, Hà Nội luôn nỗ lực xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, giữ gìn cốt cách riêng của người Tràng An, văn hoá nghệ thuật truyền thống góp sức tạo nên cốt cách ấy. “Những giá trị truyền thống trong đó có nghệ thuật truyền thống bồi dưỡng, vun đắp cho cốt cách của người Hà Nội”- NSND Thanh Ngoan nói.

Nói như vậy để thấy rằng, sân khấu nghệ thuật truyền thống thực sự có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với đời sống văn hoá của Thủ đô Hà Nội, nó lưu giữ những giá trị tinh thần đồng thời cũng đại diện cho vẻ đẹp văn hoá của Thủ đô. Đây thực sự là “bảo vật” phi vật thể mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy rõ sự trân quý của nó, nhưng tiếc là, trong giai đoạn những năm trở lại đây, vì nhiều lý do mà “bảo vật” ấy đang bị “phủ bụi” trong những xót xa, tiếc nuối.

Chèo- một sản phẩm văn hoá nghệ thuật truyền thống tinh hoa trên đất Thủ đô	 Ảnh: NHCChèo- một sản phẩm văn hoá nghệ thuật truyền thống tinh hoa trên đất Thủ đô Ảnh: NHC

Phập phồng nỗi lo "đứt gẫy" mạch nguồn truyền thống

Theo các nhà nghiên cứu, trước đây, nếu người phương xa về với đất Kinh kỳ mà không đi thưởng thức một đêm ả đào, chèo, tuồng hay rối nước… thì coi như chưa biết gì về văn hoá Thăng Long. Vậy nhưng, thời nay điều này đã hoàn toàn thay đổi…

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, trong các sân khấu kịch hát truyền thống thì tuồng kén khán giả nhất, khó khăn để phát triển nhất, đặc biệt là giai đoạn hiện nay. Ông không giấu việc đã lâu lắm rồi tuồng không bán được vé nữa, mà “mời người ta cũng không đến xem”.

“Chúng tôi buồn lắm. Buồn vì mình đã hết lòng, hết sức cho nghề, mà khán giả vẫn thờ ơ, không buồn đến rạp. Đó là “lỗ hổng” lớn xuất phát từ nhận thức, hiểu biết của khán giả về nghệ thuật truyền thống”- ông Tuấn ngậm ngùi nói.

Không chỉ có Nhà hát Tuồng, nhiều năm nay các nhà hát nghệ thuật truyền thống đều khó khăn trong việc thu hút khán giả. NSND Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ước đoán đã gần 30 năm nay các nhà hát sân khấu nghệ thuật truyền thống rơi vào khó khăn này, kể từ khi chiếc… tivi xuất hiện cùng với sự phát triển của rất nhiều loại hình giải trí khác khiến khán giả có nhiều lựa chọn và họ dần xa sân khấu nghệ thuật truyền thống. Hơn thế nữa, nghệ thuật truyền thống cũng không phải loại hình dễ xem, cần có những hiểu biết nhất định nên khán giả ngày càng ngại tìm hiểu.

“Khi chưa có Covid-19, sân khấu đã hết sức khó khăn do khán giả không còn mặn mà, quay lưng với sân khấu truyền thống, nhiều sân khấu chỉ cố gắng đi một đường mòn là bảo tồn, chứ không có sự phát triển”- NSND Thuý Mùi chia sẻ.

Nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Thuý Mùi đã rất “ngấm” cái cảnh vất vả đi tìm khán giả của sân khấu chèo. Đó luôn là nỗi trăn trở, đau đáu của những người nhiều năm lăn lộn với nghề, dành hết tâm sức cả đời mình cho sân khấu nghệ thuật truyền thống.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành nêu thêm lý do quan trọng khiến khán giả lạnh nhạt với sân khấu nghệ thuật truyền thống: “Đất nước ta còn vất vả, đời sống người dân còn chưa dư dả, nhất là với người lao động vốn là tầng lớp khán giả đông nhất. Họ cần những điều thiết yếu hơn cho đời sống trước khi nghĩ đến giải trí và họ chỉ chọn lựa những gì phù hợp với kinh tế của họ nhất, trước khi nghĩ đến bồi dưỡng giá trị tinh thần. Và rồi, sân khấu nghệ thuật truyền thống đã dần bị lãng quên”.

Thiếu vắng khán giả, chủ yếu lo bảo tồn mà ít có phương hướng phát triển mạnh trong tương lai… khiến các nhà hát, các nghệ sĩ không khỏi lo lắng nguy cơ có thể bị “đứt gẫy” mạch nguồn truyền thống trong tương lai gần. Điều này còn gây ra hệ luỵ “đứt gẫy” thế hệ nghệ sĩ kế cận. Đời sống khó khăn khiến các nghệ sĩ trẻ không thể bám trụ được với nghề, phải chọn lựa ra ngoài kiếm sống. Nhiều nghệ sĩ phải đi làm thêm đủ công việc kể cả shipper, bán hàng online, chạy grab… rất vất vả. Nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến họ còn không thể sống chết với nghề được như các thế hệ nghệ sĩ trước đây.

Một giảng viên Đại học Sân khấu điện ảnh cho biết, gần đây việc tuyển sinh bộ môn kịch hát dân tộc của trường rất khó khăn. “Tuyển mãi mới được 15 em thì trong quá trình học các em nhìn thấy đời sống, cơ hội làm nghề của mình khó khăn, nên “rơi rụng” dần, đến khi tốt nghiệp còn được 5 em là quý hoá lắm rồi. Như thế thì làm sao có thế hệ kế cận tinh hoa được?”- vị giảng viên này trăn trở.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Phạm Ngọc Tuấn cũng cho biết, giai đoạn 2014-2018, Nhà hát có liên kết với trường đại học Sân khấu điện ảnh đào tạo một khoá 30 diễn viên trẻ tuyển chọn được từ 11 tỉnh, thành. Nhưng đến nay con số này đã rơi rụng gần hết vì lương thấp, tương lai không hấp dẫn khiến họ không thể bám trụ được. Các nghệ sĩ gạo cội bộ môn sân khấu truyền thống đều cho rằng, nếu không sớm có sự thay đổi, có những cơ chế phù hợp để phát triển toàn diện cho sân khấu truyền thống trong tương lai gần thì chuyện “đứt gẫy” mạch nguồn truyền thống không chỉ là nỗi lo nữa.

“Chắc chắn chúng ta vẫn bảo tồn được tốt bởi sân khấu nghệ thuật truyền thống là một phần hồn cốt của văn hoá dân tộc, nhưng, rất dễ có nguy cơ sẽ chỉ là bảo tồn “chết”, phục vụ cho việc nghiên cứu chứ không thể sống và phát triển được trong lòng công chúng, trong sự vận động phát triển của đất nước. Điều chúng ta cần và phải làm là “bảo tồn sống” sân khấu nghệ thuật truyền thống. Có như vậy mới có thể đưa sân khấu nghệ thuật truyền thống trở thành điểm sáng trong công nghiệp văn hóa”- NSND Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ.

Kỳ 2: Sân khấu nghệ thuật truyền thống có thể trở thành “con gà đẻ trứng vàng”

LƯƠNG KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.