Kỳ 3: Những nỗ lực không mệt mỏi tìm tương lai cho sân khấu truyền thống

Chia sẻ

Việc chấn hưng sân khấu nghệ thuật truyền thống Hà Nội để biến “nguồn lực nội sinh" này thành mũi nhọn, điểm sáng trong tiến trình xây dựng công nghiệp văn hoá của Thủ đô là bài toán khó đang tìm lời giải.

Những nỗ lực không mệt mỏi…

Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sân khấu điện ảnh, Trưởng khoa kịch hát dân tộc chia sẻ, ông đã lăn lộn với nghề mấy chục năm, dõi theo những thăng trầm của sân khấu nghệ thuật truyền thống, chứng kiến nhiều thời điểm sân khấu nghệ thuật truyền thống xuống dốc, thì ở bất cứ giai đoạn nào “văn nghệ sĩ chính là chiến sĩ”, dù vất vả thế nào vẫn kiên định với nghề, luôn yêu và nỗ lực một ngày “chấn hưng” trong tương lai. Theo ông, tình yêu đó vô cùng đáng trân trọng, bởi đó chính là điểm mấu chốt cho sự giữ gìn và phát huy sân khấu nghệ thuật truyền thống.

NSƯT Kiều Oanh cũng kể cả chị và chồng là nghệ sĩ tuồng, đã phải đi làm rất nhiều công việc khác để trang trải đời sống, nuôi đam mê tuồng của mình. Đến hôm nay tuy vẫn còn khó khăn nhưng chị hài lòng khi lửa nghề chưa bao giờ tắt, dù chỉ một phút lên sân khấu nhưng vẫn “cháy” hết mình.

Cùng với cá nhân các nghệ sĩ, các nhà hát luôn nỗ lực vượt thoát những khó khăn, bằng mọi giá bảo tồn và phát huy sân khấu nghệ thuật truyền thống. Con đường tuy gian nan nhưng chưa từng có bước chân nào chịu dừng lại. Ngay cả 2 năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường biểu diễn có thời điểm “đóng băng” ảnh hưởng đến việc làm nghề thì các nhà hát chưa khi nào chịu… ngồi yên.

Tại nhà hát Chèo Việt Nam, khi không được gặp khán giả, nhà hát xoay sang làm online, liên tục ghi hình các vở chèo truyền thống mẫu mực, cứ hễ có điều kiện là nghệ sĩ lại tập luyện không ngừng… Thời điểm khó khăn nhất vừa qua khi các nghệ sĩ liên tục trở thành F0, nhà hát đã nhanh nhạy chia ra nhóm nhỏ nghệ sĩ để tập luyện và đẩy mạnh các chương trình online, thu âm, ghi hình tư liệu… Nhờ vậy, khi Hà Nội vừa chính thức công bố sân khấu được sáng đèn trở lại, nhà hát đã sẵn sàng vở diễn lớn phục vụ khán giả.

Sau khi thị trường biểu diễn được sáng đèn, ngoài các chương trình diễn chính quy, nhà hát cải lương Hà Nội lại nô nức “ra phố” diễn ngay trước cửa rạp Chuông vàng. Một sân khấu nhỏ, giản dị, mỗi cuối tuần, các nghệ sĩ từ trẻ tới gạo cội sẽ cùng nhau cống hiến các trích đoạn cải lương, các tiết mục độc tấu, hòa tấu của dàn nhạc dân tộc… cho khán giả. Những buổi biểu diễn này cũng như sân khấu Xẩm ở tượng đài Vua Lê, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo khán giả hơn, đặc biệt giới thiệu đến du khách thập phương một nét đẹp văn hoá truyền thống của Hà Nội.

Hấp dẫn khán giả đến với mình là điều không dễ dàng đối với sân khấu nghệ thuật truyền thống, nhưng không vì thế mà bó tay cam chịu. Trước đây, nhà hát chèo Hà Nội đã từng “gây chấn động” khi dám chi một khoản tiền lớn để thuê nhà thiết kế Sĩ Hoàng thiết kế trang phục và đạo diễn múa Tấn Lộc từ Sài Gòn ra biên đạo cho vở “Vương nữ Mê Linh”.

Vở diễn này gây ấn tượng mạnh với khán giả về một vở chèo rất khác nhờ trang phục đẹp, đầu tư kỹ. Tuy nhiên, nhà hát chèo cũng như các nhà hát khác không thể liên tiếp đầu tư khủng cho các vở diễn như vậy được. Dù vậy, nhà hát Chèo Hà Nội được xem là đơn vị năng động khi luôn xoay sở để tạo sức bật cho mình, thậm chí lãnh đạo góp cả tiền túi của mình để đầu tư cho sân khấu rối nước kết hợp chèo tại rạp Nguyễn Đình Chiểu nhằm thu hút du lịch.

Mỗi đơn vị, mỗi nghệ sĩ có một cách để vượt qua khó khăn, tìm lấy một con đường “chấn hưng” sân khấu nghệ thuật truyền thống của riêng mình. Trong nỗi lo bị “đứt gẫy” nguồn lực nghệ sĩ trẻ, nhà hát tuồng Việt Nam trở thành nơi đãi ngộ nghệ sĩ trẻ, nuôi dưỡng ngọn lửa nghề trong các em rất đáng học tập. Theo đó, lứa nghệ sĩ trẻ được đào tạo gần nhất là khoá 2014-2018 vừa ra trường đã được đưa vào biên chế; được hưởng bồi dưỡng buổi diễn ngang ngửa các nghệ sĩ lâu năm, không phân biệt; được ưu tiên đi dự thi các Liên hoan sân khấu mà không cần chờ thâm niên như xưa; tạo điều kiện hết sức cho họ được tham gia nhiều buổi diễn để rèn nghề…

Trong nỗ lực “chấn hưng” nghệ thuật sân khấu truyền thống, năm nay, sẽ có một sự kiện rất đặc biệt. NSND Thuý Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tiết lộ, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày sân khấu Việt Nam cũng là ngày Giỗ Tổ nghề, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc diễu binh lực lượng của các loại hình nghệ thuật sân khấu tại khu vực hồ Hoàn Kiếm Hà Nội và phát động một ngày tất cả sân khấu cả nước cùng sáng đèn. Theo dự kiến, tại bờ hồ Hoàn Kiếm, các nghệ sĩ sân khấu truyền thống sẽ mặc trang phục bộ môn nghệ thuật của mình diễu hành, sau đó mỗi một loại hình sẽ có một sân khấu nhỏ quanh bờ Hồ diễn các trích đoạn cho khán giả xem.

Cuộc diễu binh lực lượng lần đầu được thực hiện này sẽ tạo nên một không khí náo nhiệt, tưng bừng cho cả người làm sân khấu và khán giả. “Tôi muốn kích động những người làm sân khấu tự hào với nghề của mình, muốn khán giả thấy được vẻ đẹp của sân khấu truyền thống nói riêng và sân khấu nói chung của Việt Nam mình. Tôi mong muốn thông qua đó sẽ làm ấm lên đời sống sân khấu Việt Nam”- NSND Thuý Mùi tràn đầy tinh thần phấn chấn khi nói về kế hoạch của Hội.

Theo NSND Thuý Mùi, chị sẽ quyết tâm bằng mọi giá để thực hiện ngày hội này, dù việc huy động kinh phí rất khó khăn. Sự kiện này kỳ vọng sẽ tạo sức hút của khán giả đến với sân khấu, đặc biệt là khán giả trẻ.

Sinh viên đại học Văn hoá Hà Nội hào hứng trong buổi tìm hiểu nghệ thuật Tuồng tháng 3/2022	Ảnh: NHTSinh viên đại học Văn hoá Hà Nội hào hứng trong buổi tìm hiểu nghệ thuật Tuồng tháng 3/2022  Ảnh: NHT

Tìm đường “đào tạo khán giả”

Sân khấu nghệ thuật truyền thống muốn phát triển được thì không chỉ “nuôi dưỡng”, “bồi dưỡng” niềm đam mê, tình yêu từ thế hệ nghệ sĩ kế cận mà bắt buộc phải có thế hệ khán giả kế cận. Rất nhiều năm nay, bài toán khó nhất của sân khấu nghệ thuật truyền thống chính là sự lạnh nhạt của khán giả trẻ.

Từ đây, giới sân khấu nghệ thuật truyền thống xác định, phải đi tìm tương lai cho mình tức là đi tìm khán giả trẻ. Hành trình ấy thực sự gian nan chứ không đơn giản, nhưng phải làm bằng được vì nhiệm vụ phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống, đồng thời quan trọng hơn chính là bồi dưỡng nền tảng kiến thức văn hoá truyền thống Việt cho thế hệ trẻ. “Lớp trẻ không hiểu văn hoá truyền thống của chính mình thì coi như mất gốc” - ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát Tuồng Việt Nam nhấn mạnh.

Có một điều đã trở thành day dứt đối với NSND Thuý Mùi, đó là câu chuyện hơn chục năm về trước. Hôm ấy, chị đến một trường học khá nổi tiếng ở Hà Nội để giới thiệu nghệ thuật chèo cho học sinh, chị hỏi đã có em nào từng xem chèo chưa. Gần 500 học sinh có mặt, nhưng không có một cánh tay nào giơ lên. Từ đó, NSND Thuý Mùi luôn trăn trở, nỗ lực xây dựng các đề án đưa sân khấu nghệ thuật truyền thống đến với khán giả trẻ.

Giám đốc nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn thì nhớ mãi câu chuyện về một du học sinh nọ mà ông gặp trong buổi biểu diễn tại rạp Hồng Hà. Khi đi Úc học, cậu thấy các bạn học quốc tế đều hiểu rất tường tận về văn hoá truyền thống của họ, trong khi cậu gần như không biết gì về văn hoá truyền thống của Việt Nam, khiến cậu cảm thấy xấu hổ. Vì vậy, khi về Việt Nam nghỉ, cậu lập tức đến rạp để xem một loạt các vở diễn.

Cậu nói, sân khấu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tuyệt vời đến thế này mà tại sao bây giờ cậu mới biết. Ông Tuấn nói, những người làm sân khấu nghệ thuật truyền thống rất mong đợi những khán giả biết tự ái như cậu du học sinh nọ. Cuộc sống ngày nay cuốn thế hệ khán giả trẻ đi rất xa, tiếp nhận văn hoá tinh hoa của nhân loại nhưng lại quên đi cái gốc văn hoá truyền thống của chính mình là điều thiếu sót lớn.

Vậy nên, mặc dù không có kinh phí cho việc đào tạo khán giả, nhưng nhà hát tuồng đã tự vận động để đưa tuồng đến với các trường học. Tuồng vốn là loại hình kén khán giả vì tính ước lệ cao, thoại có nhiều từ cổ không dễ nghe, nên dễ bị “lạnh nhạt” từ các trường.

Thế nhưng nhà hát không nản, không được trường này sẽ tiếp cận trường khác. Ngay khi sân khấu được sáng đèn trở lại, học sinh trở lại trường học, lãnh đạo nhà hát tuồng Việt Nam lại năng nổ có những cuộc tiếp xúc với các trường học để tiếp tục những buổi “đào tạo” khán giả trẻ như buổi giao lưu, biểu diễn tại đại học Văn hoá của nhà hát hồi tháng 3 vừa qua.

NSƯT Kiều Oanh tâm sự, chị nhận thấy, không phải khán giả trẻ không yêu sân khấu nghệ thuật truyền thống, mà là vì các em chưa hiểu nên chưa yêu mà thôi. Chị nhớ, có một lần đi diễn cho các em học sinh cấp 2 ở khu vực Tây Hồ, khi đến nơi, các em chán ngán thở dài: “Tuồng à…”, khiến nghệ sĩ rất buồn. Thế nhưng, sau buổi diễn, các em bỗng ào đến xin chữ ký làm các nghệ sĩ thấy mình như “minh tinh màn bạc”, hạnh phúc vô cùng. Ấy là khi các em được nghe, được hiểu và được xem nên đã yêu.

Sự tác động qua lại giữa nghệ sĩ và khán giả chính là hy vọng về một tương lai tốt đẹp của sự phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống. Việc đào tạo khán giả trẻ là nhiệm vụ, trách nhiệm đối với tương lai, tuy nhiên, các nhà hát, các nghệ sĩ cũng không thể gồng mình tự xoay sở được mãi mà cần một chiến lược mang tầm thành phố, quốc gia. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu quan trọng để đưa sân khấu nghệ thuật truyền thống tiến lên công nghiệp văn hoá như kỳ vọng…

Kỳ cuối: Hiến kế để sân khấu nghệ thuật truyền thống vươn tầm công nghiệp văn hoá

LƯƠNG KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

(PNTĐ) - Global Junior Fashion Week 2025 - tuần lễ thời trang trẻ em với sự tham gia của các nhà thiết kế đến từ Hà Nội, lan tỏa thông điệp về thời trang bền vững, truyền cảm hứng về trách nhiệm xã hội đến thế hệ trẻ. Mỗi BST, mỗi tiết mục trình diễn là 1 nốt nhạc trong bản giao hưởng của thiên nhiên, mang theo thông điệp về sự sống và niềm hy vọng cho tương lai xanh, tạo nên 1 bản giao hưởng trọn vẹn.
Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.