Kỳ cuối: Cách nào để tránh xa “ hố đen” văn hóa?

Chia sẻ

Những cảnh báo nhỡn tiền về hệ lụy đối với giới trẻ khi bị cuốn theo trào lưu tình yêu đồng tính, có yếu tố sắc dục đậm nét... từ những cuốn truyện, phim trên mạng xã hội đã được báo PNTĐ phản ánh liên tiếp trong 2 số báo 34 và 35 ra ngày 25/8 và 1/9/2021. Báo đã đi tìm lời giải từ các cơ quan quản lý và các chuyên gia văn hóa.

Học sinh các cấp được rèn luyện và nâng cao tri thức thông qua cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức.Học sinh các cấp được rèn luyện và nâng cao tri thức thông qua cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Thực)

Nỗ lực kiểm soát của các cơ quan quản lý

Không chỉ nhận diện "hố đen" mà từ trước đó, các ban, ngành quản lý đã có những nỗ lực quyết liệt để hạn chế các trào lưu xem - nghe - đọc không có lợi trên thế giới giải trí mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý giới trẻ.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực tế dòng sách đam mỹ hay ngôn tình không hề vi phạm bất cứ một điều luật nào cả. Tuy nhiên, Cục không khuyến khích dòng sách này vì những lý do: Thứ nhất, dòng sách này đưa giới trẻ vào thế giới ảo, khiến độc giả trẻ sống xa rời thực tế. Thứ hai trong sách thường sử dụng rất nhiều từ ngữ mới, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Thứ ba là có một số cuốn sách có nội dung phản cảm như miêu tả tình cảm luyến ái quá mức, chuyện đồng tính nam, đồng tính nữ bị khai thác thái quá các yếu tố nhạy cảm, sẽ không có lợi cho độc giả trẻ”.

Chính vì vậy, nếu trước đây, có năm có cả ngàn đầu sách nội dung này được xuất bản thì hiện nay Cục hạn chế tối đa, chỉ cấp phép xuất bản khoảng 100 đầu sách/năm và đều được kiểm duyệt nội dung kỹ lưỡng.

Cùng với nỗ lực đó của ngành xuất bản, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch áp dụng biện pháp mang tính bền vững đó là xây dựng văn hoá đọc mang tính chiến lược quốc gia. Việc tổ chức hiệu quả các cuộc thi như Đại sứ văn hoá đọc trên toàn quốc, và hiện nay là cuộc thi bình chọn và giới thiệu sách trực tuyến 2021 trong mùa dịch… đã tạo được một phong trào đọc sách sâu rộng đối với học sinh các cấp, giúp các em tiếp cận và yêu thích các tác phẩm văn học lành mạnh, có giá trị. Theo Bộ, khi văn hoá đọc lan toả, phát triển sẽ giúp các em có một “bộ lọc” tuyệt vời, từ đó, các em sẽ biết chọn lựa những tác phẩm có giá trị để tiếp nhận.

Điều này cũng đã được minh chứng qua 10 năm tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” cho học sinh các cấp do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức. Nhờ khuyến khích đọc sách hay, qua mỗi mùa giải, Ban tổ chức đều nhận thấy giới trẻ ngày càng có chọn lọc và hướng đến những cuốn sách văn học mang giá trị nhân văn, bổ ích hơn.

Ông Nguyễn Nguyên khẳng định, nhờ những nỗ lực đó mà hiện nay giới trẻ Việt đang có “tầm” đọc cao hơn, đã bắt đầu lựa chọn những đầu sách đứng đắn, có ý nghĩa phát triển bản thân hơn là những loại sách ngôn tình, đam mỹ.

Tương tự như vậy, việc kiểm soát phim ảnh cũng đã có những nỗ lực lớn của các cơ quan quản lý. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch - cho rằng, cần phải có rào cản để ngăn chặn các chương trình, nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Theo ông, để giải quyết được phải dựa vào sự phối hợp đồng bộ của nhiều ban, ngành.

Với các kênh phát sóng trong nước có thể an tâm về kiểm duyệt. Đối với các nền tảng truyền hình xuyên biên giới vốn từng gây lo ngại khi khó kiểm soát các nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, gần đây Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã liên tục có các biện pháp tích cực. Đây là cuộc chấn chỉnh chung từ mạng xã hội đến các chương trình truyền hình giải trí xuyên biên giới nhằm kiểm soát chặt chẽ các nội dung xấu, độc hại nhận được sự hoan nghênh của toàn xã hội. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới liên quan đến các vấn đề về quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin, dịch vụ trên mạng. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng Internet nói chung và dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền trên mạng Internet nói riêng cũng được đề cập rõ. Hy vọng rằng khi Nghị định sửa đổi được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn để tiếp tục chấn chỉnh những nội dung, bộ phim có yếu tố không phù hợp trên không gian mạng.

Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của các ban ngành, việc có thể “thanh lọc” được như mong muốn không dễ dàng, bởi vấn đề chính là số lượng không nhỏ các tác phẩm này thường nằm ngoài tầm kiểm soát do nó lưu hành trên các trang mạng, youtube, app trôi nổi… mà phần nhiều là từ máy chủ hoạt động ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Nguyên cũng thừa nhận, với những trường hợp này thì cực kỳ khó, đòi hỏi sự kỳ công và sự phối hợp lực lượng lớn trong thời gian rất dài để xử lý. Trước hết, truyền thông, người dân cần là “tai mắt” quan trọng phát hiện các nội dung phản cảm, độc hại và phản ánh với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo cho xã hội.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - cũng nhấn mạnh về vấn nạn nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội hiện nay: “Đây là việc chung của toàn xã hội, từ cơ quan chức năng đến mỗi người dùng mạng xã hội, nhất là các bậc cha mẹ đối với con em mình. Cha mẹ phải hướng dẫn con khi tiếp nhận thông tin, bảo vệ tâm trí, tạo cho con một môi trường tốt khi tiếp cận mạng xã hội; Có trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh”.

Gia đình cần là “ngọn hải đăng” cho con trẻ

Gia đình luôn là yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc định hướng một đời sống tinh thần lành mạnh cho con em trước sự phát triển như vũ bão của thế giới giải trí mạng, giống như một “ngọn hải đăng”. Tuy nhiên, câu chuyện đang bàn tới lại khá nhạy cảm khi liên quan đến vấn đề giới nên đòi hỏi sự tế nhị, khéo léo của các bậc phụ huynh.

Theo nhà văn Dili, những người LGBT hoàn toàn có quyền được yêu thương như những người bình thường khác, cũng như có quyền được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật dành riêng cho giới của họ. Nói những tác phẩm ấy dễ khiến những thiếu niên giới tính bình thường trở nên bị ảnh hưởng và lệch lạc giới tính là không đúng khoa học.

Nhà nghiên cứu văn hoá Phùng Hoàng Anh nhấn mạnh, nếu không có bất kỳ sự kỳ thị nào, thì câu chuyện kể về bất cứ tình yêu, sự gắn kết, quan hệ giới tính nào cũng đều bình đẳng như nhau. Vì vậy, nếu định hướng không khéo, chính các bậc phụ huynh sẽ dễ bị đi… lạc đường, gây ra kỳ thị giới, phản giáo dục đối với con em mình.

Điều đáng lo ngại là trên không gian giải trí mạng có nhiều tác phẩm mà sự miêu tả sắc dục quá sa đà, thiếu đi tính thẩm mỹ, khiến cho tâm lý và giá trị thẩm mỹ của người xem trở nên “lệch lạc”. “Nếu như trước đây các cặp đôi đồng giới rất ngại khi dư luận phát hiện ra giới tính thật của mình thì bây giờ dường như ngược lại, nhiều bạn trẻ bắt đầu phô bày chúng quá mức. Điều đó có được là do sự “cổ vũ” của các tác phẩm văn học và phim ảnh”- nhà văn Dili nói.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học, loại truyện, phim này hấp dẫn nhất là với tuổi dậy thì nhờ cốt truyện hấp dẫn, các nhân vật được miêu tả đẹp, thậm chí vượt ra khỏi mọi giới hạn thông thường, những cảnh ân ái cũng được miêu tả lộ liễu… Từ đó gây ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý của các em.

Còn Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Giám đốc Dịch vụ tâm lý công ty tư vấn Mạnh Linh School Psychology nhận định, dù như nào thì đáng báo động là ở chỗ nhiều em đã lệch lạc khi cho việc yêu đồng giới là “mốt”. Vì vậy, trước hết các bậc cha mẹ cần trò chuyện cùng con, học các kĩ năng lắng nghe, kĩ năng phản hồi cảm xúc, kĩ năng phản hồi nội dung… để lấy được sự tin tưởng của con. Khi chúng ta có được niềm tin của trẻ thì có thể dẫn lối trẻ đi theo con đường đúng.

Theo sát và định hướng trong xem - nghe - nhìn của trẻ trước thế giới giải trí mạng chính là nhiệm vụ của mỗi gia đình. Nhà nghiên cứu văn hoá Phùng Hoàng Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng, dù đọc, xem bất kỳ tác phẩm thể loại nào, cha mẹ cũng phải đồng hành cùng con mới có thể hiểu và định hướng. Việc con bạn có “tôn sùng” kiểu quan hệ nào trên phim ảnh, sách truyện, còn phụ thuộc vào sự “đồng hành” của bạn. Phụ huynh cũng không nên bài xích khi con cái xem những tác phẩm này, thay vào đó hãy đọc, xem cùng con để “kiểm soát” tư tưởng của con cái một cách tế nhị nhất”.

Sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, vai trò là “ngọn hải đăng” cho con em mình của gia đình được phát huy kết hợp với sự định hướng của nhà trường chắc chắn sẽ tạo nên một “hệ miễn dịch” tự thân cho thế hệ trẻ trước bất kỳ một nội dung xấu, độc hại, bất lợi nào trên không gian mạng.

NAM PHONG – HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.