Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024: Khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
(PNTĐ) - Tối 17/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã bế mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Sau 9 ngày tổ chức (từ 9 - 17/11), Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự với khoảng 300.000 lượt người. Đây là số lượng người tham dự nhiều nhất từ trước đến nay đối với một lễ hội sáng tạo tại Hà Nội.
Tạo sự hấp dẫn trên nền di sản
Với chủ đề Giao lộ Sáng tạo, Lễ hội được tổ chức trên các tuyến phố: Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông và dốc Bác Cổ - Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm). Đây là không gian có những di sản kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tổng hợp cũ).
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 thu hút hơn 500 đơn vị, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực thiết kế. Lễ hội được hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, xuất bản... Điểm nhấn là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước. Qua đó, tinh thần sáng tạo được lan toả tại khắp các không gian kiến trúc, không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các phố nghề, làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, khắp địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô.
Tiêu biểu có thể kế đến là ba công trình biểu tượng: Pavillion “Hành lang thơ ngây”, “Dòng”, “Rồng rắn lên mây” thay vì đứng độc lập như các mùa lễ hội trước, năm nay được sắp ở vị trí tương tác, tạo ra cuộc đối thoại với di sản kiến trúc. Hay hai cuộc đại triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp) và “Cung Thiếu nhi Hà Nội - Hoài niệm cho tương lai” đã khẳng định sự sáng tạo không giới hạn của giới nghệ sĩ, kiến trúc sư khi có sự phá cách trong tư duy, độc đáo trong sắp đặt, nhưng vẫn bảo đảm giá trị truyền thống, có sự hài hòa với không gian cảnh quan và hiện vật trưng bày.
Các hoạt động được tổ chức là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn những ý tưởng sáng tạo vào những ký ức của cộng đồng, nhằm phát huy các giá trị của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Theo Ban tổ chức, năm nay bằng cách lựa chọn những không gian di sản độc đáo của Thành phố và thổi vào đó chất liệu sáng tạo, nghệ thuật làm tôn lên vẻ đẹp, sự giàu có, đa dạng và bề dày lịch sử của các công trình. Trong đó, nổi bật là những công trình kiến trúc biểu tượng tinh hoa văn hoá của Thủ đô có tuổi đời gần trăm năm.
Mở hướng phát triển, nâng tầm sáng tạo Thủ đô
Tại Lễ hội lần này, Công ty Du lịch Vietravel thiết kế 6 tour trải nghiệm tại từng điểm di tích hoặc xuyên suốt các điểm trên “Giao lộ sáng tạo”. Tại mỗi điểm, người tham quan được hướng dẫn viên dẫn dắt theo lộ trình được thiết kế theo chủ đề và giới thiệu thêm những câu chuyện thú vị đằng sau mỗi di sản. Điển hình như tour “Bắc Bộ Phủ - Dấu ấn” mở cửa hé lộ trang sử hào hùng nhất của “Hà Nội 60 ngày đêm” khói lửa. Hay tour tương tác cao như “Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Di sản” - khám phá những bảo vật quốc gia và tương tác cùng di sản với Pavilion “Rồng rắn lên mây”... Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Công ty Du lịch Vietravel, thông qua các tuyến tham quan, du khách sẽ có cơ hội khám phá chiều sâu của văn hóa và không khí sáng tạo của Lễ hội.
Không chỉ có hoạt động xây dựng các tour trải nghiệm khám phá, những chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đường phố tại các điểm “giao lộ di sản” Hà Nội cũng thu hút đông đảo người dân và du khách. Các cuộc tọa đàm, hội thảo mang lại những nhận thức mới cho hoạt động sáng tạo ở Thủ đô như: Tọa đàm “Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ”; Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn Kiến trúc đương đại”; Hội thảo: “Xây dựng mô hình, sản phẩm công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản văn hóa phi vật thể ở Thủ đô Hà Nội”...
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã tạo sức hút lớn với người dân và du khách. Nhiều công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô trở thành không gian sáng tạo hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người trải nghiệm mỗi ngày. Qua bốn mùa tổ chức, lần đầu tiên Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 thí điểm thêm những lựa chọn hình thức trải nghiệm theo tour di sản sáng tạo, giúp nhân dân khám phá và tiếp cận những công trình di sản theo cách vừa mới lạ vừa gần gũi hơn, từ đó khuyến khích nhân dân biến những vốn di sản tinh hoa của Thành phố này thành vốn tri thức và sáng tạo của chính mình và cộng đồng.
Theo Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, hành công của Lễ hội năm nay không chỉ ở việc thu hút số lượng người dân và du khách đông nhất từ trước đến nay mà người dân đã thật sự trở thành chủ thể sáng tạo, tham gia tương tác và đóng góp trực tiếp cho những sáng tạo của Lễ hội. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 hướng đến mục đích không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực, đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.
Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024 để lại dấu ấn tốt đẹp và thành công với việc hình thành những không gian sáng tạo, sản phẩm sáng tạo hấp dẫn trên nền di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Hà Nội. Lễ hội cũng một lần nữa khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô.