Mẹ tôi và Tết

GIANG VŨ (tháng Giêng năm 2023)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mỗi dịp Tết về, tôi thêm nhớ mẹ, nhớ những cái tết khi cả gia đình tôi được ở bên nhau.

Ngày ấy - thời bao cấp - khi mọi thứ chỉ được mua theo cân, theo lạng, bố mẹ tôi phải làm thêm đủ thứ như trồng rau, trồng mía, trồng sắn, nuôi lợn, nuôi gà. Sản phẩm làm ra một phần để cung cấp thực phẩm cho gia đình, một phần bán đi, lấy tiền tích cóp, phòng cho” những ngày mưa bão” và Tết. Cách sống của bố mẹ tôi - siêng năng, tằn tiện, tiêu đúng với túi tiền của mình đã ăn vào máu của chị em chúng tôi. Nhờ vậy mà cuộc sống của chúng tôi sau này không bị rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau, thiếu gạo, thiếu muối, hoặc phải vay mượn, nợ nần chỉ để lo miếng ăn. Nghĩ về những năm tháng xưa, tôi không hiểu mẹ lấy đâu ra năng lượng nhiều đến thế? Mẹ vừa đi làm công việc nhà nước, vừa tăng gia, lại vừa có thể chăm sóc 5 đứa con tốt như vậy. Như con tằm nhả tơ, mẹ làm lụng, chắt chiu. Bao bó mía, bao gánh rau, con lợn, con gà được mẹ tích cóp cả năm để cho chị em tôi những cái tết đủ đầy.

Mẹ tôi và Tết - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Gia đình tôi sống trong khu tập thể nên Tết rộn ràng lắm. Tết không của riêng ai. Ngày thịt lợn chung là một sự kiện lớn, rất háo hức với lũ trẻ chúng tôi. Có năm, đó là con lợn trong chuồng của mẹ. Có năm lại là con lợn của cô, bác hàng xóm. Một con lợn to được làm ra bao nhiêu món cho ngày Tết. Trước Tết vài ngày, mẹ tôi đã có mâm ngũ quả với 2 cây mía dựng 2 bên bàn thờ gia tiên. Thêm lọ hoa đào phai hoặc vài nhánh hoa mận là đã thấy rộn ràng mùa Xuân lắm rồi. Cũng có năm chỉ là cành đào giả được chúng tôi cắt dán từ giấy màu. Mẹ dành dụm bột mì, đường, trứng gà thật nhiều cho anh chị tôi mang ra phố chợ thuê làm bánh qui. Mẹ thức khuya, dậy sớm làm cho chị em chúng tôi những chậu mứt: gừng, cà rốt, bí đao, khoai tây… Những thứ nông sản rất đỗi bình thường bỗng hóa thành những món mứt đẹp, thơm ngon, tinh khiết dưới bàn tay của mẹ.

Không phải Tết nào mẹ cũng có thể mua quần áo mới cho chúng tôi. Điều đó không làm chúng tôi buồn tủi. Bộ đồ đẹp nhất được giặt kỹ, gấp gọn ngàng, đặt dưới gối cho có li, có nếp, để dành mặc vào ngày mùng 1 Tết. Trong khi các bà, các mẹ lo lắng Tết đến gần thì bọn trẻ chúng tôi ngày đó không có gì mong đợi hơn ngoài Tết. Có những thứ chỉ có Tết mới có. Đó là bánh chưng, gạo nếp, đậu xanh được mẹ mua từ tháng trước. Rồi thịt, lá dong, củi đun và bao thứ nữa mới làm lên cái Tết. Giếng nước tập thể những ngày cuối năm luôn rộn ràng tiếng cười, tiếng nói của các mẹ, các chị ra đãi đỗ, rửa lá dong. Hình ảnh của mẹ bên chiếc chậu nhôm Liên Xô đầy ụ nào gạo nếp, nào đỗ xanh, nào lá dong ngày cuối năm buốt giá mãi hằn sâu trong ký ức tôi. Ngày gói bánh chưng cũng giống như một ngày hội với chúng tôi. Các chú, các bác biết gói bánh được mời tới gói bánh cho từng nhà. Mà cũng lạ, tôi không hiểu vì sao phần lớn đàn ông gói bánh chưng giỏi hơn phụ nữ! Bọn trẻ con chúng tôi thích thú ngồi xem gói bánh và thấp thỏm mong chờ có chút đỗ dư, ngạo thừa để được chiếc bánh chưng con. Sau này, khi đã trưởng thành, sống xa gia đình tôi nhận ra rằng mẹ mới là linh hồn của Tết. Vắng mẹ, Tết chẳng còn như xưa.

Đó là những cái Tết tuổi thơ khi nhà tôi còn ở nơi sơ tán - Hương Canh, Vĩnh Phú. Sau này gia đình tôi chuyển về Hà Nội, mẹ tôi đỡ vất vả hơn do không có đất nuôi, trồng. Nhưng nỗi lo cơm áo đè nặng hơn lên vai mẹ. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ. Lương của bố mẹ quá ít ỏi so với nhu cầu tuổi ăn, tuổi học của chúng tôi. Cho dù vậy, mẹ không bao giờ kêu ca mệt mỏi, cũng chẳng cáu gắt, nặng lời hay áp lực, kỳ vọng gì ở chúng tôi. Còn chúng tôi, những đứa trẻ có lớn mà chưa có khôn, vẫn vô tư háo hức mỗi dịp Tết về. Mẹ vẫn thế, luôn tảo tần, bền bỉ chắt chiu cho chị em tôi những cái tết trọn vẹn, đầy ắp yêu thương. Có lẽ, mẹ hao gầy một phần cũng vì Tết.

Bàn thờ ngày Tết nhà tôi không còn hai cây mía. Thay vào đó là cành đào Nhật Tân. Và những năm sau này có thêm cây quất nhỏ. Mâm ngũ quả có thêm gói quà Tết gồm chai rượu màu, bao thuốc lá, gói chè, miếng bóng bì lợn, và đặc biệt là hộp mứt Tết in hình cành đào với hàng chữ Chúc Mừng Năm Mới của xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội, được mua theo tiêu chuẩn tem phiếu. Để mua được túi hàng Tết ấy chị tôi phải thức dậy thật sớm, đi ra cửa hàng mậu dịch xếp hàng. Cái hộp mứt bé xíu bằng 2 bàn tay mà chứa đựng biết bao màu sắc, hương vị: mứt gừng cay ấm; mứt bí trong suốt, ngọt sắt; mứt dừa thơm phức; mứt hạt sen ngọt bùi; mứt cà rốt phủ lớp phấn hồng; mứt táo tàu đen láy, và những viên mứt lạc trắng muốt, giòn tan… Dẫu là Tết thành phố nhưng bánh chưng vẫn là thứ không thể khác được. Tết thị thành chật vật hơn. Để có được nồi bánh chưng cho Tết, mẹ phải tính toán chi li, tích cóp gạo đỗ. Thích nhất khi bánh chưng được làm vào ngày cuối năm để vừa được canh bánh, vừa thức đợi giao thừa.

Chiều 30 Tết, chị tôi sắm thêm lọ hoa tươi và mấy tờ báo Xuân. Hoa tươi và báo Tết là món ăn tinh thần không thể thiếu với mọi nhà. Chỉ vài bông Thược dược, mấy cành Violet, thêm chút hoa bướm trắng hồng cũng đủ làm cho căn phòng trở nên sinh động, tươi mới, bớt đi vẻ đơn sơ, nghèo nàn ngày thường. Anh tôi miệt mài xếp hàng bên vòi nước công cộng, gánh cho mẹ đầy một bể nước, đủ dùng cho 3 ngày Tết. Ngoài phố, người, xe thưa dần. Ai cũng hối hả về cho kịp giao thừa. Trong căn hộ nhỏ của gia đình tôi, nơi chái bếp, hương rau mùi già, mùi bánh chưng mới vớt - mùi của Tết đã loan tỏa khắp mọi ngóc ngách. Mâm cỗ cúng giao thừa mẹ đã chuẩn bị xong. Bố trịnh trọng mặc bộ véc, thành kính thắp nén hương lên bàn thờ, cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho năm mới. Đó cũng là lúc giao thừa đã điểm. Anh và em trai tôi háo hức mong chờ giây phút này, cùng nhau châm ngòi đốt pháo. Bánh pháo hồng treo trước hiên nhà lóe sáng. Pháo tép, pháo đùng nối đuôi nhau chạy. Pháo nhà, pháo hàng xóm, pháo từ bốn phương nổ vang rền, xua đi mọi buồn phiền, xui xẻo của năm cũ. Bầu trời Hà Nội bừng sáng, đỏ rực vì pháo. Rồi tiếng pháo thưa thớt dần. Tạch…Tạch…Đùng…Đoàng… như vẫn còn luyến tiếc. Và ngoài kia mưa bắt đầu rơi - mưa Xuân. Những hạt mưa phùn li ti bay bay trong gió, quyện với làn khói pháo, vấn vương, huyền ảo dưới ánh đèn vàng ngoài phố. Vạn vật đã bước sang một năm mới.

Chui vào chăn bông cùng chị và em gái. Hương mùi thơm vấn vương trên tóc chị, tóc em. Xa xa đâu đó lác đác tiếng pháo nổ. Mẹ nhắc mấy chị em ngủ đi, sớm thức dậy đón khách xông nhà.

Nhớ lắm mẹ tôi và Tết!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.