Nét đẹp hội làng truyền thống trong lòng Hà Nội

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến tự hào sở hữu nhiều di sản và lễ hội nhất cả nước, đặc biệt độc đáo là các hội làng, tạo nên nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách gần xa. Mặc cho cuộc sống ngày càng hiện đại đến đâu, những lễ hội truyền thống này vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy như bảo tồn đời sống tinh thần, cốt cách của người Hà Nội.

Nét đẹp hội làng truyền thống trong lòng Hà Nội - ảnh 1
Múa trống bồng tại hội làng Triều Khúc Ảnh: Int

Tỏa sáng văn hóa truyền thống
Sáng mùng 8 Tết Quý Mão, tại đình làng Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã diễn ra lễ hội rước xôi truyền thống. Theo ông Đỗ Trọng Đức, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, đây là lễ hội thường niên, vào tháng Giêng hàng năm, lễ hội rước xôi lại được nhân dân Tây Mỗ tổ chức tưng bừng. Mỗi năm, nhân dân dâng 3 cỗ xôi lên Thành hoàng làng để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Phường Tây Mỗ hiện có 6 tổ dân phố, luân phiên hàng năm làm lễ rước xôi. Vào ngày hội, tổ dân phố làm lễ phải chọn ra một gia đình tiêu biểu trong tổ đăng cai lễ hội năm đấy thực hiện việc thổi xôi. Gia đình được chọn phải là gia đình nề nếp, gương mẫu và đặc biệt phải còn song toàn cả cụ ông, cụ bà, con cháu phương trưởng. 

Lễ gồm 3 kiệu, mỗi kiệu sẽ rước 30kg xôi đựng trong 3 chiếc chum đồng. Đúng 12 giờ đêm hôm trước, gia chủ bắt đầu nấu xôi và đơm vào 3 chiếc chum bằng đồng được chuẩn bị sẵn trên 3 chiếc kiệu để sáng hôm sau làm lễ tế xôi dâng lên Thành hoàng làng. Vào buổi chiều, xôi sẽ được mang phân phát cho tất cả những người có mặt ở lễ hội.

Cũng vào ngày mùng 8 âm lịch hàng năm, người dân làng Thị Cấm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lại tập trung tại sân đình làng để tham gia lễ hội thi nấu cơm đầu xuân năm mới. Lễ hội thi nấu cơm tại làng Thị Cấm là một trong nét văn hóa đặc biệt được tổ chức nhằm tưởng nhớ tới công lao của Thành hoàng Phan Tây Nhạc (đời Vua Hùng thứ 18) cùng 3 vị công chúa đã có công dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, chăm lo đời sống cho người dân. Theo tìm hiểu, làng Thị Cấm xưa có 4 giáp, mỗi giáp cử ra một đội (10 người một đội) thi thổi cơm. Mỗi đội được Ban tổ chức phát 1kg thóc để nấu cơm. Hội thi vẫn giữ nguyên cách tạo lửa xưa bằng cách “kéo lửa”. Từ lúc giã gạo đến khi kết thúc thời gian chỉ kéo dài một giờ đồng hồ. Người dân làng Thị Cấm tin rằng giáp nào giành chiến thắng trong cuộc thi thì năm ấy mọi người trong giáp đó sẽ ấm no, làm ăn thuận lợi.

Một trong những lễ hội nhộn nhịp, thu hút đông đảo du khách hàng năm là lễ hội làng Triều Khúc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) từ mùng 9-12 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Tương truyền, trước đây Triều Khúc là nơi Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) luyện quân để giao chiến với tướng giặc Đào Chính Bình nhà Đường (Trung Quốc). Đây không phải là quê của Phùng Hưng nhưng sau khi chiến thắng lên ngôi vua, dân làng Triều Khúc thờ Phùng Hưng và suy tôn ngài thành Thánh. Lễ hội diễn ra với lễ rước sắc Phùng Hưng mang ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại đại đình, tạ ơn ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành. Tâm điểm của lễ hội là điệu múa “Con đĩ đánh bồng”, một điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa múa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng. 

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm lễ hội làng truyền thống độc đáo của Thủ đô. Vào dịp đầu năm, Hà Nội chứng kiến sự trở về với nguồn cội, với truyền thống một cách đậm đặc qua hình ảnh các lễ hội làng truyền thống. Mỗi phường, xã, làng… đều náo nức chuẩn bị cho hội làng với sự chung tay của hầu hết nhân dân, đem đến không khí mùa xuân náo nức, tràn đầy hy vọng ấm no, an lành. 

PGS Nguyễn Văn Huy, cựu Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho rằng: Điều đáng ghi nhận là các lễ hội làng truyền thống hiện nay của Hà Nội vẫn còn giữ được nét đặc sắc truyền thống. Trong không gian đó có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn. Ý nghĩa rất lớn của lễ hội là gắn kết cộng đồng cư dân trong một làng, xã, thôn, bản vì các lễ hội hội thường gắn với tục thờ cúng vị thành hoàng làng nên trong quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, người dân sẽ gắn bó với nhau hơn. Đến với hội làng, mỗi người sẽ cảm nhận được rất rõ nét đẹp của hồn cốt văn hóa truyền thống vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua hàng nghìn năm. 

Kỳ vọng góp sức phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất nước với trên 1.000 lễ hội, trong đó lễ hội truyền thống chiếm số lượng lớn. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, lễ hội truyền thống là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, có cả một hệ giá trị đáng quý cần bảo tồn. Trong lễ hội, các nghi thức được thăng hoa, tái hiện đời sống lao động, chiến đấu bảo vệ đất nước. Lễ hội nơi Thủ đô văn hiến chính là một tấm gương phản chiếu văn hóa xứ kinh kỳ, là nơi lưu truyền những giá trị truyền thống của dân tộc. Đây cũng chính là kỳ vọng góp thêm sự phong phú về văn hóa cho Thủ đô trên tiến trình công nghiệp văn hóa. Khi hội làng được gìn giữ, phát triển sẽ thu hút du khách thập phương đến du lịch, tham quan. 

Nét đẹp hội làng truyền thống trong lòng Hà Nội - ảnh 2

Lễ hội rước xôi phường Tây Mỗ

Tuy nhiên, hiện nay, các lễ hội làng truyền thống nảy sinh nhiều vấn đề bất cập do cơn lốc đô thị hóa, thậm chí là mai một. Vì vậy, làm thế nào để vừa giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp vừa phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay là vấn đề được đặt ra. 

Theo bà Lê Thị Học, phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), những năm gần đây, cơn lốc đô thị hóa đang đe dọa làm mất đi những vốn văn hóa cổ gồm cả vật thể và phi vật thể của làng. Tuy nhiên, người dân Tây Mỗ luôn cố gắng gìn giữ những nét đẹp về truyền thống văn hóa của mình qua hội làng. “Chúng tôi đang dần từng bước chuyển giao nét đẹp ấy cho thế hệ trẻ với hy vọng tiếng trống hội làng sẽ vang mãi với tình yêu quê hương và những bản sắc giàu truyền thống”- bà Học nói.

 Ông Hoàng Nghi Thức, xã Tân Triều (Thanh Trì) chia sẻ, điệu múa trống bồng (hay Con đĩ đánh bồng) trong hội làng Triều Khúc từng suýt thất truyền do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Nhưng nhờ nỗ lực của các nghệ nhân và tình yêu với lễ hội truyền thống của người dân Triều Khúc mà điệu múa bồng đã được gìn giữ, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa hội làng Triều Khúc, trở thành một trong những điệu múa nổi tiếng nhất của Hà Nội.  

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội truyền thống, theo bà Trần Thị Tuyết Mai (Viện Văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội), công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống ở Hà Nội cần đặc biệt coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi lễ hội. Không áp đặt lễ hội theo kịch bản, theo ý chí chủ quan của con người, đi ngược lại với bản chất của lễ hội. Thành phố cần hệ thống hóa lại toàn bộ hoạt động lễ hội và phân ra từng loại lễ hội để có phương án quản lý và hướng dẫn, tổ chức hoạt động thích hợp. Công tác quản lý lễ hội cần bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển về chất lượng, cả nội dung và hình thức. Hoạt động dịch vụ văn hóa tại các lễ hội phải đặc biệt quan tâm chú ý đến việc bảo vệ môi trường lễ hội, không xâm phạm vào khuôn viên hành lễ làm ảnh hưỏng đến không gian thiêng của lễ hội. Có như vậy, hội làng truyền thống Hà Nội mới thực sự phát huy được hết vẻ đẹp của mình và khích lệ thế hệ trẻ gìn giữ, phát triển, góp phần làm đẹp hơn văn hóa truyền thống Thủ đô.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.