Ngành điện ảnh bị cảnh báo suy thoái

Chia sẻ

Tròn 1 tháng các rạp chiếu phim đóng cửa khiến cho những doanh nghiệp điện ảnh lớn như CGV, Lotte, Galaxy và BHD lo ngại có nguy cơ phá sản. Loạt phim dự kiến ra rạp tháng 5-6 chưa biết đến khi nào mới có thể trình chiếu.

Từ cuối tháng 1/2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp ngành điện ảnh. Vừa qua, các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam đã cùng bắt tay, ký vào văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19. Ký tên trong văn bản ngoài đại diện 2 doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam là Galaxy Thiên Ngân và BHD Việt Nam, còn có 2 "ông lớn" nước ngoài vốn được coi là có tiềm lực kinh tế mạnh từ các tập đoàn là CGV và Lotte Cinema.

Nhiều phim chưa có lịch khởi chiếu mớiNhiều phim chưa có lịch khởi chiếu mới (Ảnh: N.V)

Văn bản nêu rõ thực trạng thị trường điện ảnh hiện tại và khẳng định: "Với tình trạng này, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể lâm vào phá sản, kéo theo sự suy thoái của ngành điện ảnh là điều tất yếu". 

4 doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh để tháo gỡ những khó khăn. Ba phương án hỗ trợ được các doanh nghiệp đề xuất: Hỗ trợ duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt; Hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản; Hỗ trợ bình ổn hoạt động rạp chiếu phim.

Các doanh nghiệp ký đơn đã “thỉnh cầu” lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành quan tâm “chiếu cố” các doanh nghiệp điện ảnh có thể để khôi phục và duy trì hoạt động sớm nhất. Theo đó, các đơn vị cho rằng, rạp chiếu phim là nơi có thể dễ dàng áp dụng 5K bởi khán giả vào rạp chỉ tập trung xem phim mà không nói chuyện, việc ăn uống bắp, nước được phục vụ theo khẩu phần riêng, ghế ngồi có thể giữ khoảng cách, và công nghệ vé điện tử khiến khán giả không cần tập trung đông người mua vé. 

Thời điểm này, các nhà sản xuất phim Việt thực sự như “ngồi trên đống lửa” với nguy cơ thua lỗ nặng nề. Kể từ dịp 30/4-1/5, loạt phim đang có phản hồi tích cực về doanh thu như: Lật mặt: 48h, Thiên thần hộ mệnh, Trạng Tí đột ngột phải tạm ngừng chiếu ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến các nhà sản xuất đau đầu vì chưa kịp thu hồi vốn.

Theo dự báo, khi cuộc sống trở lại bình thường, rạp phim được mở cửa, những phim này cũng hết “sốt” và phải đứng trước áp lực cạnh tranh của loạt phim đang nóng lòng chờ ra rạp như: Bẫy ngọt ngào (lịch cũ 14/5), Bóng đè (lịch cũ 14/5), Đêm tối rực rỡ (dự kiến ra mắt tháng 6), Chìa khóa trăm tỷ (lịch cũ 30/4), Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh có lịch khởi chiếu dự kiến là cuối tháng 8… Chưa kể đến việc, vì sự “dồn” này mà phim Việt sẽ đứng trước cuộc đua giành khán giả với loạt “bom tấn” ngoại như Fast & Furious 9 dự kiến ra rạp ngày 28/5 (sớm nhất thế giới) nhưng đã lỡ hẹn với khán giả Việt; A Quiet Place II - Vùng đất câm lặng 2 nhiều lần lùi lịch chiếu; Doraemon: Stand By Me 2, Escape Room 2,The Conjuring: Ma xui quỷ khiến, Those Who Wish Me Dead (tựa Việt Kẻ nguyền ta chết)…

Việc kéo dài lịch chiếu, không có lịch chiếu khiến các nhà sản xuất phải kéo dài thời gian quảng bá, truyền thông, gây ra áp lực về mặt kinh tế. Đó là chưa kể, dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới những thay đổi lớn về thói quen và nhu cầu giải trí của khán giả trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thay vì xem phim ở rạp, nhiều người lựa chọn những ứng dụng xem phim trên mạng.

 NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục