Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

M.NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Hà Nội xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô nhằm hướng tới mục tiêu năm 2030 trở thành thành phố phát triển năng động, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Triển khai toàn diện, đổi mới

Tại huyện Gia Lâm thời gian qua đã có nhiều giải pháp lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy  Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm Bùi Thị Lợi, riêng đối với công tác GD-ĐT, huyện Gia Lâm đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường. Chất lượng giáo dục đào tạo được duy trì và phát triển, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát huy hiệu quả của các quy ước, hương ước ngày càng đạt nhiều kết quả, nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Còn tại Trường Đại học Thủ đô, nhà trường được giao chủ trì tham mưu và thực  hiện 2 nhiệm vụ thuộc Chương trình 06 CTr/TU gồm: Đề án “Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021-2025” và Đề án "Bồi đưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành  phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Nguyễn Văn Tuân cho biết:  Để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, Trường đã xin ý kiến của các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội có liên quan, tổ chức tuyên truyền phổ biến các đề án, chương trình được UBND Thành  phố phê duyệt trên các kênh truyền thông chính thức của Trường. Riêng về Đề án "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn  thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm  2045", Nhà trường đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trong năm 2023, 2024 bám sát  các mục tiêu trong Đề án đã được phê duyệt.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - ảnh 1
Một hoạt động chuyên đề gắn tư tưởng với những hành động và việc làm thiết thực để xây dựng Trường Đại học Thủ đô trở thành cái nôi đào tạo trí thức cho Hà Nội 

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu, có tiềm lực khoa học công nghệ lớn với nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng; là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước, có nhiều trung tâm nghiên cứu, có đội ngũ trí thức và nhà khoa học lớn nhất trong cả nước. Do đó, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo tính trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá. Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.

Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách: Quyết định số 1698/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 14/2013/NQ-HÐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô; Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND Thành phố về “Chương trình phát triển thanh niên Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030” và  thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế".

Theo Sở GD-ĐT, đến nay cơ bản đã hoàn thành công tác xây dựng định hướng phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông và giáo dục thường xuyên thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã có 7 trường phổ thông nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao theo Chương trình 06-CTr/TU.  Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Quang Tuấn cho biết, đối với hai chỉ tiêu được giao tại chương trình, gồm: Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia (chỉ tiêu năm 2025 đạt từ 80 - 85%), tính đến nay, toàn thành phố đạt 79,6%. Hiện nay, toàn Thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập và 6 trường ngoài công lập.  

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - ảnh 2
Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” được triển khai thực hiện.

Với chỉ tiêu xây dựng trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại với quy mô 5ha (chỉ tiêu năm 2025 đạt từ 3 - 5 trường), đến thời điểm hiện tại, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5648/QĐ-UBND ngày 6/11/2023, phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất bổ sung đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao theo Chương trình 06-CTr/TU làm căn cứ để đầu tư, xây dựng, thực hiện mục tiêu. Hiện nay, ngành GD-ĐT đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”; kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong trường học đến năm 2025. Bên cạnh đó, Sở đã được Bộ phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; xây dựng Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”...

Toàn thành phố hiện nay có gần 400 đơn vị giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với đa dạng loại hình của nhiều thành phần kinh tế, sắp xếp lại hệ thống các trường hướng đến chuẩn quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực; từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Phát triển theo hướng chuyên nghiệp hiệu quả 

Thành phố đặt chỉ tiêu, xây dựng thêm 130 trường chuẩn quốc gia, tổng số trường được công nhận là 167 trường, đạt 128% kế hoạch. Đến năm 2025, Thành phố đặt chỉ tiêu phấn đấu công nhận thêm 10 trường chất lượng cao, đến nay đã công nhận thêm mới được 5 trường chất lượng cao. Tuy nhiên, trong thực hiện Chương trình cũng còn những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục, như: Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chưa theo kịp với trình độ của các nước phát triển trong khu vực và thế giới; giáo dục đại trà chưa thực sự dẫn đầu cả nước. Hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học có lúc, có nơi còn hạn chế. Việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học còn hạn chế, gặp nhiều rào cản về thể chế. Các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đạt hiệu quả.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - ảnh 3
Hà Nội chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy cô hạnh phúc và học sinh hạnh phúc.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc phát triển hệ thống các trường dạy nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Một số chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chưa đạt yêu cầu đề ra. Chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm hoàn thành theo chương trình, kế hoạch.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô nhằm hướng tới mục tiêu 2030 trở thành thành phố phát triển năng động, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, về lâu dài Hà Nội cần có chính sách thu hẹp khoảng cách về trình độ nguồn nhân lực giữa các vùng; phát triển chất lượng nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khác trong khu vực, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Quan tâm việc xây dựng chính sách đãi ngộ nhằm thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân Thủ đô bằng các biện pháp, như: phát huy hiệu lực, hiệu quả cơ chế quản lý, bảo đảm hệ thống y tế công bằng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thiết thực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thời gian tới, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường học để đảm bảo các trường học đáp ứng tiêu chí mới về diện tích và trang thiết bị. Tiếp tục triển khai các đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; triển khai thực chất, hiệu quả phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” và phát triển trường học hạnh phúc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án, cùng với việc tích hợp giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp vào chương trình giảng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn tới. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bát Tràng được xem xét là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu

Bát Tràng được xem xét là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu

(PNTĐ) - Ngày 21/10, Hội đồng giám khảo quốc tế của Hội đồng Thủ công Thế giới đã có dịp gặp gỡ nhiều nghệ nhân nổi tiếng và thăm quan các di chỉ gốm tại làng Bát Tràng. Qua những trải nghiệm ấy, Hội đồng giám khảo quốc tế, Hội đồng Thủ công thế giới đã xem xét công nhận làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu.
Đẩy mạnh bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Đẩy mạnh bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

(PNTĐ) - Đẩy mạnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt, cụ thể hóa trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, góp phần thúc đẩy thành phố ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa và xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ mới.
Đông Anh: Điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn minh

Đông Anh: Điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn minh

(PNTĐ) - Để nâng cao chất lượng thực hiện Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố văn hoá, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo 100% các xã, thị trấn, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn rà soát hương ước, bổ sung các nội dung QTƯX công cộng vào hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố, công khai thực hiện tại từng khu dân cư.