Nghề làm giấy dó thủ công một thời

Chia sẻ

Một thời, nghề làm giấy dó ở vùng Bưởi tập trung ở mấy làng Yên Thái, làng Thọ, làng Đông, làng Hồ, lác đác làng Sài, làng Võng, làng Tân...

Nguồn nguyên liệu của giấy dó là cây dó được trồng nhiều ở Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang. Cây dó cao chừng 2-3m, thân giống như thân cây mía, lá xanh mềm như lá na, mùa hè ra hoa chùm rất thơm, nhất là về ban đêm. Vỏ dó càng dày càng nạc, làm giấy càng dễ, càng dôi, càng đẹp. 
 
 
Nghề làm giấy dó thủ công một thời - ảnh 1

Bó vỏ dó mới mua về phải xẻ ra buộc thành từng “con” độ mươi lăm vỏ vứt xuống nước ngâm cho thật mềm. Sau đó cho vào vạc nấu. Vạc thường xây ở bờ sông, bờ ao, bờ hồ. Dọc sông Tô Lịch từ chợ Bưởi đến cống Đõ đầu làng Hồ là cái vạc. Các con dó được ngâm vào bể vôi đặc thường xây ngang dưới chân vạc cho ngấm rồi dùng dao móc lên xếp vào vạc cho đến miệng lò.
 
Sau đó, người ta trét, ủ bao tải lên và nổi lửa bên dưới. Vì thế cả dãy vạc dó hàng mấy chục chiếc đêm ngày đỏ lửa. Dó được đun và ủ ba bốn ngày như thế đủ mềm. Người ta mở lò, dùng sào móc từng con vứt xuống sống ngâm tiếp sau đó rửa sạch vôi bám vào các con dó. Nước sông Tô Lịch chảy xiết sẽ xối đi nước vôi còn lại các con dó mềm vàng, nở nang khi ấy gọi là con bìa. Người ta rũ sạch chở về cho sang công đoạn làm bìa. 
 
Làm bìa là việc dùng con dao sắc nhọn lột vỏ đen ở cây dó và cắt các mấu sẹo để sang một bên, để riêng lõi trắng để làm giấy lụa, giấy bản, còn vì để làm giấy moi. Bìa làm xong, người ta phải đạp bìa, người đạp bìa vịn vào thanh tre buộc vào cây hay tường, dùng chân quận từng búi dó mà đạp. Búi dó lăn ra hết tầm lại khèo vào đạp tiếp cho thật mềm. Sau đó đem ngâm riêng cho đến khi cả hai loại vỏ mềm nhũn ra mới vắt kiệt đem giã. 
 
Cối giã dó là một cối đá xanh đáy phẳng đứng thành khía từ tâm ra chung quanh. Chày giã dó cấu tạo như chày giã gạo nhưng mặt chày phẳng, vòng rộng gần thành cối, chày rất nặng thường phải hai người đứng giã. Người vun bìa phải làm hai việc ném dó vào giữa cối và kịp thời bẻ bìa quanh thành cối vứt tiếp tục vào giữa cối cho đến khi bìa nhỏ như bột thì thôi. Bìa giã xong phải đãi bìa. Công việc này là của đàn ông khỏe mạnh. Dó đãi bìa phải lớn, một phía cạp tựa vào bắp đùi, người đãi phải giầm nước tới đùi trên, tay trái nắm cạp bìa, tay phải quất tơi bột giấy trong giá khi nào bột tơi hết, nước trong thì nhắc ra lên khỏi mặt nước. Bìa đãi xong được đổ vào tàu kheo. Tàu kheo là một cái bể hình chữ nhật sâu độ 50. 60 cm làm bằng ván thôi hoặc xi măng. Tùy theo số bột giấy mà tàu vơi hay tàu đầy, số thợ xeo là 1 hay 3, 4. Thông thường người ta tính toán để thợ xeo làm từ 6, 7 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm thì xong. 
 
Tiếp đó là đến công đoạn ép, uốn, can giấy. Kéo giấy là công đoạn cuối cùng. Người kéo giấy ngồi ghế thấp để từng xếp giấy lột khó khỏi bồi trước mặt, hai ngón chân đè lên hai mép tờ giấy, 2 tay lật ngửa kéo mảng giấy lên cao, cứ thế xếp giấy lên cao dần. Lúc ấy chỉ việc đếm giấy gấp từng trăm hoặc đánh dấu bằng cách gấp chéo 1 tờ buộc bịn, sửa sang từng nghìn đem ra cầu chợ bán phiên vào ngày 6, 12, 18… hoặc giao cho khách đến mua tại nhà. 
 
Ngày xưa làm giấy dó để viết chữ Nho, làm sách cho học trò, viết các văn bản của quan lại triều đình… Nhưng sau này từ thời Pháp thuộc, học trò, công sở đều dùng giấy Tây, giấy dó chỉ dùng vào việc viết chữ Nho, viết gia phả và các văn bản cần giữ lâu dài trăm năm, nghìn năm. Sách in bản giấy dó thường là sách quý đắt tiền. Giấy dó với khổ lớn, độ dày đặc biệt còn để làm bằng, sắc quý vua ban, viết gia phả lưu giữ trăm năm, nghìn năm. Giấy này phải qua khâu nhuộm vàng bằng nước hoa hòe, nghè bằng đá cho rắn đanh, vẽ phun kim nhũ tinh xảo nên giá thành mỗi tờ rất cao. Công đoạn làm giấy nghè chỉ có làng Nghè và chỉ có dòng họ Lại Phú làm được. Tiếc rằng đến nay chỉ có một người con gái hậu duệ được truyền lại nhưng không có cơ hội phát triển. 
 
Sau này vùng Bưởi và các vùng tự do cũng có máy xay bột giấy lại có 2 nhà máy giấy Đáp Cầu, Bắc Ninh, nhà máy giấy Lửa Việt, Phú Thọ, nhà máy giấy Sông Cầu, Thái Nguyên và các máy xay nhỏ trong khi dân cư nên không còn phải giã dó như xưa. Nhưng, nghề làm giấy dó một thời ở Bưởi vẫn in dấu trong ký ức của người Hà Nội xưa.
 
Lê Thị Túy
 

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ tới thế hệ trẻ thông qua những ấn phẩm được xuất bản.
Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.
Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” trình chiếu miễn phí 6 bộ phim: Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên, Chuyện những người lính già, Đồng hành cùng lịch sử, Chia lửa cùng Điện Biên, Điện Biên Phủ niềm hy vọng.