Nghệ nhân nhân dân Kim Dung - Người lan tỏa nghệ thuật dân ca truyền thống

MAI NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với đam mê và tâm huyết của nghệ nhân nhân dân (NNND) Phan Thị Kim Dung, các làn điệu dân ca truyền thống ban đầu chỉ bó hẹp trong câu lạc bộ (CLB) Dân ca do NNND Kim Dung thành lập nơi làng Mọc Quan Nhân (phường Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì nay đã lan tỏa tới các nhiều địa phương trong Quận, Thành phố và cả nước, góp phần cổ vũ, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Truyền lửa từ đam mê

Đã thành thông lệ, cứ vào tối thứ 6 hàng tuần, CLB Dân ca ở làng Mọc Quan Nhân lại rộn ràng lời ca, tiếng hát của các bà, các chị, các em học sinh. Dù độ tuổi khác nhau nhưng ai cũng nhiệt tình luyện tập, tất cả chỉ bởi hai chữ say mê. Hơn 13 năm nay, CLB đã trở thành điểm hẹn văn hóa quen thuộc của những nghệ sĩ không chuyên yêu thích làn điệu dân ca.

NNND Kim Dung chia sẻ: Tôi sinh ra trong gia đình có cha là nghệ nhân hát Xẩm tại xóm Thượng Trang, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Lớn lên bên những chiếu Xẩm ở làng, tình yêu của tôi với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã nhen nhóm và ngấm vào máu thịt qua từng năm tháng.

Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã rất thích và thường xuyên được lãnh đạo xã phân công cầm loa hát các bài hát dân ca phục vụ nhân dân lao động trên cánh đồng. Nhờ được sự truyền dạy kỹ càng về kỹ thuật hát cũng như nội dung của làn điệu, cách hát Xẩm của cha và tôi may mắn được tham dự lớp học hát Xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu giảng dạy tại Đoàn chèo Nam Hà (cũ), kỹ thuật hát của tôi ngày càng tiến bộ hơn.

Nghệ nhân nhân dân Kim Dung - Người lan tỏa nghệ thuật dân ca truyền thống - ảnh 1
Một buổi sinh hoạt của CLB. Ảnh: NVCC

 

Năm 1995, NNND Dung theo chồng và các con lên Hà Nội sinh sống tại làng Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống dân gian, NNND Kim Dung vừa ở nhà làm nội trợ, vừa tìm hiểu phong trào văn nghệ nơi đây.

NSND Kim Dung chia sẻ: Nhận thấy nơi mình sinh sống có phong trào văn nghệ, hát dân ca phát triển khá mạnh, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để tham gia các CLB, đồng thời truyền dạy những kiến thức mình đã có cho các chị em đồng trang lứa tại địa phương. Ngoài tham gia nhiệt tình các CLB, tôi còn tự tìm hiểu các làn điệu dân ca qua sách, báo nhằm thỏa mãn niềm say mê và cũng góp phần truyền bá lại vốn quý đó cho các hội viên CLB, nhất là các cháu thiếu nhi với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.

Và thầm lặng cống hiến

Sau 12 năm thành lập, CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân ban đầu chỉ vỏn vẹn 14 người, tới nay CLB đã thu hút hơn 50 người tham gia. Các thành viên có tuổi đời từ 35 - 50 tuổi. Ngoài ra, NNND Kim Dung còn truyền dạy hát cho hơn 60 người ở CLB nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân; dạy 35 người ở Hội người cao tuổi Thanh Xuân; bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống cho gần 200 học sinh tiểu học và THCS. Ở CLB, ngoài truyền dạy các kỹ năng hát và biểu diễn hát Xẩm, NNND Kim Dung còn truyền bá các loại hình dân ca vùng miền, dân ca quan họ Bắc Ninh, làn điệu chèo cổ, hát văn... Từ lớp học này, đến nay một số trường học trên địa bàn phường Nhân Chính đã tổ chức cho học sinh hát dưới cờ như trường Tiểu học Nhân Chính, trường Tiểu học Thanh Xuân Trung...

Nghệ nhân nhân dân Kim Dung - Người lan tỏa nghệ thuật dân ca truyền thống - ảnh 2
NNND Kim Dung dạy hát tại CLB. Ảnh: NVCC

 

Không chỉ hết lòng truyền dạy kỹ năng hát dân ca cho các thành viên CLB, NSND Kim Dung còn tham gia dạy hát cho trẻ khuyết tật trên địa bàn quận Thanh Xuân. Năm 2020, NNND Kim Dung được lãnh đạo Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân mời giảng dạy cho một nhóm múa hát gồm 22 người là các bạn nữ khuyết tật vận động.

“Đã từng đứng lớp rất nhiều, từng gần gũi với người khuyết tật nhưng khi chứng kiến các cháu luyện tập tôi thực sự rất thương bởi cũng điệu múa ấy với người bình thường thì không quá khó, song với người khuyết tật vận động thì đó là một thử thách lớn. Tôi đã rất xúc động trước ý chí quyết tâm học múa hát của học viên nữ khuyết tật vận động và thấy thật hạnh phúc khi các cháu đạt được những thành tích ban đầu trong các cuộc thi, các cuộc biểu diễn. Đó còn là niềm hạnh phúc bởi mình đã trao cho các cháu ý chí, nghị lực và niềm đam mê nghệ thuậ.Tôi chỉ mong có sức khỏe để sống với đam mê của mình và góp sức giữ gìn, lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đến với nhiều người hơn” - NNND Kim Dung chia sẻ.

Nghệ nhân nhân dân Kim Dung - Người lan tỏa nghệ thuật dân ca truyền thống - ảnh 3
NNND Kim Dung truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho thiếu nhi 

 

Chị Đinh Thị Nhung, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân cho biết: NNND Kim Dung rất say mê với nghề và nhiệt tình với các hoạt động văn hóa của địa phương. Cứ ở đâu cần là NNND Kim Dung lại nhiệt tình tham gia không ngại khó, ngại khổ. NNND Kim Dung đã cùng các thành viên CLB rất tích cực tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn, các cuộc giao lưu và đạt giải cao.

Có thể nói, NSND Kim Dung là tấm gương sáng với tâm nguyện được mang niềm đam mê và những kinh nghiệm của mình truyền dạy cho những người yêu thích dân ca truyền thống, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ truyền thống tại cơ sở ngày càng phát triển. Đưa văn hóa truyền thống thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và lan tỏa được đam mê tới cộng đồng.

Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân Trịnh Thị Hồng Thủy cũng chia sẻ: Không chỉ chú ý đến chất lượng tập luyện, học hỏi để có nhiều tiết mục biểu diễn mang tính nghệ thuật cao, NNND Kim Dung luôn trao dồi đạo đức nghề nghiệp, sáng chữ tâm, chú trọng đến việc truyền dạy đào tạo miễn phí cho diễn viên không chuyên của nhiều CLB văn nghệ dân ca. Với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, cuốn hút của NNND Kim Dung, các thành viên CLB và các cháu thiếu nhi đều hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật và các nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi. Vì thế khi được dạy lời bài hát, cách cầm phách, đồng thời cách diễn đạt ca từ làm sao cho đúng với nội dung, ý nghĩa của bài hát thì mọi người dễ hiểu, dễ nhớ. NNND Kim Dung là một người nhiệt tình, tâm huyết tham gia vào các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Bà được ghi nhận và có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa của Quận, đặc biệt là góp phần vào việc tuyên truyền, giảng dạy lại cho các chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi những làn điệu dân ca truyền thống nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật văn hóa truyền thống quê hương.

Thành tích nổi bật của NNND Phan Thị Kim Dung:

- Năm 2015 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất ở loại hình hát Xẩm.

- Năm 2018  được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về việc “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

- Năm 2021 được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”.

- Năm 2022 được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.