Nghệ sĩ Giang Còi gửi lại những “món ăn tinh thần” trong lòng khán giả

Chia sẻ

Nghệ sĩ Giang Còi đã có gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, khắc sâu trong ký ức nhiều thế hệ khán giả với những vai diễn chân chất trên phim và các vở hài kịch.

Nghệ sĩ Giang Còi gửi lại những “món ăn tinh thần” trong lòng khán giả - ảnh 1 (Ảnh: Facebook Lê Hồng Giang)
Gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật

Nghệ sĩ Giang Còi qua đời tối 4/8, sau thời gian điều trị ung thư vòm họng. Giang Còi tên thật là Lê Hồng Giang, sinh năm 1962 trong gia đình ở phố cổ Hà Nội, bố mẹ anh làm nghề buôn bán. Anh tốt nghiệp đại học Sân khấu Điện ảnh, học cùng lớp với các nghệ sĩ Chiều Xuân, Bùi Thạc Chuyên, Tú Oanh. Anh được bầu làm lớp trưởng, là “đầu tàu” gương mẫu trong nhiều hoạt động.

Tự nhận mình xấu trai lại thấp bé, anh cố gắng tạo phong cách bằng lối diễn hài hước. Giang Còi ghi dấu trong lòng khán giả với nhiều vai nông dân trong các tiểu phẩm của chương trình Gặp nhau cuối tuần thập niên 2000, đóng cùng nghệ sĩ Quang Tèo, Văn Hiệp, Phạm Bằng.

Nghệ sĩ Giang Còi có gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật và phim ảnh vốn được anh coi là “cái nghiệp”. Anh luôn tâm niệm: “Tôi làm nghề bằng cái tâm, tôi kiếm tiền để làm nghề chứ không làm nghề để kiếm tiền”.

Quang Tèo gặp Giang Còi lần đầu năm 2000, khi đạo diễn Khải Hưng gọi thử vai cho chương trình Gặp nhau cuối tuần. Khi đó, đạo diễn mong muốn tìm kiếm một cặp nghệ sĩ đối lập ngoại hình nhưng ăn ý trong diễn xuất. Vừa hay, Quang Tèo to béo, Giang Còi gầy nhỏ, đạo diễn Khải Hưng ưng mắt, đưa kịch bản để diễn thử. Cả hai nhập vai ăn ý và cặp hài Quang Tèo - Giang Còi ra đời, gắn liền với loạt tiểu phẩm đậm chất dân dã. Giang Còi diễn dung dị, tự nhiên, kết hợp ăn ý với Quang Tèo, tạo thành “cặp bài trùng” trên nhiều sân khấu.

Sau Gặp nhau cuối tuần, họ tiếp tục đồng hành trong nhiều tiểu phẩm, phim hài, show diễn. Quang Tèo chu đáo, quảng giao, thường kết nối với bầu show, ký hợp đồng, chuẩn bị nơi ăn, ngủ… còn Giang Còi có tài năng về kịch bản, đạo diễn. Nhiều tiểu phẩm chung của cả hai do cố nghệ sĩ sáng tác được khán giả yêu thích. Đặc biệt mỗi dịp Tết, các video hài của cặp diễn viên là “món ăn tinh thần” trong nhiều gia đình. Không chỉ ăn ý khi diễn xuất, hai nghệ sĩ còn gắn bó giúp đỡ nhau ngoài đời thường.

Nghệ sĩ Giang Còi cũng từng tham gia một số bộ phim truyền hình nổi tiếng như: Khi đàn chim trở về, Cựu chiến binh, Chuyện đời thường, Cảnh sát hình sự... Dù không có cơ hội vào vai chính, nghệ sĩ Giang Còi cũng đã đạt một số thành công nhất định trong lĩnh vực phim truyền hình với những vai phụ để lại nhiều dấu ấn. Trong đó, có thể kể đến bộ phim truyền hình Cung đường trắng phát sóng vào năm 2014.

Ngoài diễn xuất, nghệ sĩ Giang Còi từng đi học đạo diễn, viết kịch bản phim. Năm 2019, anh thực hiện series sitcom Quỷ sứ học đường, dài 500 tập, với mong muốn giáo dục trẻ vị thành niên một cách nhẹ nhàng, thấm thía. Trước khi mất, anh vẫn ấp ủ viết kịch bản phim cho mình đóng chính, về một ông bảo vệ chung cư không nói được, chứng kiến đủ mọi bi hài trong khu nhà dưới góc nhìn hài hước.

Luôn sống lạc quan

Trong ký ức bạn bè, đồng nghiệp, Giang Còi hóm hỉnh, hòa đồng, luôn chăm lo mọi người. Khi đi diễn, anh quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ bí quyết làm nghề, những mảng miếng hài cho đàn em.

Theo lời kể của nghệ sĩ Chiều Xuân, là lớp trưởng, Giang Còi quan tâm các thành viên: “Nhớ anh xưa thỉnh thoảng có quát nạt, quạu cọ một chút nhưng trên hết vẫn là yêu thương, bao bọc, lo lắng cho các em. Mong nếu có kiếp sau sẽ lại được học cùng lớp với anh Giang Còi và anh vẫn giữ cương vị lớp trưởng hay đàn hát”.

NSND Trung Hiếu nhận xét: “Anh Giang Còi là hình mẫu nghệ sĩ giỏi nghề, say nghề và đầy tự trọng”. Còn NSND Khải Hưng viết: “Một anh nông dân với cái mũ nan, tay cầm cái sào, ngọn sào buộc miếng vải đang lùa vịt... đó là Giang Còi. Trưởng thôn đã đi xa. Hôm nay, Giang Còi lên gặp Văn Hiệp. Anh đã gọi tôi là thầy. Vĩnh biệt trò Giang - người luôn tạo nên tiếng cười lạc quan cho cuộc đời”.

Nghệ sĩ Giang còi luôn lan tỏa tinh thần sống tích cực tới các thành viên trong gia đình, bạn bè và khán giả, ngay cả thời gian anh chiến đấu với bệnh tật. Anh phát hiện mắc ung thư hạ họng hồi đầu năm, khi bệnh đã ở giai đoạn ba. Bác sĩ khi đó nói khối u của anh đã di căn, chỉ còn sống được khoảng hai năm. Anh từ chối điều trị bằng hóa chất. Ngoài ung thư, anh mắc nhiều bệnh nền như xơ gan, xuất huyết dạ dày.

Vài tháng cuối đời, nghệ sĩ ở nhà vui thú điền viên, chia sẻ những thú vui dân dã như trồng rau, thu hoạch cà chua, nuôi ong lấy mật... trên trang fanpage. Con gái thứ ba - Ngọc Anh (17 tuổi) cận kề chăm sóc nghệ sĩ Giang Còi những ngày cuối đời. Anh truyền năng lượng tích cực cho các con chứ không yếu mềm, ủy mị.

Trong di chúc Giang Còi để lại cho các con sau khi qua đời, anh bày tỏ tâm nguyện được chôn cùng cây đàn guitar, điếu xì gà và những tràng vỗ tay từ khán giả. Anh hay nói với các con: “Khi chào đời, mỗi chúng ta đều cất tiếng khóc trong nụ cười của những người xung quanh. Hãy sống để đến khi lìa đời, ta có thể mỉm cười trong những giọt nước mắt”.

Vĩnh biệt trần thế ở tuổi 59, nghệ sĩ Giang Còi đã có thể mỉm cười thanh thản bởi anh đã sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa, nhiều dấu ấn.

 Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.