Nghệ sĩ phải thiết lập “barie” văn hoá

Trọng Hoàng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sự việc phản cảm được mạng xã hội lan truyền mới đây về clip nghệ sĩ Xuân Hinh giả gái, mặc váy óng ánh, vai trần, ngắn cũn, nhảy múa trong chương trình “Đại lễ cắt băng khánh thành ngôi Tổ đường” tại Hải Dương khiến dư luận bức xúc phản đối vì cho rằng đây là hành vi thiếu văn hoá, khó chấp nhận của người có ảnh hưởng tới công chúng.

Nghệ sĩ phải thiết lập “barie” văn hoá  - ảnh 1
Hình ảnh từ clip nghệ sĩ Xuân Hinh mặc váy ngắn nhan nhản trên mạng xã hội với nhiều ý kiến bất bình

Không thể lẫn lộn giữa vô ý thức và nghệ thuật 
Hình ảnh trong clip của nghệ sĩ Xuân Hinh khiến dư luận phẫn nộ vì danh hài mặc trang phục quá phản cảm ở một chương trình biểu diễn cho nhà chùa, người xem là các phật tử và người dân đủ mọi lứa tuổi. 

Trước dư luận, nghệ sĩ Xuân Hinh xác nhận với truyền thông, đây là những hình ảnh trong buổi biểu diễn tại chùa Sùng Minh, Hải Dương và đã được Ban Tổ chức thông qua và các cụ trong làng chấp thuận. Theo Xuân Hinh, đấy là tiểu phẩm “Thất biến”, tức là 7 lần biến hóa, nghệ sĩ thể hiện nhiều dạng nhân vật theo yêu cầu từ khán giả. Lúc là Chí Phèo, Thị Nở, lúc lại hát chầu văn, lúc thì hóa thân thành cô gái... Mỗi vai diễn phải có phục trang phù hợp, và việc mặc như vậy là rất bình thường. Xuân Hinh đổ lỗi cho “tai nạn” này là do việc ai đó đã cắt ghép một mẩu ngắn để đăng lên mạng câu like, khiến khán giả hiểu lầm.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, chương trình mà Xuân Hinh diễn vẫn là chương trình của nhà chùa, dù diễn bên trong hay bên ngoài, về mặt ý nghĩa là không khác nhau. Chỉ có Xuân Hinh đang nhầm lẫn giữa hai không gian, là không gian người dân đến thờ tự và không gian sân khấu của người nghệ sĩ. Việc Xuân Hinh biểu diễn với trang phục phản cảm như vậy ở một chương trình khánh thành Tổ đường của nhà chùa dễ gây tác động không tốt, lệch lạc đến thẩm mỹ, quan điểm của người xem.

 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29/3/2021 đã đưa ra những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Trong đó có nội dung đáng chú ý về mặc trang phục tại những nơi đông người hay địa điểm văn hóa, tín ngưỡng. Những trường hợp mặc trang phục không lịch sự, phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức cao nhất là 500.000 đồng. Người dân đi đến các cơ sở thờ tự còn phải ăn mặc, ứng xử đúng chuẩn mực theo quy định, thì không có lý do gì nghệ sĩ được phép nhập nhèm giữa sự vô ý thức và nghệ thuật như nghệ sĩ Xuân Hinh. Sự việc xảy ra gây đáng tiếc đối với một nghệ sĩ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn như Xuân Hinh. Hơn nữa, nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng cũng cho rằng, nghệ sĩ Xuân Hinh hiện đã lớn tuổi mà mặc áo giả gái, ngắn cũn cỡn không còn phù hợp trên sân khấu chứ chưa nói đến biểu diễn cho chương trình của chùa chiền. Nam nghệ sĩ vẫn có thể giả gái thành công, chuyển tải đầy đủ ý đồ nghệ thuật của vai diễn với những trang phục được chọn lựa kỹ.

Không riêng trường hợp của nghệ sĩ Xuân Hinh, thời gian qua, một số nghệ sĩ, chương trình hài kịch tự do… đã có những biểu hiện “lệch chuẩn” về hành vi ứng xử thiếu văn hoá trên sân khấu biểu diễn khi đưa ra những lời pha trò tục tĩu, dùng hình thể một cách kệch cỡm để mua vui... khiến khán giả bức xúc. Trường hợp chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi của nhóm nghệ sĩ hài Tiến Quang (tức Quang Tèo) bị người dân phẫn nộ phản ứng vì có nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ… mới đây cũng là một ví dụ. 

Cần tổ chức các lớp tập huấn quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ 
Để chấn chỉnh văn hoá ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hoá nghệ thuật biểu diễn. Theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này ở thành phố, tỉnh cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ các chương trình biểu diễn đặc biệt của các nhóm nghệ sĩ tự do, nhằm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh. 

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng như nhiều nghệ sĩ đề xuất cần có các biện pháp, chương trình lan toả mạnh mẽ hơn Quy tắc ứng xử nói trên. Một trong những hình thức cần làm ngay là tổ chức những buổi tập huấn cho tất cả các nghệ sĩ, những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp về các vấn đề xung quanh quy tắc ứng xử này, định hướng sâu sắc hơn cho họ về những điều nên và không nên, như thế nào là giới hạn trong văn hoá ứng xử chuẩn mực trên sân khấu cũng như ngoài xã hội.

 Trước vấn đề này, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng, nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng, người nghệ sĩ chân chính có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng, họ phải xác định mình là những “chiến sĩ" trên mặt trận tư tưởng, văn hóa để có hành vi đúng đắn, chuẩn mực, không vì tiền mà bất chấp “lệch chuẩn”.  

Trong hoạt động nghề nghiệp, mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách. Lao động nghệ thuật là một hành trình, một nghề vô cùng “nghiệt ngã” đòi hỏi sự khổ luyện của người nghệ sĩ để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho con người và xã hội. Sức ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng là ở những tác phẩm đỉnh cao, ở sự nghiêm túc, cẩn trọng, hết mình với nghệ thuật. Điều quan trọng là mỗi nghệ sĩ cần vượt qua những “lằn ranh”, giới hạn chật hẹp của cuộc sống cá nhân, suy nghĩ về những vấn đề lớn của cộng đồng, xã hội, về những phận người để có những tác phẩm, vở diễn xứng tầm với niềm tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân. Thay vì đưa ra những sản phẩm mang danh nghệ thuật nhưng lại gây sự bất bình đối với công chúng và những người làm nghệ thuật chân chính. 

Cùng với đó, đã là nghệ sĩ, là người của công chúng và là người có ảnh hưởng thì dẫu khi hoạt động nghề nghiệp hay đi bất kỳ đâu, kể cả trên trang mạng xã hội cá nhân cũng phải thiết lập “barie” cho chính mình, luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh và trên hết là trách nhiệm của một công dân, nhằm đem đến điều tích cực cho xã hội, định hướng giá trị Chân - Thiện - Mỹ cho công chúng như chính sứ mệnh của họ được giao phó.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.