Nghệ sĩ và những kỷ niệm không quên thời lửa đạn
(PNTĐ) -Họ tham gia vào cuộc kháng chiến cứu nước cùng dân tộc bằng tiếng hát và tuổi thanh xuân đẹp nhất. Hát cho những đoàn binh đi bền gan vững chí, hát cho anh thương binh đỡ cơn đau vì bom đạn kẻ thù, NSND Thanh Hoa, NSND Quang Thọ, NSND Thái Bảo cho biết, nhờ những tháng năm đó mà họ có cuộc đời và sự nghiệp đầy tự hào…
NSND Thanh Hoa: Nhớ những năm tháng tiếng hát át tiếng… đau
NSND Thanh Hoa bồi hồi nhớ lại, tháng 6 năm 1974, khi đang là nghệ sĩ hát đơn ở Đài phát thanh Giải phóng (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam), bà được gọi đề nghị chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc đó, các con của nữ ca sĩ còn nhỏ, bé nhất mới 6 tháng tuổi nên không bắt buộc phải lên đường. Nhưng, không một chút băn khoăn, bà đã để con ở nhà lên đường thực hiện nhiệm vụ, mang theo nỗi nhớ thương con nhỏ dại.
Đoàn của NSND Thanh Hoa lúc ấy được gọi là đoàn “tâm lý chiến”, bắt đầu đi từ Thường Tín (Hà Nội ngày nay) theo dọc Trường Sơn, dừng lại ở chiến trường Khe Sanh. Mỗi khi bộ đội dừng chân nghỉ thì đoàn văn công lại hát. Nghệ sỹ hát cho bộ đội và thương binh nghe. Có những thương binh khi nghe hát vẫn không kìm được nỗi đau đớn thể xác, thỉnh thoảng lại rên lên. Lúc đó, người bên cạnh mắng khẽ: “Mày kêu bé thôi để tao còn nghe hát”. Trước những câu chuyện như vậy, Thanh Hoa càng thấy việc mình quyết tâm vào nơi tuyến đầu động viên các chiến sỹ thật ý nghĩa, động viên được tinh thần người lính vượt qua mọi nỗi đau để tiếp tục chiến đấu. Cho đến giờ, mỗi lần bước lên sân khấu, NSND Thanh Hoa lại nhớ đến những năm tháng hành quân và như được tiếp thêm sức mạnh để cống hiến. Và giờ đây, ở tuổi U 80, NSND Thanh Hoa vẫn hết mình cống hiến với trách nhiệm của người chiến sỹ đã đi qua cuộc chiến, trở thành một phần của lịch sử.
NSND Quang Thọ: Mãi nhớ cô thanh niên xung phong hy sinh ở tuổi 16
Cũng là một giọng hát trưởng thành và đi qua cuộc chiến tranh ác liệt vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NSND Quang Thọ mang ký ức thiêng liêng vào hành trang sống đáng tự hào của mình để miệt mài cống hiến cho khán giả và Tổ quốc cho đến lúc đầu đã nhuộm trắng mái tóc xanh. Ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi may mắn được hành quân vào chiến trường những năm 1971, 1972, trong thời điểm ác liệt của chiến tranh. Chúng tôi hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Quảng Trị, sang Lào, Campuchia rồi vòng đến Tây Ninh”.
Ngày đó, NSND Quang Thọ mới là cậu trai 24 tuổi, lên đường theo đoàn văn công xung kích tỉnh Quảng Ninh. Người nghệ sĩ hành quân cũng như chiến sỹ, ba lô con cóc 5kg, vác súng trường trên vai. Chỉ khác là trên vai anh thanh niên ấy có thêm một cây đàn ghi-ta. NSND Quang Thọ tâm sự, đến bây giờ, cuộc hành quân ấy vẫn để lại cho ông những niềm xúc động lớn lao. Có đi thì mới được chứng kiến giữa ranh giới của sự sống và cái chết, giữa bom đạn gào rú là một tinh thần lạc quan, yêu đời vô cùng của bộ đội ta. Tiếng hát của nghệ sỹ các đoàn văn công thực sự có ý nghĩa, giúp các chiến sỹ vượt qua những ám ảnh chết chóc để tiếp tục chiến đấu mạnh mẽ hơn. Những bài hát ông thường cất lên thời điểm đó là về đường Trường Sơn anh hùng, tạo khí thế cho các chiến sỹ.
“Tôi nhớ, có lần vào một lán thương binh hát cho họ nghe. Có một cô thanh niên xung phong, trẻ lắm, bị sốt rét ác tính. Cô vừa nghe chúng tôi hát vừa thiêm thiếp. Một tuần sau, quay trở lại cung đường ấy, tôi ghé vào hỏi thăm cô gái thì cô đã mất. Câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi mãi. Cô ấy mới 16 tuổi”- NSND Quang Thọ rưng rưng nhớ.
Cho đến ngày hôm nay, nhớ lại những chiến sỹ đã nằm lại rừng Trường Sơn, NSND Quang Thọ luôn dặn lòng mình và chia sẻ với thế hệ học trò sau mình nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với những hy sinh của cha anh.
NSND Thái Bảo: Nhớ thời bộ đội vượt 30 cây số để nghe hát
NSND Thái Bảo cũng có rất nhiều năm tháng hát phục vụ bộ đội. Từ những cuộc biểu diễn đặc biệt ấy, chị thêm yêu công việc, yêu Tổ quốc và dặn lòng hết mình phấn đấu cho khán giả thân yêu. “Vào năm 1984, lần đầu tiên, tôi được cùng đoàn đi phục vụ bộ đội và nhân dân ở các tỉnh biên giới phía Bắc, tôi đã mang theo cây đàn ghi-ta gỗ của mình cùng đi. Những ký ức lội bùn, hát dưới mưa, không có micro và những tràng pháo tay của các chiến sỹ khiến cho tôi không thể nào quên”- NSND Thái Bảo bồi hồi nhớ lại.
Nhưng đáng nhớ nhất có lẽ với Thái Bảo là sau buổi biểu diễn, trở về lán trại thì nửa đêm, chị bỗng nghe tiếng đập cửa, mở cửa ra là hình ảnh một đoàn bộ đội đang đứng trước mặt. “Các anh đã vượt hơn 30 cây số giữa trời mưa phùn để đến nghe Thái Bảo hát lại bài Vết chân tròn trên cát”- NSND Thái Bảo kể. Trong số đó, có một người thương binh. Người lính bảo nhớ nét chữ từ hậu phương nên muốn nhờ chị viết tặng bài hát Vết chân tròn trên cát. Giữa đêm mưa, NSND Thái Bảo lúc ấy đã dùng lưng người chiến sỹ làm bàn để chép tặng người thương binh bài hát. Đó cũng chính là lý do khiến Thái Bảo có tình yêu đặc biệt với người lính và những ca khúc về người lính.
Cũng chính từ những năm tháng và tình yêu nghề và kỷ niệm đẹp đẽ với người lính ấy cho NSND Thái Bảo nghị lực để giữ lửa và thành công trong sự nghiệp, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thái Bảo hạnh phúc vì đã có một thanh xuân tươi đẹp với những bài hát về người lính và những kỷ niệm không bao giờ quên với những người bộ đội anh hùng của đất nước anh hùng.