Nhà văn Di Li – nữ tác giả đầu tiên viết về “tật xấu người Việt”

Bài và ảnh: Nam Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với “Tật xấu người Việt”, Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói tật của người Việt và lý giải dựa trên những nghiên cứu kỳ công trong hàng chục năm, cùng trải nghiệm phong phú của mình.

Nhà văn Di Li vừa ra mắt cuốn sách “Tật xấu người Việt”. Cuốn sách nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại “Tật xấu người Việt” và “Tính tốt người Việt” (chưa phát hành). 

Đời sống gia đình đã có cuộc trò chuyện cùng chị nhân dịp cuốn sách được phát hành…

Nhà văn Di Li – nữ tác giả đầu tiên viết về  “tật xấu người Việt” - ảnh 1
Nhà văn Di Li 

Từ khi nào chị quyết định viết “Tật xấu người Việt”? Chị có ngại người Việt sẽ cảm thấy… chạnh lòng khi bị bêu ra cái xấu trong một cuốn sách?

- Tôi bắt đầu viết những câu chuyện này cách đây 15 năm, cho một chuyên mục của báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần. Rồi dần dà, tôi có một tập hợp, một hệ thống các bài phiếm luận như vậy cho rất nhiều tờ báo khác nhau. Sau này tôi bắt đầu tập trung sâu hơn, nghiên cứu nhiều hơn và chỉnh sửa, bổ sung cho những gì đã viết cũng như viết thêm rất nhiều bài khác khi ngày càng nhiều trải nghiệm, vốn sống và kiến thức.

Ở trường tôi cũng dạy bộ môn Văn hóa Anh Mỹ nên trên giảng đường, luôn đưa văn hóa Việt vào để so sánh đối chiếu giúp sinh viên dễ hiểu. Và cũng vì thế tôi tình cờ tìm ra những điểm khác biệt trong tính cách của dân tộc mình, cả tốt lẫn xấu. Tôi đã hình thành bộ đôi “Tật xấu người Việt” và “Tính tốt người Việt” theo cách như vậy. Cuốn “Tính tốt người Việt” tôi sẽ phát hành sau.

Đọc sách chị, nhà văn Hoàng A Sáng nói rằng đây là cuốn sách chị tự răn mình, vậy bản thân chị có vượt qua những tật xấu mà chính chị khảo cứu thậm chí trải nghiệm ấy không?

- Khó ra phết. Ví dụ tôi cũng hay cả nể, ngại từ chối, lắm khi cũng nói nước đôi. Nhiều khi cố làm mà trong bụng không thích. Rồi lắm khi cũng sĩ diện nữa chứ. Vì vậy khi tiếp xúc với người Mỹ, lắm lúc tôi bị sốc. Nhiều khi đề xuất với họ điều gì họ từ chối thẳng thừng như dội gáo nước lạnh, dù quan hệ giữa mình với họ cũng khá thân thiết. Họ có thể nói rất đơn giản một câu: “Tôi không thể làm việc này nếu không được trả tiền”, “Tôi thực sự không có thời gian”.

Đây là những câu tôi chưa từng được nghe trong đời từ những người Việt khác. Nhưng nghĩ lại tôi thấy thế có khi cũng tốt, vì mình nghĩ thế nào cứ cho người ta biết như thế thì hơn, còn hơn là nhận cố xong rồi lại càm ràm, oán thán.

Giữa xấu - tốt nhiều khi là quan điểm, chị có tin những quan điểm của chị là đúng? Chị có ngại những tranh luận, thậm chí chỉ trích với cuốn sách này? Mong muốn đặc biệt của chị khi dày công viết cuốn sách này là gì?

- Tôi cũng viết ở lời nói đầu rằng mỗi một phạm trù trong đời sống đều có tính hai mặt, nửa tốt nửa xấu. Nên hai cuốn sách này tôi phân tích kỹ mặt tốt mặt xấu như hai mặt của một đồng xu thôi. Ví dụ người Việt có tính tốt là dễ thích nghi, khá linh hoạt (chứ người Nhật và người phương Tây nguyên tắc lắm, nhiều khi đến mức cứng nhắc mà người không quen còn thấy khá bực mình), nhưng cũng vì linh hoạt quá mà chúng ta hay nghĩ ra đủ mọi phương thức để công việc được trôi nhanh nhất, bao gồm cả các hành vi tiêu cực, láu cá nữa.

Hay người Việt cũng khá sĩ diện, nhưng bên cạnh đó chúng ta lại rất hào phóng, có thể được xếp vào một trong những dân tộc hào phóng nhất thế giới thì cũng không ngoa. Giữa hào phóng hay sĩ diện, lãng phí là ranh giới khá mỏng manh, lắm khi bản thân mình còn chẳng phân biệt được. Nên tôi chỉ đưa ra những phân tích, gợi ý, tìm hiểu lịch sử của vấn đề để độc giả cùng suy ngẫm, để chúng ta cùng nhau đưa lên bàn trà phân tích tiếp.

Tuy nhiên, tôi thực bụng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất, bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được tôi nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt.

Nhà văn Di Li – nữ tác giả đầu tiên viết về  “tật xấu người Việt” - ảnh 2

Cũng lâu lâu rồi Di Li mới ra sách mới, là bởi chị bận rộn hay bởi lý do nào khác? Trong cuộc sống hàng ngày, chị ưu tiên công việc nào hơn giữa viết lách và giảng dạy?

- Đâu phải, là năm nào tôi cũng ra một cuốn sách đấy. Nhưng tôi sau này lười xuất hiện, lười trong khâu quảng bá nên nhiều người không biết. Thậm chí cuốn “Cô đơn trên Everest” tái bản tròn 1 năm rồi mà tôi còn lười chưa post lên Facebook, đến nỗi có độc giả thấy bìa khác mới nhắn tin mách tôi rằng đó là… sách lậu.

Tôi không chỉ có viết lách và giảng dạy đâu mà còn viết kịch bản cho các sự kiện âm nhạc, làm diễn giả, MC, dịch thuật các thứ nữa nên cái nào người ta “đòi nợ” riết hơn thì tôi trả nhanh hơn thôi. Lúc nào tôi cũng mang tâm lý bị “nợ nần” và “thúc nợ” cả.

Chị là một phụ nữ năng động, có thể “ba đầu sáu tay” làm rất nhiều việc như vậy, nhưng, phụ nữ năng động lại thường là phụ nữ vất vả, chị có thấy vậy không? Với chị thì sao?

- Tôi không thấy mình vất vả vì tạng của tôi làm việc nhiều quen rồi, ngồi yên không làm gì nó u uất trong người. Tính tôi cầu toàn nữa, việc gì cũng không muốn giao phó cho người khác vì không yên tâm. Chỉ có một lần duy nhất trong đời tôi cảm thấy khá bất lực, đấy là có lần tai nạn nhẹ thôi nhưng cũng sưng hết hai đầu gối không đi lại được.

Bữa đó lại giáp Tết, bao nhiêu là việc nhà. Không có ai giúp nên ngồi nhìn một đống ngổn ngang mà bực đến ứa nước mắt. Người thì vẫn khỏe mạnh, lại tham công tiếc việc, lúc nào cũng luôn chân luôn tay, chỉ vì chân không đi được mà phải bó một chỗ, thấy khó chịu lắm. Nên tôi chỉ ước gì mình luôn khỏe mạnh để còn được làm hết các việc. Và khi thức dậy, bắt đầu một ngày mới thì ý nghĩ đầu tiên luôn là “Vậy là mình lại có một ngày dài” để làm việc.

Sau “Tật xấu của người Việt”, chị đã có kế hoạch cho các cuốn sách tiếp theo của mình chưa? Chị có thể tiết lộ một chút không?

- Năm sau tôi sẽ cho ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám “Hầm tuyết”, nợ hợp đồng lâu quá rồi nên tôi phải thanh lý thôi. Độc giả trinh thám cũng giục giã tôi nhiều lần khiến tôi phát ngại với họ.

“Tật xấu người Việt” bao gồm 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng”

Triển lãm ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng”

(PNTĐ) - Sáng 17/3, tại quân cảng Cam Ranh, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Cục Chính trị Hải quân, CLB phóng viên ảnh Hà Nội, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng” và “Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng – 70 năm hành trình giữ biển”.
Ra đời Bảo tàng kính màu đầu tiên tại Việt Nam

Ra đời Bảo tàng kính màu đầu tiên tại Việt Nam

(PNTĐ) - Bảo tàng Nghệ thuật kính màu được thành lập theo Quyết định số 5058/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Đây là bảo tàng về chủ đề thủy tinh và kính màu đầu tiên ở Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một không gian nghệ thuật độc đáo với nhiều tác phẩm kính màu từ khắp nơi trên thế giới.
Dấu ấn thành công và lan tỏa tinh thần thể thao

Dấu ấn thành công và lan tỏa tinh thần thể thao

(PNTĐ) - Sau hai ngày tranh tài sôi nổi, kịch tính (15-16/3/2025), Giải "Pickleball Báo Kinh tế & Đô thị lần thứ I - 2025" đã chính thức khép lại, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng vận động viên, người hâm mộ và giới chuyên môn. Lễ bế mạc và trao giải diễn ra trang trọng vào chiều ngày 16/3, đánh dấu sự thành công của một giải đấu thể thao phong trào mang tầm vóc và ý nghĩa lớn.