Nhà văn Sơn Tùng đã đi vào “cõi Bác”...

Chia sẻ

Trong số những nhà văn viết về Bác Hồ, có lẽ Anh hùng Lao động - nhà văn Sơn Tùng là một trong những người tạo được dấu ấn sâu đậm hơn cả. Cho đến nay, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông vẫn là "Búp sen xanh". Ra mắt lần đầu năm 1982, đến nay tác phẩm đã được tái bản 30 lần. Ngày 22/7/2021, nhà văn Sơn Tùng đã đi vào “cõi Bác”...

Nhà văn Sơn Tùng họ Bùi, sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An) trong một gia đình nhà nho. Năm 1944, khi 16 tuổi, Sơn Tùng đã tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào thanh niên ở Tỉnh đoàn Nghệ An.

Sau khi Hà Nội giải phóng, ông vào học tại trường đại học Nhân dân và sau đó trở thành giáo viên của trường, rồi cán bộ tuyên truyền của Đảng. Sơn Tùng cũng là một trong những thanh niên ưu tú được dự Festival Quốc tế tại Ba Lan năm 1955.

Năm 1962, ông là phóng viên của báo Tiền Phong, rồi trở thành phóng viên chiến trường, tác nghiệp tại vùng chiến sự ác liệt Quân khu 4 (từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Vĩnh Linh). Tới năm 1968, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam bộ thành lập và phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng.

Năm 1971, nhà văn Sơn Tùng bị thương rất nặng trong chiến đấu, ông bị chấn thương sọ não, vỡ xương vai, nửa người bên phải hầu như bị liệt không đi lại được, tay phải co quắp, tay trái chỉ còn 2 ngón, thị lực còn 1/10.

Sau chiến tranh, ông là thương binh nặng 1/4 mất 81% sức khỏe, nhưng vẫn tiếp tục đam mê với nghiệp viết. Ông nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết về những lãnh tụ cách mạng, các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Từ năm 1974 tới nay, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hơn 30 tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện, trong đó hơn nửa là sách viết về Bác Hồ. Ông còn là nhà thơ với những bài thơ sống mãi như “Gửi em chiếc nón bài thơ” (1955), sau ngày đất nước thống nhất đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.

Ngày 17/07/2011 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm nhà văn Sơn TùngNgày 17/07/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm nhà văn Sơn Tùng (Ảnh: Tư liệu)

Tác phẩm "Búp sen xanh" là kết tinh của lòng yêu kính vô bờ với vị lãnh tụ của dân tộc và quá trình bền bỉ đi tìm tư liệu, nghiên cứu tài liệu không mệt mỏi của nhà văn Sơn Tùng suốt mấy chục năm. Từ năm 1948, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp bà Thanh và ông Khiêm, là anh chị ruột của Bác, được cung cấp những tài liệu quý báu về cuộc đời, gia đình của Bác.

Sau 1975, nhà văn Sơn Tùng mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng được sự trợ giúp của vợ (bà Phan Hồng Mai) đã tiếp tục đi khắp các miền đất nước lần theo dấu mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Hồ Chủ tịch từng đi qua. Ông cũng tìm đến những nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi, gặp những người từng quen biết chàng trai Nguyễn Tất Thành như người thủy thủ từng biết Nguyễn Tất Thành từ năm 1913, gặp bà Lê Thị Huệ, sưu tầm nghiên cứu các tư liệu quốc tế, các chồng công văn mật của mật thám Pháp, các sách báo viết về Bác...

Bên cạnh “Búp sen xanh” nổi tiếng, Sơn Tùng còn có “Búp sen vàng” viết về Bác cũng gây tiếng vang, kịch bản phim “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” của Sơn Tùng được dựng phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn", bộ phim nhựa công chiếu năm 1990 được đông đảo khán giả yêu mến.

Điều đáng nể phục ở ông là tinh thần chiến đấu với thương tật vừa tròn 50 năm. 3 mảnh đạn còn ghim trong đầu thường dội lên những cơn đau kinh hoàng. Sơn Tùng hạn chế dùng thuốc tân dược, mà tự mình luyện tập hàng ngày, mỗi đêm ông chỉ ngủ vài ba tiếng, cứ 3 giờ sáng là ông dậy, tập thiền, rồi cột bút vào những ngón tay co quắp mà tập viết.

Nhiều năm sau khi bị thương, Sơn Tùng chưa cầm được bút, ông thường đọc cho vợ đánh máy bản thảo, rồi bà Hồng Mai lại đưa bản thảo các bài báo, các cuốn sách của ông đến các các báo, các nhà xuất bản để in… Sơn Tùng đã viết trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, mỗi lần có tiếng sấm chuyển mưa, ông lại bị động kinh, lên cơn co giật vật vã, nhưng mấy chục cuốn sách viết về Bác Hồ, về các danh nhân, về biết bao con người bình dị những anh hùng đã xả thân hy sinh cho đất nước… lần lượt ra mắt bạn đọc.

Điều mà những người yêu quý nhà văn, hay lui tới thăm ông, ngưỡng mộ ông, chứng kiến nhà văn Sơn Tùng cùng vợ phải sống chật hẹp trong căn phòng nhỏ hơn 10m2 không có WC trên tầng 2 khu tập thể cũ kỹ ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội, chính trong điều kiện chật hẹp như vậy mà suốt nửa thế kỷ ông vẫn chiến đấu với thương tật nặng, để cống hiến cho đời những trang văn đẹp, những nhân vật điển hình cao quý.

Hơn 10 năm trở lại đây, nhà văn Sơn Tùng bị đột quỵ, phải nằm một chỗ. Vợ con đã hết lòng chăm sóc, bạn bè “chiếu Văn” vẫn thường xuyên qua thăm ông. Năm 2016, gần 3 thập kỷ sau khi nhà văn Sơn Tùng chắp bút, tác phẩm "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh" vẫn được ra mắt bạn đọc, do con trai nhà văn tập hợp từ những trang viết tay của ông.

Nhà văn Sơn Tùng hạnh phúc bên người vợ hiền – bà Phan Thị Hồng MaiNhà văn Sơn Tùng hạnh phúc bên người vợ hiền – bà Phan Thị Hồng Mai (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 22/7/2011, với những cống hiến to lớn như vậy, nhà văn Sơn Tùng được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao. Ông trở thành nhà văn Việt Nam thứ hai (sau nhà văn-liệt sĩ Chu Cẩm Phong) được phong danh hiệu Anh hùng.

Và đêm khuya, cũng nhằm ngày 22/7 (năm 2021), chúng tôi nghẹn ngào nhận được tin nhà văn Sơn Tùng đã đi vào “cõi Bác” vào lúc 23h đêm, hưởng thọ 94 tuổi. Tuy nhà văn đã dừng bút, nhưng chắc chắn rằng những tác phẩm ông đã sáng tạo như một sứ mệnh thiêng liêng vì nước vì dân, sẽ còn sống mãi trong lòng các thế hệ mai sau. Tang lễ của nhà văn - Anh hùng Lao động Sơn Tùng được tổ chức giản dị tại Nhà tang lễ Quốc gia vào thứ 2, ngày 26/7 (tức ngày 17/6 năm Tân Sửu), an táng tại quê hương Diễn Kim - Xứ Nghệ của nhà văn.

TRẦN THU HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

(PNTĐ) - Tiếp nối hành công của những mùa giải trước, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng với Liên đoàn Vật Việt Nam, UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục tổ chức Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng lần thứ III năm 2024. Thời gian tổ chức giải từ ngày 2 - 6/5/2024.
Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.