Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi có những đóng góp to lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam
(PNTĐ) - Chiều 12/12/2024, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024).
Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo hội thảo. Cùng dự có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng; đại diện gia đình nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi; đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận phê bình và văn nghệ sĩ.
Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003), nguyên quán Hà Nội. Cũng như bao thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi đã sớm dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ông đã nghiên cứu, viết sách về các trường phái triết học phương Tây và bí mật tìm đọc, nghiên cứu triết học Mác, tham gia hoạt động Việt Minh từ năm mười bảy tuổi. Với lòng yêu nước thiết tha và lý tưởng sống cao đẹp, Nguyễn Đình Thi tích cực tham gia Hội Văn hoá cứu quốc từ năm 1943, trực tiếp phụ trách báo Độc lập.
Ông được cử tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tháng 7 năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II và khóa III. Ông từng là Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, thông tuệ, đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Trong văn học, ông là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật. Các tác phẩm văn xuôi như “Xung kích”, “Thu Đông năm nay”, “Bên bờ sông Lô”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ.
Trong lĩnh vực âm nhạc, dù chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: “Căm hờn”, “Diệt phát xít”, “Du kích quân” (1945), “Người Hà Nội” (1947), “Con voi” (1948), “Đất nước yêu thương” (1977) nhưng Nguyễn Đình Thi đã để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét với tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Hai bài hát ông sáng tác ở lứa tuổi đôi mươi (“Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”) đủ để chúng ta tôn vinh ông là một nhạc sỹ lớn, cùng Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… mở đường, dẫn lối cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Hành trình tiếp nhận và lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi còn vượt ra ngoài biên giới, để lại dấu ấn trong lòng người yêu mến văn nghệ ở nước ngoài, nhất là người Việt xa quê. Một số vở kịch của ông như "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" hay "Rừng trúc" không chỉ được trình diễn trong nước mà còn được giới thiệu tại các liên hoan sân khấu quốc tế.
Với những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa nước nhà, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về văn học, nghệ thuật...
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: "Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Ông có những đóng góp to lớn, mang tính kế thừa tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân tộc, đồng thời khai phá, cách tân theo hướng khoa học, hiện đại. Ông là nhà văn dũng cảm, luôn có mặt ở nơi mũi nhọn của cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của dân tộc. Những sáng tác của ông góp phần giúp các thế hệ văn nghệ sĩ đi theo con đường nghệ thuật cách mạng. Từ đó hình thành một đội ngũ “nghệ sĩ - chiến sĩ” ngày càng đông đảo, vừa cầm súng, vừa cầm bút chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng".
Dịp này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo. Các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tôn vinh, lưu giữ và quảng bá những tác phẩm của ông đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để họ đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật của nước nhà, đồng hành với Đảng, Nhà nước và nhân dân bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, hội thảo là dịp để cùng nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi. Ông đã có những đóng góp to lớn, đặc sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên các lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, lý luận phê bình, triết học, ngoại giao văn hóa. Ông cũng nổi trội, xuất sắc trong vai trò nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ bằng tư duy sắc bén, vốn kiến thức sâu rộng và phương pháp nhuần nhuyễn, lịch lãm, thuyết phục. Những vị trí công tác mà Nguyễn Đình Thi từng trải qua không chỉ thể hiện uy tín mà còn cho thấy vai trò quan trọng của ông trong việc định hướng và xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên phương diện hội nhập quốc tế, Nguyễn Đình Thi là người có công lao to lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, giúp giới trí thức, văn nghệ sĩ quốc tế hiểu đúng hơn về đất nước, con người, từ đó, có thái độ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.
Tại Hội thảo, 12 tham luận đã được trình bày trực tiếp trong hai phiên làm việc. Các tham luận trong hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Trao đổi, thảo luận, đánh giá về đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam; phân tích, làm rõ những yếu tố tạo nên giá trị to lớn, sức sống trường tồn của các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Đình Thi; lý giải về giá trị kịch bản sân khấu của Nguyễn Đình Thi trong mối quan hệ với hiện thực đời sống và những thông điệp nhân sinh sâu sắc; đánh giá, làm sâu sắc những đóng góp của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh vực lý luận, phê bình và công tác quản lý văn hóa, văn nghệ; trao đổi, thảo luận về hành trình tiếp nhận, lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi ở trong và nước ngoài; đánh giá về thành công, vai trò, vị trí của các tác phẩm văn xuôi, thơ của Nguyễn Đình Thi trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại; lý giải về sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ lớn lao mà Nguyễn Đình Thi để lại cho hôm nay và mai sau, trong tiến trình tiếp tục đổi mới, phát triển, hội nhập của văn học, nghệ thuật nước nhà.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội trân trọng với những đóng góp to lớn của các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi và những đóng góp xuất sắc của ông đối với đất nước, đối với Hà Nội. Hà Nội tự hào là nơi tập trung nhân tài, tinh hoa trí tuệ của cả nước, là cái nôi ươm mầm và nuôi dưỡng tâm hồn cho lớp lớp thế hệ các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Mảnh đất này cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho lớp lớp các thế hệ văn nghệ sĩ, để từ đây, nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao được ra đời và làm nên di sản văn hóa phong phú, đồ sộ cho nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô, góp phần quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, tình cảm, hình thành nhân cách, phẩm chất người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, Thăng Long Hà Nội tự hào là nơi tập trung nhân tài trí tuệ tinh hoa của cả nước, nơi ươm mầm nuôi dưỡng tâm hồn cho các thế hệ văn nghệ sĩ trong suốt chiều dài lịch sử. Mảnh đất này cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các lớp văn nghệ sĩ, để từ đây có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật cao được ra đời và làm nên di sản văn hóa phong phú, đồ sộ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, cũng như của Thủ đô, góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm, hình thành nhân cách, phẩm chất người Hà Nội hào hoa và thanh lịch. Tình yêu của Nguyễn Đình Thi dành cho Hà Nội là tình yêu tha thiết, say mê mãnh liệt. Hà Nội luôn trong trái tim ông và hiện hữu trong mỗi ý thơ, ca từ, âm hưởng vang lên trong từng ca khúc. Với ông, nét thanh lịch, hào hoa của một chàng trai Hà thành luôn thẫm đẫm trong từng lời thơ, ý nhạc...
Hà Nội luôn trân trọng những đóng góp quan trọng, to lớn của các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi và những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước, với Thủ đô. Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi, tiếp tục khẳng định sự ghi nhận cũng như tôn vinh những đóng góp to lớn, những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi để lại trong mỗi tác phẩm thật sự quý giá đối với thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thành ủy Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội xác định nguồn lực nhân văn là một trong năm trụ cột của việc phát triển Hà Nội cho hiện tại và tương lai. Điều đó thể hiện văn hóa và phát triển con người luôn là vị trí trung tâm, quan trọng trong sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Phong bày tỏ mong muốn thời gian tới, Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội để phối hợp với các cơ quan trung ương, các nhà văn hóa, nhà khoa học, nghiên cứu để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, khẳng định các giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc và những vấn đề đặt ra cho sự phát triển văn hóa của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.