Nhiều địa phương liên kết du lịch để mở cửa an toàn

Chia sẻ

Triển khai kế hoạch phục hồi du lịch nội địa, nhiều địa phương đã chủ động kết nối với các tỉnh, thành lân cận xây dựng tour, tuyến đưa du khách đến các “vùng xanh an toàn”. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại Hà Nội và một số tỉnh bắt đầu chào bán các voucher du lịch với mức giá hấp dẫn để kích cầu du lịch

Pù Luông – một trong hai điểm đến dự kiến đón khách ngoại tỉnh ở Thanh Hoá Ảnh: PVPù Luông – một trong hai điểm đến dự kiến đón khách ngoại tỉnh ở Thanh Hoá Ảnh: PV

“Phá băng” bằng dịch vụ tiện ích, mức giá hấp dẫn

Khoảng 1 tuần trở lại đây, các đại lý du lịch tại Hà Nội chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển, phòng lưu trú đã hoạt động trở lại sau khi nhiều khu nghỉ dưỡng (resort), khách sạn, điểm du lịch tại nhiều tỉnh thành được phép đón khách tham quan. Anh Triệu Quang Huy - phụ trách công ty du lịch Duy Quang cho biết: nhiều khách sạn, resort 4-5 sao ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, khu vực ngoại thành Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… đã gửi thông tin, voucher (phiếu giảm giá) đến các đại lý với chính sách kích cầu du lịch rất hấp dẫn dành cho khách nội địa, khách nội tỉnh. Đơn cử như resort Glory - một khu nghỉ dưỡng cao cấp và tiện nghi nằm ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mở cửa đón khách từ ngày 8/10, có giá phòng là 650.000 đồng/người/đêm (giảm mạnh so với mức giá 1,5 triệu đồng/người/đêm trước đợt dịch lần thứ 4) kèm ăn sáng và nhiều dịch vụ cao cấp như cano, bể bơi 4 mùa. Mức giá mà các đại lý khẳng định là “rẻ chưa từng có” cũng đang được áp dụng tại một số điểm nghỉ dưỡng ở Hòa Bình như Mai Châu Ecolodge, Ba Khan, Serena, Mai Châu Highway...

Trước đợt dịch lần thứ 4, vào những ngày thường, giá phòng ở đây luôn có giá từ 1,2 - 2,5 triệu đồng/người. Tuy nhiên ở thời điểm này, giá chào bán chỉ từ 400.000 - 650.000 đồng/người/đêm. Ở khu vực Nam Trung Bộ và Phú Quốc, các thương hiệu lớn như Nam Nghi, Naman, An Lam Retreats… đang chào bán các combo gồm phòng lưu trú, vé máy bay có mức giá từ 2-3 triệu đồng/người/phòng/đêm cùng nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí như bể bơi, câu cá, hoạt động vui chơi ngoài trời… Mức giá này đã giảm hơn 50% so với trước đây và hạn sử dụng đều kéo dài đến giữa hoặc cuối năm 2022.

Tuy nhiên, khác với tất cả các đợt kích cầu du lịch trước đây, anh Huy cho biết, các voucher trên không bán “xô” mà đều đặt yêu cầu an toàn lên trên hết.

Với chính sách hấp dẫn về giá và dịch vụ, tại nhiều tỉnh, thành phố du lịch, vào những ngày cuối tuần, người dân đã bắt đầu “xê dịch”. Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, từ đầu tháng 9 đến nay, lượng khách tới Sa Pa đạt từ 2.000 - 3.000 lượt, tăng gần 60% so với thời gian trước đó.

Tại Quảng Ninh, du khách đến các khu nghỉ dưỡng tại Yên Tử và Tuần Châu vào cuối tuần đã tăng. Để tăng thêm nguồn khách nội tỉnh, tỉnh Quảng Ninh dự kiến phát động và kêu gọi “người Quảng Ninh đi du lịch Quảng Ninh,” tập trung vào các tập đoàn kinh tế, các khu công nghiệp tổ chức các đợt đi nghỉ dưỡng cho công nhân.

Liên kết để xây dựng “tour du lịch xanh”

Để vừa thu hút khách du lịch vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, ở đợt kích cầu lần thứ 4 này, các địa phương sẽ kết nối với các tỉnh thành lân cận đã kiểm soát dịch bệnh để xây dựng “bong bóng du lịch” khép kín. Điển hình là sự kết nối của hai tỉnh Hải Phòng-Quảng Ninh để trao đổi khách du lịch phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giữa 2 bên. Tận dụng lợi thế du lịch biển để thông tuyến cho tàu du lịch từ vịnh Hạ Long sang các vịnh ở Cát Bà… nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau thời gian giãn cách.

Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết: Một số tỉnh, thành lân cận như Bắc Giang, Thanh Hoá, Hà Giang đã sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị lữ hành Hà Nội khi đưa khách đến các điểm du lịch ở các tỉnh trên, thời gian dự kiến từ tháng 11 - thời điểm bắt đầu mùa du lịch thu đông, cảnh sắc thiên nhiên ở đây rất đẹp. Ngày 8/10, Hội Lữ hành Hà Nội đã tổ chức toạ đàm trực tuyến với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch các tỉnh thành để làm rõ hơn khái niệm về các “vùng xanh” an toàn, các tiêu chí và điều kiện đón khách. Dự kiến, cuối tháng 10 các đơn vị lữ hành tổ chức tour thí điểm đến Hà Giang, sau đó, sẽ có những kiến nghị cụ thể về phương thức tổ chức sát với điều kiện thực tế.

Tỉnh Thanh Hoá cũng bắt đầu khởi động lại các hoạt động du lịch và chuẩn bị đón khách ngoại tỉnh tới khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn và khu vực Pù Luông, huyện Bá Thước. Chủ trương này của tỉnh đã được nhiều đơn vị lữ hành tại Hà Nội ủng hộ. Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: Pù Luông là điểm du lịch mới của tỉnh, đang được nhiều du khách quan tâm trải nghiệm. Tháng 10 là thời điểm đẹp nhất ở đây nên tỉnh cần nắm bắt cơ hội kết nối với thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trước vì trong giai đoạn hiện nay, du khách sẽ ưu tiên các điểm đến gần.

Từ mô hình hợp tác liên kết giữa tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra giải pháp cho các địa phương phối hợp với các tỉnh lân cận khơi thông dòng khách liên tỉnh, tạo vùng an toàn, lộ trình an toàn sao cho khách di chuyển thuận lợi suốt hành trình. Nếu tỉnh này mở nhưng tỉnh kia đóng thì không thể triển khai được. Phương châm phục hồi du lịch trong giai đoạn này là “an toàn đến đâu mở đến đó” và “mở cửa phải an toàn”. Tới đây Tổng cục Du lịch sẽ hướng dẫn các địa phương về tiêu chí đón khách an toàn, phù hợp với tình hình mới.

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục