Nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

M.THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 13/10, tại quận Long Biên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội, Hội Người cao tuổi Hà Nội cùng các đơn vị đồng hành tổ chức tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Khuất Văn Quý; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương ; Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Đào Đức Việt; Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương đến dự Tọa đàm.

Nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - ảnh 1
Các đại biểu dự Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khẳng định, gia đình là nơi hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu chắt, liên kết với nhau bằng tình cảm và huyết thống. Đó là tổ ấm vật chất và tinh thần thân thiết, máu thịt thiêng liêng cao cả. Nơi ấy mọi thành viên đều tìm thấy sự bình yên, tình yêu thương, niềm hạnh phúc, lòng kính trọng. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, ngày 29/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - ảnh 2
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm

Năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bước đầu, TP Hà Nội chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để triển khai thực hiện. Năm 2021, TP Hà Nội chọn thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo.

Qua thời gian thí điểm và nhân rộng từ năm 2022, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, ngành triển khai thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị. Kết quả, năm 2022, tổng số hộ gia đình toàn TP là 2.090.892, trong đó có 88% đạt danh hiệu gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019); Có 63% làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019); 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019). Theo đánh giá của bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, qua 4 năm thí điểm, các đơn vị, địa phương quận, huyện, thị trấn và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo.

Nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - ảnh 3
Đại biểu tham luận tại Tọa đàm

Tại hội nghị, nhiều tham luận đã được nêu lên xung quanh các vấn đề trong triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Với tham luận Một số biện pháp giáo dục thiếu nhi tìm hiểu và thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, cô giáo Ngô Minh Hường, Tổng phụ trách Đội - Liên đội trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình cho thấy việc giáo dục ứng xử, lối sống cần phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, đặc biệt từ lứa tuổi thiếu nhi. Bản thân cô Ngô Minh Hường đã áp dụng một số biện pháp hiệu quả như lồng ghép tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình vào chương trình giảng dạy. Trong các giờ sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần theo chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, các thiếu nhi đều được giáo dục lối sống yêu thương, trách nhiệm.

Nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - ảnh 4
Qua 4 năm thí điểm, các đơn vị, địa phương quận, huyện, thị trấn và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo

Đánh giá cao vai trò gương mẫu của người cao tuổi trong gia đình, ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên, cho biết, sự yêu thương, đoàn kết trong đình là vô cùng cùng cần thiết. Gia đình ông với 12 người, 3 thế hệ, trong đó có 8 người trong một mái nhà tại phường Bồ Đề chung sống hạnh phúc nhiều năm qua nhờ phương châm người lớn phải gương mẫu. Theo ông, bắt đầu là những câu chuyện nhỏ hoạt động tập trung dịp lễ, Tết, kỷ niệm, sinh nhật... chúng tôi đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia.

Đề cao vai trò của thanh niên, anh Hoàng Văn Sướng, Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn Cầu Giấy cho biết,các cấp bộ Đoàn quận Cầu Giấy hướng đến vận động gia đình trẻ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố; Xây dựng các mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tại các khu dân cư, duy trì hiệu quả các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, thực hiện các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”...

Nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - ảnh 5
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm

Kết luận tọa đàm, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định vai trò gia đình là tế bào của xã hội. Với vị thế là trung tâm của cả nước, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp của TP Hà Nội luôn coi trọng công tác gia đình. Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Dù là siêu đô thị nhưng Thành phố vẫn giữ được mô hình gia đình truyền thống. Trong đó phải nói đến vai trò quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ Thành phố đã xây dựng phong trào gia đình văn minh hạnh phúc. Tại những gia đình trẻ, gia đình hạt nhân, vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc rất rõ nét. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị khác như Đoàn Thanh niên, Hội người cao tuổi cũng thấy rõ vai trò, vị trí của mình trong thực hiện phong trào và vào cuộc tích cực.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện tiếp tục phát huy thành quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn đại, đổi mới tuyên truyền. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng gia đình văn hóa. Chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Qua đó góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội tặng 2 tỷ đồng cho đội tuyển bóng đá nam Việt Nam

Hà Nội tặng 2 tỷ đồng cho đội tuyển bóng đá nam Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 5/1, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã chính thức giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 sau khi chiến thắng đội tuyển Thái Lan với tỉ số 3-2 trong trận chung kết lượt về trên sân vận động Rajamangala (Bangkok). Để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần các cầu thủ và ban huấn luyện, thành phố Hà Nội đã quyết định dành 2 tỷ đồng tặng đội tuyển bóng đá nam Việt Nam.