Nhiều nét mới tại lễ khai ấn Đền Trần Nam Định
(PNTĐ) - Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người chung hưởng lộc ấn, tích phúc vô cương. Lễ khai ấn tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).
Lễ hội khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ năm 2025 được tổ chức từ ngày 8 đến 13/2 (tức ngày 11 tới 16 tháng Giêng), các hoạt động chính gồm: Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước và tế cá, nghi thức dâng hương, nghi lễ khai ấn...
Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người chung hưởng lộc ấn, tích phúc vô cương. Lễ khai ấn tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần - “Tích phúc vô cương”, mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.
![Nhiều nét mới tại lễ khai ấn Đền Trần Nam Định - ảnh 1](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/thuht/2025_02_11/23-khai-an_eehx.jpg)
Theo thông tin từ Ban tổ chức, từ 5 giờ sáng 12/2 (15 tháng Giêng), Ban tổ chức sẽ phát ấn lộc cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa thuộc khu di tích. Nét mới của lễ hội năm nay được mở rộng về quy mô và thời gian tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước, tế cá, lễ khai ấn, triển lãm sinh vật cảnh, triển lãm "Thành Nam - Những mốc son lịch sử", trưng bày tư liệu hình ảnh về dòng chảy lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người Thành Nam xưa - Thành phố Nam Định nay. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ livestream nghi lễ khai ấn phát trên màn hình lớn để người dân không vào được khu vực làm lễ có thể theo dõi.
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, an toàn cho người dân và du khách trong thời gian diễn ra lễ hội, UBND thành phố Nam Định và Ban tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần đã thành lập các tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… trước, trong và sau lễ hội.
Công an tỉnh Nam Định sẽ bố trí 2.500 nhân viên an ninh tại 5 vòng bảo vệ trong và ngoài Đền Trần, tập trung vào các nhiệm vụ giữa an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống tội phạm…
Trong đó, tại vòng 1, vòng 2, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực trong khuôn viên Đền Trần, đặc biệt là khu vực sân đền Thiên Trường-nơi diễn ra nghi lễ Khai ấn.
Tại vòng 3, lực lượng an ninh có nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại khu vực cổng Đền Trần, trong đó bảo vệ hàng rào barie trước cổng và toàn bộ tường bao xung quanh Đền, chống người vượt barie, tường bao vào Đền; kiểm soát phù hiệu, giấy mời đại biểu vào trong Đền.
Tại vòng 4, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ giữ trật tự trên tuyến đường Trần Thừa (đường lớn, kéo dài, chạy qua cổng vào Đền Trần) và bảo vệ tuyến đường An ninh (PCCC, cứu thương và phục vụ công tác tổ chức).
Vòng 5-vòng ngoài cùng, lực lượng an ninh có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên các tuyến đường dẫn về khu vực Đền Trần, trong đó có Quốc lộ 10, đoạn qua khu vực Đền Trần-Chùa Tháp.
Di tích lịch sử, văn hóa đền Trần Nam Định luôn là điểm đến quan thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn đến với bạn bè, du khách.