Những bí mật khó tin của NSƯT Tân Nhàn

Nam Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tất cả khán giả yêu mến NSƯT - Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn đều bất ngờ khi biết cô đã trải qua 2 năm bị mất đến 80% giọng hát, thậm chí nhiều khi còn tưởng không thể hồi phục lại được. Nhưng, bằng tình yêu mãnh liệt với âm nhạc, với sự nghiệp được đào tạo, Tân Nhàn đã nỗ lực rèn luyện và hồi phục trở lại. Năm mới 2024, Tân Nhàn đánh dấu sự hồi sinh trong giọng hát của chính mình bằng một album có tên “Người Hà Tĩnh có thương”.

Những bí mật khó tin của NSƯT Tân Nhàn - ảnh 1
NSƯT Tân Nhàn

Đời sống gia đình có cuộc trò chuyện cùng Tân Nhàn nhân dịp này.

Đối với một ca sĩ, việc mất giọng hát có thể xem như mất đi sự nghiệp, buộc phải chôn vùi đam mê của mình, có nhiều trường hợp nghệ sĩ trên thế giới họ đã không chịu được điều đó. Tân Nhàn đối diện với hoàn cảnh của mình ra sao? 

- Cách đây 2 năm, trong thời gian tôi mang thai con trai, sức khoẻ của tôi không tốt, đã vậy tôi lại bị Covid-19, bị ngạt giọng, ngạt mũi nhiều khi gần như không thở được. Tôi nghĩ và người thân cũng động viên tôi việc đó sẽ qua nhanh khi tôi khoẻ mạnh và sinh nở xong xuôi. Nhưng, sau khi sinh, tôi đã bồi dưỡng rất tốt để mình sớm khoẻ mạnh, giọng hát vẫn không trở lại với tôi. Sau này, tôi tiếp tục mắc Covid-19 và mọi thứ trở nên trầm trọng hơn. Nhiều khi tôi đã cảm thấy rất bất lực, lo sợ, thậm chí là tuyệt vọng.

Tôi từng nghĩ đến việc sẽ sớm nghỉ hát và tập trung vào công việc giảng dạy, mở trung tâm đào tạo nghệ thuật khi mình thực sự không thể hát được. Tôi cũng đã nhiều lần cố gắng vượt qua nghịch cảnh, ví như dũng cảm thực hiện chương trình “Con đường âm nhạc” tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của mình do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện vào tháng 3/2023, lúc đó cũng là thời điểm tôi rất khó khăn đối diện với việc mất giọng. Nhưng, nhờ sự động viên của ekip, của bạn bè, người thân, tôi vẫn có thể hoàn thành đêm diễn. Khán giả, đồng nghiệp khen tôi nhưng tôi lại không hài lòng, tôi thấy mình không làm tốt. Thời điểm đó giọng của tôi cũng có đỡ hơn một chút.

Tôi đã trải qua hai năm sóng gió khi đối diện với cơn ác mộng ấy. Ác mộng còn có thể tỉnh lại và quên đi nhưng đằng này tôi phải đối diện với nó là sự thực hàng ngày. Thật sự tôi đã tuyệt vọng và hoảng sợ. 

Những bí mật khó tin của NSƯT Tân Nhàn - ảnh 2
NSƯT Tân Nhàn

Vậy từ khi nào Tân Nhàn quyết tâm bằng được rằng phải trở lại?

- Một lần trong năm 2023, tôi xem tivi và vô tình nghe học trò của mình hát ca khúc “Người Hà Tĩnh có thương” trên sóng truyền hình. Nghe ca khúc, tự dưng nước mắt tôi cứ trào ra vì thấy sao lại có bài hát có giai điệu yêu thương, tình cảm và hay đến vậy. Ngay khi ấy, những rung cảm của người nghệ sĩ bỗng trỗi dậy một cách mãnh liệt, và tôi nhận ra mình yêu ca hát đến như vậy cơ mà, tại sao mình có thể buông xuôi được. Ngay sau đó tôi đã quyết tâm phải trở lại, thậm chí học luyện thanh, tập thở như một sinh viên. Lên lớp dạy sinh viên cũng là quãng thời gian tôi học theo các em.

Trải qua những điều đó, tôi mới càng thấu hiểu một điều con người ta càng khó khăn thì càng cần có niềm tin để vượt lên nghịch cảnh. Đối với tôi, niềm tin ấy chính là đức tin vào âm nhạc. Nhờ tình yêu âm nhạc mà tôi hồi sinh được giọng hát. Ở thời điểm hiện tại, tuy chưa được như ngày xưa nhưng đã là những nỗ lực lớn nhất của tôi và tôi hạnh phúc khi mình đã vượt qua được khó khăn khủng khiếp ấy.

Đó là lý do để chị chọn “Người Hà Tĩnh có thương” làm tựa đề album của mình?

 - Tôi thực sự biết ơn ca khúc “Người Hà Tĩnh có thương”, những giai điệu, lời ca của ca khúc đã khiến tôi rung cảm, thổn thức với âm nhạc và quyết định phải “hồi sinh” bằng được. Không những thế, ca khúc cũng thức dậy tình cảm của tôi đối với âm nhạc âm hưởng dân gian miền Trung - dòng âm nhạc mà tôi rất yêu thích và có nhiều ca khúc mình rất say mê.

Trước đây, tôi từng hát nhiều ca khúc âm hưởng dân gian miền Trung nhưng luôn ngại ngần việc ra sản phẩm, bởi có quá nhiều nghệ sĩ người miền Trung đã thành công ở dòng nhạc này. Thế nên, với album này, tuy hát về miền Trung với âm hưởng dân gian miền Trung nhưng tôi lại hát với tình cảm, lối hát và giọng của miền Bắc. Điều này như một lời nhắn nhủ, trải lòng của tôi đến miền Trung rằng “Người Hà Tĩnh có thương”?! Các khách mời trong album của tôi là NSND, Tiến sĩ âm nhạc Quốc Hưng, Tiến sĩ âm nhạc - Sao Mai Thu Hà và ca sĩ Lương Nguyệt Anh cũng đều là những nghệ sĩ miền Bắc, chúng tôi cùng bày tỏ một tình yêu đến với miền Trung theo cách riêng của mình. 

Những bí mật khó tin của NSƯT Tân Nhàn - ảnh 3
NSƯT Tân Nhàn

Tân Nhàn có gặp khó khăn gì trong quá trình thu âm và thực hiện album này?

- Thực sự là tôi thực hiện album vào những ngày vẫn còn rất gian nan để hồi sinh giọng hát của mình. Ngày vào phòng thu để thu âm ca khúc “Người Hà Tĩnh có thương”, tôi đã vừa hát vừa khóc vì thấy có những việc mình từng làm rất dễ dàng như luyến láy, kỹ thuật, từng thu âm rất nhanh, thì giờ đây lại khó khăn để thực hiện đến vậy. Những tổn thương thanh quản khiến nhiều khi tôi thấy bất lực.

Tuy nhiên, nhờ tình yêu âm nhạc, tôi đã vượt qua và thu âm thành công 9 ca khúc cho album, sau đó tiến hành ghi hình ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Dù giọng hát chưa được trở về hoàn toàn như xưa, nhưng tôi đã chiến thắng được chính mình. Đối với tôi, chiến thắng chính mình chính là chiến thắng vĩ đại nhất. Vì vậy, album này có thể coi là album rất đặc biệt trong sự nghiệp của tôi.

Chúc mừng Tân Nhàn đã vượt qua một chặng vô cùng khó khăn trong sự nghiệp, cuộc sống của mình. Vậy sau khi hồi phục, năm 2024 này Tân Nhàn có những dự định mới cho nghệ thuật của mình?

- Tôi đang tràn đầy hứng khởi như tôi của ngày xưa khi bắt đầu bước vào con đường ca hát. Năm 2024 này tôi đang có rất nhiều dự định mới cho sự nghiệp. Sau album “Người Hà Tĩnh có thương” được phát hành online trên các nền tảng số toàn cầu, tôi sẽ tiếp tục thực hiện một số MV với các ca khúc mới và rất, rất nhiều điều tôi muốn làm nữa cho âm nhạc.

Album DVD online “Người Hà Tĩnh có thương” của Tân Nhàn gồm 9 ca khúc: Người Hà Tĩnh có thương (nhạc Lưu Hà An - lời  Lan Dung); Lỡ hẹn với dòng Lam (nhạc Xuân Hoà - Thơ Nguyễn Xuân Tú); Tìm em câu ví sông Lam (Ngô Sỹ Ngọc); Mưa chiều miền Trung (Hồng Xương Long); Câu đợi câu chờ (Ngọc Thịnh); Ký ức dòng Lam (nhạc Tuấn Phương - lời Thái Duy Long); Xa quê (Trần Văn Cường); Về xứ nghệ yêu thương (Hải Nam); Nhớ Quê (Minh Vy).

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục