Từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam:

Những trăn trở về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 là một trong những định hướng chính sách quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Sau 80 năm, những giá trị của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức sống trong xã hội đương đại.

Những trăn trở về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới - ảnh 1
Năm 1965, tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam cùng nhau ra chiến trường biểu diễn phục vụ kháng chiến chống Mỹ, viết nên trang sử vẻ vang cho kịch nói nước nhà. Ảnh: NHKVN

Sức mạnh của văn hóa trong bảo vệ và xây dựng đất nước
Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 (Đề cương) ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, chính vì vậy, một trong những mục tiêu căn bản của việc ban hành Đề cương là dùng văn hóa để trở thành sức mạnh cho dân tộc. 
Việc ra đời của Đề cương về Văn hóa năm 1943 với ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã giúp chúng ta chuyển từ một nền văn hóa về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản sang một nền văn hóa mới, cách mạng, dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung, phát huy sức mạnh của văn hóa, hình thành nên tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, từ đó, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.

Sau khi Đề cương ra đời, Văn hóa Việt Nam đã có sức sống mới. Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức năm 1946, tại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Năm 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức để triển khai chủ nghĩa Mác với văn hóa Việt Nam. Các tổ chức, hội về văn hóa nghệ thuật ra đời như một sự cụ thể hóa hơn nữa những quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng về văn hóa. Lúc này, văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó.

Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương đã mang nội hàm và sức sống mới. Giờ đây văn hóa có vị trí rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một chủ trương mang tính đột phá để văn hóa lan tỏa sức mạnh của mình sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế. Quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một lần nữa khẳng định tinh thần của bản Đề cương “văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”, để sức sống mới của văn hóa tạo nên mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Văn hóa, ở một phương diện nào đó, chính là thói quen của con người, từ đó hình thành nên phong tục tập quán, truyền thống của một dân tộc. Vì thế, văn hóa khó có thể xem xét dưới góc độ khoa học, hay nói cách khác, người ta khó dùng khoa học để soi sáng những vấn đề của văn hóa. Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời đưa một ánh sáng mới trong việc xử lý những vấn đề của văn hóa: Đó là hướng người dân đến với mức độ phát triển của văn hóa: VĂN MINH. 

Chúng ta cần phải đặt Đề cương trong hoàn cảnh lịch sử của nó để hiểu hơn nguyên tắc khoa học hóa. Khi đất nước ta đang chìm đắm trong một thời kỳ phong kiến và thực dân, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, không phù hợp đang kéo lùi sự phát triển của lịch sử dân tộc. Nhiều tệ nạn xã hội được chỉ ra trong các tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… cho thấy, chỉ bằng cách thay đổi những hủ tục lạc hậu, không phù hợp của văn hóa thì mới giúp đất nước phát triển. Tư tưởng căn bản của đề cương là mong muốn thay đổi phong hóa của dân tộc: Từ việc thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống sẽ tạo ra nguồn lực giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Rõ ràng, từ tư tưởng khoa học hóa, kể từ khi giành được độc lập, văn hóa của đất nước nhìn chung đã hướng đến những giá trị văn minh, từng bước loại bỏ yếu tố lạc hậu trong văn hóa, góp phần hình thành một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. 

Chúng ta sẽ hiểu hơn về vấn đề này khi trong những năm tiếp theo, các cơ sở đào tạo về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa phát triển rất mạnh. Các trường văn hóa, nghệ thuật được hình thành để đào tạo ra các cán bộ hướng dẫn văn hóa cho người dân, tìm hiểu, khai thác vốn văn hóa trong nhân dân, phát triển nghệ thuật quần chúng; các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, thư viện… phát triển rộng khắp, trở thành mạng lưới ở các địa phương như một hình thức để phổ biến văn hóa, tạo điều kiện nâng cao hiểu biết về văn hóa cho người dân. Rõ ràng, nguyên tắc đại chúng hóa đã tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, định hình sự phát triển văn hóa từ năm 1943 đến tận ngày nay.

Trăn trở nâng cao vị thế và tiềm lực văn hóa nghệ thuật trên trường quốc tế    
Trong sự nghiệp lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác văn hóa, văn nghệ, trong đó nòng cốt là lực lượng văn nghệ sĩ. 

Với Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Đảng ta coi xây dựng văn hóa là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước nguy cơ văn hóa dân tộc bị đe dọa bởi chủ nghĩa đế quốc và tàn dư phong kiến, quan điểm của Đảng là phải hoàn thành được cuộc cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội; cuộc cách mạng văn hóa phải do Đảng lãnh đạo; cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công. Đảng ta kêu gọi một cuộc cách mạng về văn hóa với ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, để văn hóa soi đường cho quốc dân đi, tạo điều kiện để đất nước ta xây dựng một nền văn hóa dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung, hình thành nên sức mạnh mới cho dân tộc. 

Để làm được như vậy, nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa là “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương”. Cách vận động là lợi dụng tất cả công khai và bán công khai để tuyên truyền và xuất bản, tổ chức các nhà văn, tranh đấu quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ... và chống nạn mù chữ.

Như vậy, cùng với quan niệm văn hóa gồm ba lĩnh vực chính gồm: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, ở đó, rõ ràng đội ngũ những người làm văn hóa, nhất là cán bộ văn hóa có một vị trí quan trọng không chỉ trên lĩnh vực mặt trận tư tưởng, mà còn các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”. 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến công tác cán bộ văn hóa, như “Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”.

Từ những nguyên tắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa trong các thời kỳ phát triển đất nước cũng được triển khai phù hợp với từng hoàn cảnh. Nếu như trong thời gian kháng chiến, những lớp cán bộ, nghệ sĩ cùng lên chiến khu, lập những lớp văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ, trí thức đi ra chiến trường, sát cánh cùng bộ đội, lấy “tiếng hát át tiếng bom”, kinh nghiệm thực tiễn chiến trường làm chất liệu cho nghệ thuật, thì việc mở các chương trình đào tạo cho cán bộ văn hóa quần chúng, nghệ sĩ lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ... là sự thể hiện rõ nhất của sự cụ thể hóa các nguyên tắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam cho việc xây dựng đội ngũ những người làm văn hóa nước nhà. Việc phát triển văn hóa chắc chắn phải tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực ngành văn hóa.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến 30/6/2021 tổng số nhân lực ngành văn hóa, thể thao, du lịch (VHTTDL) trong cả nước là 899.950 người, trong đó lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 19.751 người; 7.128 trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật vẫn còn phải đối diện với một số vấn đề cần giải quyết: về chuyên môn: Một số bộ phận nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; về ngoại ngữ: Năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế; năng lực sáng tạo: Chưa thực sự theo kịp đổi mới sáng tạo với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trước tình hình đó, mục tiêu phát triển nhân lực văn hóa, nghệ thuật được đặt ra là phải xây dựng được đội ngũ nhân lực văn hóa, nghệ thuật đủ về số lượng; đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiến tiến trên thế giới. Nhân lực có đủ năng lực làm nòng cốt trong sự nghiệp phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn, có khả năng tiếp cận, làm chủ và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, sáng tạo và truyền bá tinh hoa dân tộc và thế giới. Xây dựng được một bộ phận nhân lực có năng lực, chuyên nghiệp và hiện đại để khởi xướng, dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển nhân lực và quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo, nâng cao hơn nữa vị thế và tiềm lực văn hóa nghệ thuật trên trường quốc tế.    

Muốn đạt được như vậy, chúng ta phải coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Thực hiện thường xuyên và nhất quán việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài; trọng đãi về vật chất và tinh thần phải xứng đáng với cống hiến thực tế của người lao động. Tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi và khuyến khích mọi năng lực sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.