“Nóng” vấn về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử tại phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại Phiên họp thứ 14 diễn ra chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch. Đối với lĩnh vực văn hóa, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử…

Liên tục các câu hỏi chất vấn được đưa ra với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đều liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử và biện pháp để ngăn chặn sự xuống cấp đáng lo ngại hiện nay như đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhấn mạnh rằng vấn đề đáng quan tâm nhất là làm thế nào để xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội… Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt ra câu hỏi:  "Ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này. Nhưng là người đứng đầu ngành văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm đến đâu và có kiến nghị gì để giải quyết thực trạng này?". Trả lời cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó, Bộ VHTTDL thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ chuyển hướng tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa thông qua công cụ pháp luật. Bộ cũng đã xác định chủ đề Năm công tác 2022 là "Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và công tác cán bộ"; xác định thôn văn hóa, khóm, ấp văn hóa là nơi nuôi dưỡng, hình thành nếp sống văn hóa… Từ đó sẽ góp phần làm giảm các hiện tượng xuống cấp về đạo đức xã hội, lệch chuẩn văn hóa… Đồng thời, Bộ cũng đã rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra.

 “Nóng” vấn về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử tại phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Ảnh: TTXVN

"Vì đây là lĩnh vực tác động đến nhiều ngành, nhiều cấp nên giải pháp căn cơ là Bộ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện", Bộ trưởng cho biết. Để thực hiện việc này, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ký kết nhiều đơn vị, ngành trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn hóa ví dụ như ký kết với Bộ Giao thông vận tải về xây dựng văn hóa giao thông; ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến xây dựng văn hóa học đường; với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động... "Chúng tôi muốn tạo ra sức mạnh, đề cao vấn đề các ngành, các cấp cùng xây dựng môi trường văn hóa", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Cũng với nỗi trăn trở về vấn đề đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội, câu hỏi của đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đã nói hộ những băn khoăn, lo lắng của đông đảo cử tri cả nước. Đại biểu Tráng A Dương đặt câu hỏi rằng hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến nhiều người sử dụng, tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Với nỗi lo lắng đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng VHTTDL đưa ra giải pháp chấn chỉnh, giải quyết tình trạng này.

Giải đáp cho câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội... để góp phần ngăn chặn sự xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội. Và để thực hiện tốt việc này, Bộ trưởng đề nghị người dân tôn trọng và làm theo bộ quy tắc này để tạo dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Câu chuyện cần chấn chỉnh văn hóa ứng xử trên cộng đồng mạng trong thời đại 4.0 cũng được các đại biểu lấy ví dụ từ giới giải trí. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ về viêc hiện nay sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng đến cộng đồng ngày càng rộng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của internet và các công cụ mạng xã hội, những câu chuyện về đời sống thường ngày, nhất là phong cách thời trang. Việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ trong những lần xuất hiện trước công chúng hay trên mạng xã hội đều được dư luận và giới trẻ quan tâm.

Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở Quyết định 3196, trong đó nêu rõ ứng xử trong nghề nghiệp, ứng xử trong khát vọng cống hiến, lấy thước đo chân - thiện - mỹ để hạn chế cái xấu là nỗ lực để cải thiện vấn đề này. Tuy đây không phải là một chế tài nhưng mà một hướng vận động có tính chất phạm trù đạo đức để mọi người tự giác, khuôn mẫu vào làm, còn có một số vấn đề phản cảm thì nhắc nhở. 

 “Nóng” vấn về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử tại phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV - ảnh 2
Mới đây Rapper Wowy bị chỉ trích vì mặc bộ đồ vest có hình ảnh phản cảm dự sự kiện

"Đối với những phản cảm, ngành văn hóa đã có những phê phán, nhắc nhở. Cũng không thể lấy hình ảnh của trang phục của một nghệ sĩ trên sân khấu để bắt chước và làm theo, cái này phải tùy theo gu thẩm mỹ". Theo Bộ trưởng, bộ quy tắc này vẫn đang được các nghệ sĩ vận dụng, làm theo.

Nghị trường Quốc hội nóng hơn khi đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi, mức độ nào, xu hướng thời gian tới? Đại biểu Lê Hoàng Anh đặt vấn đề: "Nhiều cử tri lo lắng đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức gia đình đang xuống cấp. Nhiều vụ việc xảy ra khi được hỏi thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình, như kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua, qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời, giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình, nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong kỳ thi, trượt tốt nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này, Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố?”. Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa phải xây dựng con người văn hóa, con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện vấn đề này. “Khi chúng ta hình thành được môi trường gia đình, môi trường nhà trường, môi trường xã hội đều là những môi trường văn hóa thì chúng ta sẽ có con người văn hóa, hạn chế vấn đề xuống cấp đạo đức", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh các câu hỏi quan tâm về các vấn đề đạo đức xã hội, ứng xử văn hóa trong lĩnh vực văn hóa, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội… cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Các câu hỏi cũng đã khái quát lên nhiều vấn đề còn tồn động trong lĩnh vực văn hóa, nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước.

Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã phát biểu Bộ VHTTDL ý thức đầy đủ rằng, đây là cơ hội để kiểm điểm, đánh giá lại ngành mình trước Quốc hội và cử tri cả nước. Đồng thời, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế khó khăn, báo cáo với Quốc hội để có sự chia sẻ, có nhiều giải pháp giúp ngành phát triển hơn.

Theo Bộ trưởng, nói một cách hình ảnh, VHTTDL như "cỗ xe tam mã", trong đó văn hóa với vai trò giữ dây cương, du lịch mang đậm dấu ấn sản phẩm văn hóa, thể thao thì sức khỏe con người là chủ thể để xây dựng kiến tạo bảo vệ Tổ quốc". Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ đã quyết tâm chỉ đạo toàn diện cả 3 lĩnh vực này với phương châm thực hiện xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ là: "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến".

 “Nóng” vấn về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử tại phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV - ảnh 3
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại phiên chất vấn, Ảnh:TTXVN

Bộ trưởng khẳng định, việc tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra về văn hóa đã mang lại động lực mới cho toàn ngành. Chính vì vậy trên lĩnh vực Văn hóa đã có sự chuyển biến về nhận thức, hành động. “Cán bộ văn hóa đã tích cực, chủ động tham mưu để các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chỉ đạo nhiều giải pháp để phát triển ngành Văn hóa. Đến thời điểm này, đã có 63 tỉnh, thành đã có chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc”- Bộ trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết hiện nay nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành Nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa với tổng mức đầu tư vượt 2% ngân sách. Nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng mức đầu tư ngân sách cho văn hóa. Đây là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, văn hóa là lĩnh vực rộng, cần phải được tác động từ nhiều ngành, nhiều cấp. Hiện nay, còn có những biểu hiện xuống cấp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp. Có những việc không mới, được đặt ra từ trước, nhưng để tổ chức thực hiện đòi hỏi những giải pháp đồng bộ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục