NSND Vũ Kim Dung – Hơn nửa thế kỷ chắp cánh cho thơ và nhạc
(PNTĐ) - NSND Vũ Kim Dung – giọng ngâm thơ trữ tình và nghệ sĩ tài hoa của nghệ thuật dân tộc – đã rời xa cõi tạm ở tuổi 81, để lại một di sản nghệ thuật sâu đậm trong lòng công chúng. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Đài Tiếng Nói Việt Nam, bà không chỉ ghi dấu ấn với những vần thơ ngân vang trên sóng phát thanh mà còn góp phần gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật ca trù. Cuộc đời bà là hành trình tận hiến cho nghệ thuật, mang lời thơ, tiếng hát đến mọi miền Tổ quốc và cộng đồng người Việt xa xứ.
Sinh ngày 10/5/1945 tại xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, từ năm 1961 đến 1965, bà là MC và diễn viên của Đoàn cải lương Trung ương. Giai đoạn 1966 – 1972, bà công tác tại Công ty Ăn uống thuộc Sở Thương nghiệp Hà Nội, vừa tham gia biểu diễn trong các vở kịch nói, chèo, cải lương ca ngợi những tấm gương mậu dịch viên, vừa tự biên tự diễn tác phẩm “Cô mậu dịch viên đáng mến”, nhận Huy chương Vàng toàn ngành.

Tháng 11/1972, bà chính thức trở thành giọng ngâm chủ lực của chương trình Tiếng Thơ trên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam. Đây là thời kỳ vừa gian khó vừa rực rỡ của bà khi giọng thơ trữ tình, khi mạnh mẽ cổ vũ tinh thần chiến đấu, khi thủ thỉ gieo mầm yêu nước trong các chương trình phát thanh “Binh Vận”, góp phần khiến nhiều binh lính đối phương buông súng trở về với chính nghĩa.
Bên cạnh nghệ thuật ngâm thơ, NSND Vũ Kim Dung còn miệt mài theo học ca trù từ hai danh cầm NSND Quách Thị Hồ và NSƯT Nguyễn Thị Phúc. Sự sáng tạo và tinh tế trong giọng hát đã giúp bà chinh phục khán giả, ghi dấu ấn với Huy chương Vàng cho tiết mục “Xuân không tuổi” tại Liên hoan Nghệ thuật Chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1985.
Trong suốt sự nghiệp, bà đã thu thanh gần 2.000 bài thơ phát trên các chương trình Tiếng Thơ, Quân đội Nhân dân, Thanh niên, Phụ nữ, Công nghiệp, Nông nghiệp và đặc biệt là chương trình “Dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc” sau ngày đất nước thống nhất. Bà cũng là nghệ sĩ tiên phong thể hiện các tác phẩm thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt đã ngâm trọn vẹn tác phẩm “Nhật ký trong tù”.

Không chỉ là giọng thơ trên làn sóng phát thanh, bà còn tham gia diễn xuất trong nhiều vở kịch thơ, thu thanh 20 bài ca trù của các tác giả danh tiếng như Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, Xuân Thủy, La Hùng Đam... và xuất hiện trong nhiều bộ phim để lại dấu ấn như “Hát cửa đình”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Thủ lĩnh áo nâu”, “Cô Nết”, “Cơn lốc biển” và đặc biệt là bộ phim “Cô gái Hà Nội” do hãng phim Cộng hòa Séc sản xuất khi bà đã gần 80 tuổi.
Một trong những dấu ấn lớn trong sự nghiệp của bà là tự thu âm toàn bộ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du gồm 3.254 câu thơ để tặng Đài Tiếng Nói Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào. Trong suốt sự nghiệp, bà không chỉ biểu diễn trên sóng phát thanh mà còn trực tiếp mang lời thơ, tiếng hát đến các chiến sĩ biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, phục vụ gần 1.600 buổi diễn tại các đơn vị bộ đội, công an, trường sĩ quan, công trường, nhà máy, bệnh viện, trường học và các hội phụ nữ trên cả nước.
Bà cũng tận tâm với công tác đào tạo, giảng dạy nghệ thuật ngâm thơ tại nhiều địa phương và trung tâm văn hóa lớn. Những đóng góp của bà trong công tác giảng dạy còn được ghi dấu qua việc thu băng mẫu về các làn điệu ngâm thơ cho chương trình cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và tổ chức loạt chương trình dạy ngâm thơ trên sóng phát thanh dành cho người cao tuổi.

Dù đã nghỉ hưu từ năm 2000, bà vẫn không ngừng hoạt động nghệ thuật, tham gia luyện tập, tổ chức hội diễn và biểu diễn từ thiện. Khi ra nước ngoài sinh sống cùng con cháu, bà tiếp tục phục vụ cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc và nhiều nước châu Âu, tham gia các chương trình do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.
Mỗi lần về nước, bà lại hết mình với các chương trình thơ Tết, các sự kiện đặc biệt của Đài Tiếng Nói Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội. Dù ở đâu, NSND Vũ Kim Dung vẫn tận hiến cho nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng.
Trong suốt sự nghiệp, bà được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huy chương Vàng cho tiết mục ngâm thơ “Tre Việt Nam”, Huy chương Vàng ca trù “Xuân không tuổi”, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Bằng khen quảng bá thơ Việt Nam, Bằng khen của Bộ Lao động vì thành tích phục vụ người lao động Việt Nam tại Bungari cùng nhiều phần thưởng khác. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2023, nhưng với công chúng yêu thơ và nghệ thuật dân tộc, bà đã là một nghệ sĩ của nhân dân từ rất lâu trước đó.

Bà kết hôn với ông Trịnh Tuấn Khải, cán bộ của UNICEF, người luôn đồng hành và hỗ trợ bà trong sự nghiệp. Ông không chỉ là người bạn đời chung thủy mà còn tự học đàn đáy để biểu diễn ca trù cùng vợ và các con. Ông qua đời năm 2021, để lại bà với hai người con, Trịnh Thu Hương và Trịnh Quang Minh, cùng con dâu, con rể và năm người cháu nội ngoại, một chắt. Các con cháu của bà đều là những công dân tốt, tiếp nối truyền thống gia đình.
Chỉ mới năm trước, nghệ sĩ Kim Dung còn rạng rỡ trong lễ vinh danh NSND sau cả chặng đường dài tận hiến. Nhưng danh hiệu cao quý nhất với bà chính là sự yêu mến của công chúng dành cho tiếng thơ và giọng ca trù mà bà đã dành cả đời để gìn giữ. Là người con danh giá của gia tộc họ Vũ ở Nam Định, là dâu hiền của họ Trịnh làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội, bà đã sống một cuộc đời đầy cống hiến. Nay bà đã rời xa cõi tạm, nhưng tiếng thơ và lời ca trù của bà vẫn vang vọng mãi trong lòng người hâm mộ.