Xây dựng nhà hát Opera Hồ Tây:

Phá vỡ không gian văn hóa, lãng phí nguồn lực

Kim Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hà Nội đang thừa nhà hát, các thiết chế này đang trưng dụng cho các mục đích không phù hợp, vậy tại sao phải phá vỡ vùng văn hoá cổ để cố xây lên một nhà hát mới?

Phá vỡ không gian văn hóa, lãng phí nguồn lực - ảnh 1
Phối cảnh Nhà hát Opera Hồ Tây 

Người dân và giới nghiên cứu phê bình nghệ thuật Thủ đô mới đây lại nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về việc sẽ có một nhà hát Opera (được gọi là Nhà hát Opera Hồ Tây) xuất hiện ở khu vực thắng cảnh di tích lịch sử văn hóa Tây Hồ. Theo thiết kế, nhà hát Opera Hồ Tây có 1.822 chỗ (gấp 3 Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhiều người kỳ vọng, công trình này sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như nhà hát Con Sò tại Sydney (Úc), nhà hát La Scala tại Milan (Ý) hay nhà hát Esplanade (Singapore)… Trong ý tưởng quy hoạch cảnh quan, các di tích lịch sử di sản như chùa Hoằng Ân, chùa Phổ Linh và đền Kim Ngưu - Phủ Tây Hồ đều được bảo tồn. 

Nhà hát đang thừa, tại sao phải cố xây?
Cuộc họp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 8 vừa qua thông tin về Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An và Dự án xây dựng nhà hát Opera tại khu vực Đầm Trị trên địa bàn quận Tây Hồ đã khẳng định về tính pháp lý, quy hoạch khu vực Quảng An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1992 cho đến nay đều quyết định khu vực này xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát, gắn với cảnh quan thiên nhiên, nằm trong trục không gian chính của Hà Nội. Năm 2017, Hà Nội cũng đã xác định rõ đặt một nhà hát với quy mô lớn tại khu vực Đầm Trị. Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng Nhà hát Opera Hồ Tây vẫn còn quá nhiều trăn trở. 

Nói về công trình này, không ít ý kiến cho rằng không cần thiết vì đã quá dư thừa nhà hát mà không được sử dụng, cung đã vượt cầu gấp nhiều lần. Hàng loạt các nhà hát vì ế ẩm nên đang bị trưng dụng để lấy sảnh cho thuê tiệc cưới cũng như không thể có đến một đêm biểu diễn sáng đèn mỗi tháng. Hơn nữa, hầu hết các đơn vị nhà hát của Thủ đô đều đã có rạp riêng như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trung ương. Đó là chưa tính, Hà Nội còn có Trung tâm Hội nghị quốc gia có sức chứa 4.000 khán giả, Cung Hữu nghị Việt Xô, Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Hữu Nghị Việt - Trung, Nhà hát Âu Cơ... 

Nếu có để ý các chương trình xã hội hóa, thì nhu cầu xem biểu diễn một tháng của người dân Thủ đô nhiều lắm cũng chỉ 3-4 show diễn dành cho tất cả các đối tượng khán giả. Đó là chưa kể đến việc các nhà sản xuất phải chật vật bán vé, đôi lúc còn lỗ nặng. Hà Nội cũng chưa có chương trình biểu diễn thường kỳ cho khách du lịch, ngoài sản phẩm biểu diễn múa rối của nhà hát Múa rối Thăng Long và một số chương trình như Tứ phủ, xiếc Làng Tôi diễn không thường xuyên. Đắp chiếu nhà hát trong khi vẫn phải vận hành bộ máy, các trang thiết bị để không bị hỏng hóc là một thực tế đầy xót xa. 
Đó là lý do dư luận cho rằng, hiện tại Hà Nội không cần thiết xây dựng thêm một nhà hát như kể trên, có nhiều thiết chế khác cần thiết phải thực hiện ngay như bệnh viện, trường học... PGS. TS. KTS. Nguyễn Quang Minh, giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chia sẻ: “Hà Nội cần giải quyết các vấn đề về tình trạng tắc đường, ngập nước trước mắt thay vì xây dựng nhà hát ngàn tỷ hay tượng đài ngàn tỷ nhân danh văn hóa - nghệ thuật”.

Phá vỡ vùng văn hóa cổ?
Một trong những lý do nữa khiến không ít người phản đối bởi cho rằng việc đặt nhà hát này ở Đầm Trị là một quyết định sai lầm nếu xét về 3 khía cạnh thiết kế giao thông đô thị, văn hóa - lịch sử và quy hoạch. TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), kiến giải về điểm này như sau: “Mọi người đều có thể nhìn thấy những bất cập khi có một lượng người lớn đi vào bán đảo Quảng An, sẽ phải mở đường lớn và chỗ đậu xe và phá hủy hoàn toàn bán đảo này. Về mặt văn hóa lịch sử thì đây là một vùng rất đặc trưng của Hà Nội cổ, có văn hóa và lịch sử riêng, thể hiện qua những ngõ nhỏ, đền chùa, cây cối..., nên khi những công trình khổng lồ mọc lên mà không có hệ thống giao thông công cộng gây ùn tắc sẽ phá hủy phần hồn của không gian này”. 

Theo TS Đặng Hoàng Giang, Hà Nội nên giữ lại cảnh quan khu vực mặt nước và cây xanh khu vực đầy thơ mộng, là “lá phổi của Thủ đô” với những nét đặc trưng về văn hóa đã đi vào thơ ca thay vì bê tông hóa các di sản hiếm có, khó tìm của Thủ đô. "Nhà hát đó hoàn toàn có thể được xây ở một chỗ khác thuận tiện giao thông, không phá hủy lịch sử và văn hóa của vùng đất đó"- ông Giang bảo vệ ý kiến. 

Đồng tình với ý kiến trên, là người dân quận Tây Hồ sinh sống cạnh Hồ Tây từ nhỏ, ông Trần Ngọc Tuấn vẫn hy vọng, Hà Nội sẽ giữ được không gian văn hóa của khu Hồ Tây, dù có quy hoạch mới vẫn phải nhìn về lâu dài và bảo vệ được đặc tính và giá trị văn hóa, lịch sử của nó. “Chúng ta đã có nhiều bài học về cải tạo và phá vỡ không gian văn hóa như đã từng để lại trong lịch sử một vết thương. Hy vọng các nhà quy hoạch không vì một lý do nào đó mà mắc thêm sai lầm” - ông Tuấn nói. 

Trước những trăn trở xây dựng Nhà hát Opera Hồ Tây, nhiều ý kiến mong muốn thành phố nên thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi từ công chúng để có cái nhìn thấu tình đạt lý trong việc xây dựng một công trình mang tính biểu tượng ở khu vực đậm đặc không gian văn hóa của Thủ đô. Một số gợi ý cho rằng, nhà hát Opera hoàn toàn có thể được xây ở Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm hay một số địa điểm khác phù hợp và sẽ có nhiều nhà chuyên môn, kiến trúc sư và nhà phát triển đô thị có những ý tưởng đề xuất phù hợp hơn về vị trí đặt nhà hát này, thay vì đặt tại Hồ Tây.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.
Đảm bảo đến 15/8 phải hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước

Đảm bảo đến 15/8 phải hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước

(PNTĐ) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 352/TB-VPCP ngày 7/7/2025 Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Triển lãm tại cuộc họp triển khai tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025).