Phát huy hệ giá trị văn hóa tạo nền tảng phát triển bền vững

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức đã khẳng định: “Xây dựng phát huy giá trị văn hóa chính là xây dựng một nguồn lực to lớn trong tổng thể sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc, quốc gia nhằm góp phần thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Phát huy hệ giá trị văn hóa tạo nền tảng phát triển bền vững - ảnh 1
Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Ảnh: Dương Mạnh

Phát huy tối đa hệ giá trị văn hóa
Tại hội thảo, các tham luận hướng đến sự phát triển của Hà Nội cũng đã chỉ ra phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đó cũng là những mục tiêu quan trọng đã được xác định trong Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Văn hóa Hà Nội được hình thành từ khi Thăng Long được lấy làm nơi định đô, kết hợp từ văn hóa bản địa với văn hóa các vùng miền theo người dân các nơi mang về, được tiếp thu, tiếp biến tạo ra bản sắc riêng, mang đậm chất Kinh kỳ. Sau này, nét văn hóa đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiếp tục được phát huy trong cuộc sống hiện nay. Để tạo nếp sống văn hóa mới trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, Thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các phong trào văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài các mô hình như: Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều nơi còn thực hiện phong trào làm sạch ngõ xóm vào sáng thứ 7, hình thành con đường bích họa, con đường nở hoa... Nhiều dự án khôi phục, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được triển khai hiệu quả trong cộng đồng, như: Trống quân ở huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên; nghề rèn Đa Sĩ ở quận Hà Đông… 

Cùng với đó, chiến lược, tầm nhìn phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội được quan tâm, xây dựng phù hợp với xu thế của thời đại. Ngày 22/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Với sự duy trì và phát triển giá trị văn hóa, Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá, xứng tầm với vai trò và vị thế Thủ đô của đất nước.

Điều này càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn xác định đặt mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố theo định hướng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Việc quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương tình nghệ thuật thường niên được gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, tạo nên một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác để đưa thành phố ngày một phát triển bền vững. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa khẳng định: Hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra. Việt Nam là đất nước có sự đa dạng về sinh thái, tộc người, bên cạnh đó còn có sự đa dạng về hệ giá trị văn hóa. Vì vậy, mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi tộc người sáng tạo và duy trì các hệ giá trị văn hóa khác nhau, tạo nên tổng thể đa dạng của hệ giá trị văn hóa. 

Xác định đúng đắn, xây dựng hiệu quả giá trị văn hóa
Với truyền thống lịch sử lâu đời cùng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, thành phố Hà Nội sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, giàu có về giá trị. Bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên ấy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu lấy văn hóa làm nguồn lực phát triển bền vững Thủ đô. Thành ủy Hà Nội xác định, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Hiện nay, khi hội nhập quốc tế thì vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc ngày càng trở nên quan trọng. Đồng thời vấn đề “rác văn hóa” được chú trọng quan tâm. Ông Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Trong một thế giới hội nhập chúng ta cần xác định còn văn hóa là còn con người Việt Nam. Những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng đã được chứng minh trong lịch sử khi đứng trước những tác động đa chiều, thậm chí đôi lúc trở thành lâm nguy nhưng chúng ta vẫn vượt qua. Vì vậy, chúng ta cần làm tốt các giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập, khẳng định bản lĩnh cũng như bản sắc của chúng ta và phải kiên quyết, kiên trì vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH và kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để chúng ta không ngại “rác văn hóa”. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng chia sẻ: Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xác định đúng đắn, xác định hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách để xây dựng hệ giá trị văn hóa cần tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa, đổi mới tư duy quản lý văn hóa. Cần thực hành dân chủ hóa đời sống xã hội nhưng vẫn dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, quản lý xã hội và văn nghệ sĩ. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị văn hóa...

Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh giá trị văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi vùng, mỗi đất nước. Văn hóa ngày càng được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hơn thế, văn hóa còn được xác định là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Đối với chính trị, văn hóa không thể tách rời, được xem là yếu tố cố kết chặt chẽ với chính trị. Về kinh tế, theo dòng lịch sử có thể nhận ra, phát triển kinh tế để xây dựng nền tảng vật chất còn phát triển giá trị văn hóa là để tạo dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Từ nửa cuối thế kỷ XX, khi văn hóa trở thành một ngành công nghiệp (công nghiệp văn hóa) thì sự đóng góp vào quá trình phát triển của giá trị văn hóa không chỉ đơn thuần là yếu tố tinh thần mà có sự hiện hữu của các giá trị vật chất. Điều đó cho thấy vai trò to lớn của giá trị văn hóa. Những điều đó cũng khẳng định rằng, sự phát triển dựa trên những giá trị văn hóa là xu hướng đúng đắn, khoa học, nhân văn. Việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, cũng như đưa văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động của đời sống xã hội sẽ là điều kiện, là nền tảng vững chắc trong việc thực hiện mục tiêu đưa Thủ đô Hà Nội nói riêng, nước ta nói chung phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".