Phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hoá

N.P
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo báo cáo của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL), năm 2023, lĩnh vực văn hóa của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo sự chú ý đối với quốc tế.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa được kế thừa, phát triển

Nhìn nhận những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực văn hóa trong năm qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành văn hoá đã đạt được một số ấn tượng trong lĩnh vực di sản, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống. Như: xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 07 Thông tư; Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng giai đoạn 2023-2026.

Cùng với đó là những sự kiện quan trọng nhận được sự chú ý của thế giới là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới; Việt Nam trúng cử 01/21 thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Chuyển giao thành công Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tại Paris về Việt Nam... Chú trọng đến công tác di sản, trong năm 2023, Bộ VHTTDL đã thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ngành di sản văn hóa cho đội ngũ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực Bảo tàng, Di tích, Di sản văn hóa phi vật thể và Di sản tư liệu. 

Phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hoá  - ảnh 1

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương - sự kiện văn hoá tiêu biểu 2023

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong năm qua một trong những điểm đáng chú ý của ngành văn hóa là đã quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất do Bộ VHTTDL tham mưu chuẩn bị chương trình, nội dung đã được tổ chức thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.Việc Bộ VHTTDL trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, hoàn thiện Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan… cũng góp phần đắc lực trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa. Trên thế giới, công nghiệp văn hoá phát triển luôn gắn bó chặt chẽ với Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. 

Đánh giá cao những thành tựu của lĩnh vực văn hóa năm qua, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Bộ VHTTDL với chủ đề: "Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước" diễn ra tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. Cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; chuẩn mực ứng xử văn hóa mới được hình thành; nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, tạo nên bức tranh ấn tượng, đa sắc màu cho lĩnh vực văn hoá.

*Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc

Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành văn hoá, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023của Bộ VHTTDL. Tiêu biểu như việc chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc chưa hoàn thiện (ví như thiếu các chính sách cho các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh); chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển triển văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn năm 2023, Thủ tướng yêu cầu phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam để vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực VHTTDL. Một trong những biện pháp để phát triển lĩnh vực văn hóa trong năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh, là phải tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nhanh và bền vững.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.