Phim Việt đang thất thế, ảm đạm doanh thu

NGUYÊN VŨ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hiếm có phim Việt cán mốc doanh thu trăm tỷ tính từ đầu năm đến nay. Nhiều tác phẩm kém chất lượng, thiếu hấp dẫn, thậm chí là “thảm họa” khiến doanh thu phòng vé ảm đạm.

Phim Việt đang thất thế, ảm đạm doanh thu - ảnh 1
“Cù lao xác sống” - phim Việt duy nhất ra mắt dịp lễ 2/9 Ảnh: NSX

Nhiều phim phải rút khỏi rạp do ế ẩm
Kể từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 20 phim Việt đã ra rạp. Trong đó, tham khảo số liệu của Box Office Vietnam (đơn vị thống kê độc lập), phim có doanh thu cao nhất là Em và Trịnh nhưng chỉ dừng chân ở mức 97 tỷ đồng (số liệu của nhà sản xuất phim Em và Trịnh cán mốc trăm tỷ). Một vài tác phẩm doanh thu khả quan có thể đếm trên đầu ngón tay như: Bẫy ngọt ngào (83 tỷ đồng), Nghề siêu dễ (68 tỷ đồng), Chìa khóa trăm tỷ (65 tỷ đồng), Chuyện ma gần nhà (58 tỷ đồng)...

Đa số còn lại là những phim chỉ thu được vài tỷ đồng, phải rút khỏi rạp chiếu sớm do ế ẩm, có thể kể đến như Kẻ thứ ba (doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng), Mến gái miền Tây (8 tỷ đồng), Người lắng nghe (2,5 tỷ đồng), Người tình (1,2 tỷ đồng), Mưu kế thượng lưu (1 tỷ đồng), Mỹ nhân thần sách (168 triệu đồng)...

Dù được đầu tư mấy chục tỷ đồng, mời nam tài tử đình đám xứ Kim chi Han Jae Suk đóng cùng ê-kíp Hàn uy tín thực hiện, thế nhưng phim Kẻ thứ ba do Lý Nhã Kỳ vừa sản xuất vừa đóng vai chính chỉ trụ rạp được hơn 10 ngày, doanh thu nhận về vỏn vẹn gần 1 tỷ đồng. Chuyện phim Kẻ thứ ba mang màu sắc tình cảm lãng mạn, pha thêm yếu tố kỳ ảo nhưng tiếc là chất tình cảm lãng mạn trong phim chưa đủ tới, diễn xuất giữa Han Jae Suk và Lý Nhã Kỳ không có sự ăn ý, đẹp đôi. Hơn nữa, thông điệp của phim cũng mơ hồ khiến người xem không hiểu rõ đạo diễn, biên kịch muốn chuyển tải điều gì.

Người tình ra rạp sau 5 năm thực hiện, với sự tham gia của người mẫu Minh Tú cũng chỉ thu về 1,3 tỷ đồng ít ỏi. Dẫu rằng, tên phim hấp dẫn, diễn viên chính có tên tuổi nhưng không “cứu” được nội dung phim nhạt nhẽo, cách kể chuyện kém hấp dẫn, cũ kỹ. Trong khi đó, 578: Phát đạn của kẻ điên là một trường hợp đáng tiếc khi có phần hành động tốt, gay cấn, chân thực, đã mắt nhưng cách kể chuyện lại không thuyết phục được người xem.

Gần đây nhất, bộ phim Duyên ma (đạo diễn Khánh Toàn - Tâm Nguyễn) với diễn xuất của Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Phi Phụng, La Thành, Hải Triều... cũng bị khán giả lẫn giới chuyên môn đánh giá là “thảm họa” mới của điện ảnh Việt với phần kịch bản nhiều sạn, kỹ xảo dở tệ, diễn xuất nhạt nhòa, gượng gạo... 

Dịp lễ 2/9 từng là cơ hội tốt để phim Việt ra mắt. Năm nay, người lao động có kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài tới 4 ngày, song chỉ có duy nhất một phim Việt ra mắt dịp này là Cù lao xác sống. Có thể nói đây là thời điểm thiên thời, địa lợi của phim nhưng đáng tiếc là phim nhận phản hồi không tích cực của người xem. Phần lớn cho rằng đây là một thử nghiệm thất bại của ê-kíp, tác phẩm kém ấn tượng về cả nội dung lẫn hình thức, có thể coi là thảm họa tiếp theo.

Thị trường điện ảnh Việt: Vẫn chưa thoát được “bóng ma Covid-19”?
Sự vắng bóng phim Việt thời gian gần đây và đặc biệt là dịp lễ 2/9 là minh chứng cho thấy thị trường phim nội địa đang tụt dốc nặng nề, chưa thể hồi phục sau đại dịch. Nhìn chung, chất lượng các tác phẩm phát hành năm nay đều không cao dẫn đến nhiều dự án thua lỗ, số phim chất lượng ở mức dưới trung bình, thậm chí là “thảm họa”, bị khán giả chỉ trích do kịch bản tẻ nhạt, phi lý, kém hấp dẫn.

Chính do không có kịch bản chất lượng, nên những tên tuổi vốn được cho là “bảo chứng phòng vé” như: Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My, Nhã Phương… cũng không đủ sức kéo khán giả đến rạp. Một số gương mặt mới như: Hoa hậu H’Hen Niê, Bảo Anh, Ngọc Trinh... chưa thực sự tạo được dấu ấn bùng nổ về diễn xuất. Thậm chí, những tác phẩm được dẫn dắt bởi những cái tên đình đám như đạo diễn Lê Văn Kiệt, đạo diễn quốc tế, ê-kíp và diễn viên Hàn như: Bóng đè, Đêm tối rực rỡ, Người thứ ba… cũng không thể làm thay đổi “cục diện”. 

Phim không hấp dẫn cũng khiến cho những “kịch bản” truyền thông tốt đến mấy cũng đều phản tác dụng. Một số tác phẩm được truyền thông bài bản, chỉn chu, nhưng khi phim ra rạp chất lượng không được như kỳ vọng nhanh chóng bị người xem quay lưng, gây ấn tượng xấu và họ dè chừng trước những “cơn bão” truyền thông các phim khác. 

Có thể thấy, vấn đề quan trọng nhất đối với phim Việt hiện tại vẫn là chất lượng nội dung và diễn xuất. Nếu không có một kịch bản, một câu chuyện và một cách kể thú vị thì có truyền thông mạnh đến đâu cũng khó lòng được khán giả ủng hộ, trong bối cảnh người xem có nhiều sự lựa chọn là những tác phẩm “bom tấn” quốc tế, hoặc những loại hình giải trí phong phú khác.

Chỉ còn hơn ba tháng nữa sẽ khép lại năm 2022, nhưng tới thời điểm hiện tại cũng chưa có hy vọng nào lấp lánh đối với thị trường điện ảnh Việt. Hiện, có một vài dự án vẫn đang được chờ đợi như: Thanh Sói đến từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, với kinh phí công bố hơn 46 tỷ đồng dời lịch chiếu nhiều lần vẫn chưa có ngày ra rạp; Quỳnh hoa nhất dạ (kể về thái hậu Dương Vân Nga, Thanh Hằng đóng chính), Đất rừng phương Nam (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Con Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn), phim về nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (Charlie Nguyễn), Viên đạn cuối cùng (phim về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ)…

Tuy nhiên, phần lớn phim này đều có khả năng ra rạp vào năm sau. Như vậy, dù cuộc sống đã trở lại giai đoạn bình thường mới nhưng thị trường điện ảnh Việt dường như vẫn chưa thoát được “bóng ma Covid-19” để có sức bật mới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.