Phòng vé Việt đầu năm 2024: Hai “ngôi sao sáng” giữa loạt phim ế ẩm, thảm họa

Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phim “Mai” của Trấn Thành và “Lật mặt 7” của Lý Hải là hai “ngôi sao” phòng vé trong 4 tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, khá nhiều tác phẩm điện ảnh Việt ra mắt thời điểm này nhưng ế ẩm, doanh thu ảm đạm, phải lặng lẽ rời rạp.

Phim tình cảm gia đình khuấy đảo phòng vé dịp lễ

Khởi chiếu tại rạp từ ngày 26/4, phim “Lật mặt 7: Một điều ước” của đạo diễn Lý Hải cán mốc 100 tỷ đồng sau 3 ngày. Theo thống kê của Box Office Vietnam, tính đến hết ngày 30/4, doanh thu phim hơn 150 tỷ đồng, dẫn đầu doanh thu phòng vé dịp lễ 30/4 và 1/5. Phim nhận được hiệu ứng truyền miệng tích cực trên mạng xã hội, nhiều khán giả nhận xét đây là phần hay nhất trong series “Lật mặt” của đạo diễn Lý Hải nhờ chọn diễn viên hợp vai, kịch bản chặt chẽ, ít tình tiết thừa.

Phần phim tiếp theo thuộc series “Lật mặt” của đạo diễn Lý Hải là tác phẩm tâm lý chính kịch, hài hước, một lát cắt cuộc sống với nhân vật chính là một bà lão. Đó là hành trình trở về tuổi thơ của năm người con khi cuộc sống bộn bề kéo họ rời xa người mẹ già, đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc. Chỉ đến khi bà Hai (Thanh Hiền) bị tai nạn ngã suối và mất tích, những người con mới tá hỏa đi tìm mẹ và day dứt vì cảm giác tội lỗi.

Phòng vé Việt đầu năm 2024: Hai “ngôi sao sáng” giữa loạt phim ế ẩm, thảm họa - ảnh 1
Phim “Mai” của Trấn Thành và “Lật mặt 7” của Lý Hải là 2 “ngôi sao” phòng vé 
năm 2024. 

Bi kịch 1 mẹ chăm được 5 con nhưng 5  con không chăm nổi 1 mẹ trong “Lật mặt 7: Một điều ước” là lát cắt cuộc sống có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Khi kinh tế phát triển, đô thị hóa, nhiều người chọn cách rời quê hương đi tìm kiếm cơ hội lập nghiệp ở những nơi xa để bố mẹ ở nhà. Lúc ông bà còn khỏe còn tự chăm sóc cho bản thân, nhưng khi đau yếu thì con cái lại không thể gần bên phụng dưỡng. Trách nhiệm báo hiếu bị những bộn bề cơm áo lu mờ, người ta viện lý thân mình còn chẳng lo được huống chi nuôi bố mẹ già, để trốn tránh, để rũ bỏ cho anh chị em.

Theo đạo diễn Lý Hải, kịch bản của “Lật mặt 7: Một điều ước” được lấy cảm hứng từ tình cảm của anh dành cho người mẹ năm nay đã gần 100 tuổi. Nhân vật chính bà Nguyễn Thị Hai được lấy cảm hứng từ hình ảnh người mẹ Phạm Thị Hai của đạo diễn.

“Lý Hải sinh ra và lớn lên tại Mỹ Tho, một vùng quê nghèo. Tất cả những ký ức đó đã ăn sâu vào máu của mình. Từ thuở nhỏ Lý Hải hay chơi cùng anh chị em ruột và đặc biệt có một bà mẹ rất tuyệt vời. Mình hay bám theo mẹ nên từng này tuổi rồi vẫn không thể nào quên được những điều đó.

Tính cách của bà mẹ trong phim với mẹ Lý Hải ngoài đời hầu như là giống đến 90%, từ lời ăn tiếng nói, chỉ khác vùng miền. Tất cả những ký ức Lý Hải sống bên mẹ từ nhỏ đến lớn, Lý Hải đã tái hiện lại bởi vì mẹ là người đã chịu đựng rất nhiều, hy sinh cho con nhưng không bao giờ kể công. Không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu ra điều đó” - anh nói.

“Lật mặt 7: Một điều ước” là phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau “Mai” của Trấn Thành. Hôm 22/3, sau 41 ngày ra rạp, phim “Mai” cán mốc 520 tỷ đồng với 6,5 triệu vé (số liệu nhà phát hành CJ HK Entertainment công bố), trở thành tác phẩm điện ảnh Việt ăn khách nhất lịch sử phòng vé. Trấn Thành hiện giữ top ba tác phẩm có doanh thu kỷ lục, bên cạnh “Bố già” (427 tỷ đồng), “Nhà bà Nữ” (475 tỷ đồng). Điều thú vị là phim “Mai” hay “Lật mặt” đều có nội dung hướng về gia đình, chạm vào được những uẩn khúc trong cuộc sống gia đình thời hiện đại.

Phòng vé Việt đầu năm 2024: Hai “ngôi sao sáng” giữa loạt phim ế ẩm, thảm họa - ảnh 2
Nhà sản xuất phim “Đóa hoa mong manh” Mai Thu Huyền (bên trái).

Nhiều phim Việt ế ẩm, nội dung thảm họa

Bốn tháng đầu năm 2024, ngoài “Mai” và “Lật mặt 7” có khá nhiều phim Việt ra rạp. Đáng tiếc, hầu hết các dự án đều rơi vào cảnh ế ẩm, thua lỗ về doanh thu, một số phim được xếp hàng thảm họa.

Trong đó, “Sáng đèn” - phim về cải lương xưa ra rạp 2 ngày Tết, sau đó lùi lịch chiếu ngày 22/3. Tác phẩm của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chỉ đạt hơn 3,4 tỷ đồng (tính cả 2 thời điểm công chiếu). Tác phẩm “Trà” gắn mác 18+ đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lê Hoàng chỉ thu 1,6 tỷ đồng, buộc phải rời rạp sau vài ngày khởi chiếu dịp Tết 2024. “Quý cô thừa kế 2” do vợ chồng diễn viên Trang Nhung, đạo diễn Hoàng Duy thực hiện thu được hơn 6 tỷ đồng, phải sớm rời rạp, trong khi cần phải đạt 40 tỷ đồng mới hòa vốn, theo nhà sản xuất.

Giữa tháng 4, phòng vé Việt có thêm 2 tác phẩm mới: “Cái giá của hạnh phúc” - phim 18+ do Thái Hòa, Xuân Lan đóng chính - thu về 24 tỷ đồng sau hai tuần, chưa đủ mức hòa vốn và “B4S - Trước giờ yêu” - phim khai thác chuyện hẹn hò của giới trẻ - chỉ thu gần 4 tỷ đồng.

Gần đây nhất còn có phim “Đóa hoa mong manh” của Mai Thu Huyền chỉ thu 424 triệu đồng sau khoảng 3 tuần ra rạp, trở thành một trong những phim Việt doanh thu thảm nhất. Theo nhà sản xuất, dự án được đầu tư tốn kém, cần thu hàng trăm tỷ đồng mới hòa vốn.

Phòng vé Việt đầu năm 2024: Hai “ngôi sao sáng” giữa loạt phim ế ẩm, thảm họa - ảnh 3
Phim “Đoá hoa mong manh” có doanh thu thảm hại, phải sớm rời rạp.

Có nhiều lý do khiến những tác phẩm điện ảnh Việt thất bại ngoài phòng vé. Một trong những lý do quan trọng là phim Việt phải cạnh tranh với sự đổ bộ của các “bom tấn” quốc tế đa dạng thể loại, có thể kể đến: “Exhuma: Quật mộ trùng ma” (211 tỷ đồng), “Godzilla x Kong: Đế chế mới” (139 tỷ đồng), “Kung Fu Panda 4” (135 tỷ đồng)… 

Ngay cả việc phải cạnh tranh với những thương hiệu lớn trong nước như phim của Trấn Thành, Lý Hải cũng là một trong những lý do khiến nhà sản xuất phim tính toán kỹ về thời điểm ra mắt. Đơn cử, “Cái giá của hạnh phúc” dự kiến ra rạp 26/4 nhưng lại đẩy lịch chiếu sớm, trình làng ngày 19/4. Dù có “ngôi sao phòng vé” Thái Hòa, phim của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm cũng gặp khó khi cạnh tranh với thương hiệu “Lật mặt 7” của Lý Hải.

Một vài đạo diễn, nhà sản xuất cho rằng phim mình bị chèn ép suất chiếu, bị chiếu giờ xấu lúc sáng hoặc tối muộn khiến công chúng khó tiếp cận. Tuy nhiên, phía rạp chiếu lý giải suất chiếu được sắp xếp có quy tắc, dựa theo nhu cầu thực tế của khán giả. Các yếu tố khác như kế hoạch, phương thức truyền thông… cũng góp phần quan trọng tạo nên thành công về doanh thu.

Dù vậy, theo các chuyên gia, nội dung vẫn là yếu tố tiên quyết quyết định thắng thua một tác phẩm điện ảnh. Thực tế, đa số các phim Việt ế ẩm, thất bại về doanh thu đều có chất lượng chưa thực sự tốt, một số phim bị xếp hàng thảm họa. Nhiều tác phẩm bị chê ý tưởng kịch bản không mới mẻ, cách kể chuyện nhàm chán, thiếu tư duy thẩm mỹ và diễn xuất diễn viên đơ cứng thiếu thuyết phục.

Không những phải cạnh tranh với loạt “bom tấn” quốc tế hay những thương hiệu lớn tại Việt Nam, các phim Việt hiện còn phải cạnh tranh với rất nhiều hình thức giải trí hấp dẫn khác. Nếu không phải một câu chuyện thực sự hay, chạm tới cảm xúc của người xem thì thật khó để kéo khán giả tới rạp. Chừng nào nhà sản xuất phim còn chưa nghiêm túc tính toán điều này thì chuyện phim ế ẩm, thua lỗ là điều khó tránh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Từ Việt Bắc về Hà Nội” đến tay bạn đọc dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Từ Việt Bắc về Hà Nội” đến tay bạn đọc dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PNTĐ) - Tập 3 trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã đến tay bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024). Với tên gọi “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, cuốn sách khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.