Phục dựng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long): Khó vì tư liệu còn quá ít
PNTĐ-UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt “Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên”. Đây là bước tiến mới sau 13 năm nung nấu ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên.
Khó khăn chồng khó khăn
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của Thành cổ Hà Nội và được xem như công trình trung tâm của hoàng cung thời nhà Lê (vào thế kỉ XV – XVIII) ở Thăng Long – Hà Nội.
Tuy nhiên cho đến 1886, kiến trúc này đã bị phá hủy và hiện nay chỉ còn lại một số mảng, trong đó có nền Chính điện (dài 57 mét, rộng 42 mét) chỉ còn lại các bậc thềm đá có chạm hình rồng.
Bây giờ, khi đến với di tích Hoàng thành Thăng Long - nơi di sản chồng lấn lên nhau, du khách vẫn phải tưởng tượng quá nhiều. Những tầng giá trị di tích vẫn nằm sâu dưới lòng đất, những gì thấy được ở di tích có tới 7 thế kỷ là nơi ngự trị của các vương triều Việt Nam lại là những căn nhà theo kiến trúc Pháp. Điện Kính Thiên theo sử sách ghi lại là nơi diễn ra các nghi lễ liên quan đến vận mệnh sống còn, hưng vong của quốc gia như: lễ đại triều, lễ đăng quang, lễ khánh thọ, lễ tiếp sứ thần các nước..., trong nhận thức của nhiều người Hà Nội giờ chỉ là những bậc thềm rồng trước nhà Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng). Khách tham quan khi đến với khu di tích này đều vô cùng nuối tiếc vì sự hư hại này làm cho việc hình dung ra tầm vóc cũng như quy mô của kiến trúc này không còn được rõ ràng.
![]() |
Công tác khai quật giá trị khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long |
Đề án khôi phục lại điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, tạo cơ hội cho các nhà khoa học và những nhà nghiên cứu cùng nhau tìm ra phương án tốt nhất nhằm phục dựng và tôn tạo lại công trình kiến trúc vô cùng quan trọng này. Nhưng, từ vấn đề nghiên cứu cho đến quá trình khôi phục lại di tích này như xưa là cả một chặng đường vô cùng gian nan và vất vả. Ông Trần Việt Anh, Phó Giám đốc trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cho biết, tư liệu còn quá ít để nghiên cứu và điều này đã gây ra trở ngại lớn trong việc khôi phục lại không gian xung quanh và tính chân thực vốn có.
Cần nhiều thời gian để phục dựng
Thực tế cho thấy, việc khôi phục lại những công trình chính điện tại kinh đô của nhiều nước trên thế giới luôn gặp phải những khó khăn khi khôi phục lại nguyên bản, không nói riêng gì việc của điện Kính Thiên. Và để có thể phục dựng được luôn cần một khoảng thời gian dài. Chẳng hạn như Nhật Bản cần đến 10 năm, còn Hàn Quốc mất đến 5 năm mới có thể hoàn thành được công việc này.
Sau khi có quyết định của UBND TP Hà Nội, trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư được cấp kinh phí nghiên cứu, tạm tính gần 2 tỷ đồng. Đây có thể coi là một động thái tích cực trong việc hiện thực hóa đề án phục dựng điện Kính Thiên.
Quang Anh