Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Bài và ảnh: Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.

Di sản nghìn năm thu nhỏ trong chiếc… túi mù

Giữa tháng 4 vừa qua, sự kiện ra mắt sản phẩm blindbox mô hình lắp ráp di tích Hoàng thành Thăng Long: Long Thành Phục Kiến, đã chính thức diễn ra. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của dự án Kinh Đô Kỳ Họa, lấy cảm hứng từ Hoàng thành Thăng Long - biểu tượng ngàn năm văn hiến, dự án không chỉ khai thác giá trị văn hoá đặc sắc mà còn mở ra không gian trải nghiệm sáng tạo, kết nối người trẻ với lịch sử và di sản dân tộc. Điều đáng nói, dự án ban đầu chỉ là một bài tập chuyên ngành của nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cả nhóm đã quyết định phát triển dự án thành một hoạt động cộng đồng có sức lan tỏa rộng hơn.

Ban đầu, lấy cảm hứng chính từ di sản mỹ thuật, kiến trúc thời Lý - Trần tại Hoàng thành Thăng Long, dự án của các bạn trẻ đi sâu vào khám phá giá trị nghệ thuật độc đáo, ẩn trong từng đường nét, di vật tại thời kỳ này. “Kinh Đô Kỳ Hoạ” được kỳ vọng sẽ là cầu nối nhằm đánh thức người trẻ trong việc gìn giữ và bảo lưu văn hoá, qua đó sáng tạo nên nhiều góc nhìn hiện đại được cải biến từ chất liệu truyền thống của dân tộc.

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu - ảnh 1
Que kem khắc họa Hồ Gươm - địa danh nổi tiếng của Hà Nội.

Dự án bắt đầu được khởi chạy từ cuối năm 2024 với chuỗi thông tin được đăng tải đều đặn trên fanpage. Các bài đăng cung cấp nguồn tài liệu phong phú về mỹ thuật, nghệ thuật điêu khắc dưới thời đại Lý - Trần qua những hình ảnh sống động. Các bài viết đã tạo nên nhiều làn sóng bình luận sôi nổi cùng lượng tương tác ổn định.

Hiện tại, dự án đã bước sang mùa thứ hai với sản phẩm chủ đạo là blindbox - mô hình lắp ráp di tích Hoàng thành Thăng Long mang tên Long Thành Phục Kiến. Đây là bước phát triển mới, nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa giá trị văn hóa - lịch sử của Hoàng thành Thăng Long qua hình thức sáng tạo, trực quan và dễ tiếp cận. Mỗi hộp blindbox là một trải nghiệm bất ngờ, chứa đựng mô hình lắp ráp của một trong các di tích tiêu biểu như Cột cờ Hà Nội, Chính Bắc Môn, lầu Công Chúa (Hậu Lâu) và cổng Đoan Môn. Sản phẩm bao gồm: 1 bộ mảnh ghép mô hình, 1 thẻ thông tin về di tích kèm mã QR dẫn tới website giới thiệu chi tiết, 1 tờ hướng dẫn lắp ráp.

Điểm đặc biệt của bộ sản phẩm này là sự kết hợp giữa giáo dục - giải trí - văn hóa. Mỗi mô hình không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà còn là “mảnh ghép lịch sử” thu nhỏ, giúp người dùng trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu về kiến trúc, câu chuyện của từng di tích. Ngoài sản phẩm vật lý, dự án còn phát triển website trải nghiệm 3D tích hợp, nơi người dùng có thể tìm hiểu thông tin, tương tác với mô hình 3D, xoay 360 độ để quan sát chi tiết từng công trình. Cách tiếp cận này được thiết kế phù hợp với thói quen sử dụng công nghệ hiện đại của giới trẻ, đồng thời làm cho việc học hỏi về di sản trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Những que kem mô phỏng địa danh nổi tiếng Thủ đô

Như một mối duyên lành, chàng trai Lý Hải Hoàng Tân (sinh năm 1991, quê ở Thừa Thiên Huế) khởi nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, rồi qua Singapore học làm kem nhưng cuối cùng vẫn chọn Hà Nội là nơi để ổn định công việc. Rồi từ đó, anh làm ra những que kem có hình các địa danh nổi tiếng của Thủ đô. Đến nay đã có 13 địa danh nổi tiếng ở Thủ đô được anh Tân mô phỏng thành công trên những chiếc kem như: Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, Chùa Một Cột, cầu Long Biên… Những que kem này khi được bán ra thị trường đã gây sự chú ý của giới trẻ và du khách. Anh Tân giải thích, điều làm nên sự độc đáo của những que kem này chính là nó không đơn thuần là một món ăn giải khát, mà còn như một bức tranh phong cảnh được thu nhỏ lại, là món quà nhỏ Hà Nội dành tặng những người yêu mến mảnh đất này.

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu - ảnh 2
Mô hình cổng Đoan môn, một trong số các mô hình lắp ráp di tích Hoàng thành Thăng Long: Long Thành Phục Kiến.

Để làm ra được một chiếc kem địa danh thì nguyên liệu cũng như cách làm các que kem truyền thống. Nhưng công đoạn quan trọng nhất chính là việc tạo khuôn kem. Điều này đòi hỏi anh Tân phải đi đến chính địa danh đó,  quan sát và về thực hiện bản vẽ thiết kế. Bản vẽ thiết kế sau khi được hoàn thành chỉnh sửa để que kem còn định lượng 50g sẽ được chuyển qua đúc khuôn thô, rồi tiến hành chỉnh sửa vài lần để làm sao cho giống phong cảnh thật bên ngoài. Anh Tân cho biết thêm, có những địa danh rất nhiều chi tiết, như Nhà hát Lớn. Để làm ra que kem như thế phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Bên cạnh đó, việc lấy kem ra khỏi khuôn làm sao để các đường nét còn nguyên vẹn cũng rất khó, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo. Thành quả anh Tân có được là những chiếc kem vô cùng độc đáo. Sản phẩm này được khách du lịch thích thú, ngưỡng mộ vì nó chân thực như chính địa danh văn hóa, lịch sử Hà Nội mà nó mô phỏng.

Bằng sự sáng tạo và tình yêu với Hà Nội, nhiều người trẻ đã có cách làm độc đáo góp phần quảng bá văn hóa Hà Nội đến bạn bè trong nước và quốc tế, giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về nền văn hóa phong phú của Việt Nam. Từ đó, tình yêu Hà Nội cũng được lan tỏa đến nhiều người.

Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô) đặt ra những cơ chế, chính sách để xây dựng những khu vực không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Một trong những yếu tố quan trọng khi phát triển khu thương mại và văn hóa là làm sao để kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa và các hoạt động thương mại, không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế mà còn giúp cộng đồng có ý thức sâu sắc về bảo vệ các giá trị truyền thống.

Với riêng giới trẻ ở Hà Nội không chỉ được hưởng lợi từ việc phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, mà còn có cơ hội xây dựng sự nghiệp bền vững nhờ vào sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để các bạn trẻ có thể phát triển các sản phẩm sáng tạo gắn liền với bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đồng thời thu hút sự chú ý của khách du lịch và các nhà đầu tư.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.