Tranh cổ động:

Sáng tạo trong tuyên truyền quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch

THANH MỘC
Chia sẻ

(PNTĐ) -Một trong những phương thức được đánh giá cao trong công tác tuyên truyền quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch của người Hà Nội thời gian qua là tranh cổ động. Ấn tượng là nhiều bức tranh cổ động đã mang phong cách mỹ thuật mới, vượt qua lối mòn cũ kỹ, tươi trẻ, hợp thời đại…

Sáng tạo trong tuyên truyền quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch - ảnh 1
Tranh - Những điều bạn nên làm khi tham quan Bảo tàng, Thư viện, Nhà văn hóa của tác giả Hoàng Quỳnh Trang

Vượt qua những lối mòn
Cuối năm 2022, cuộc thi “Vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022” đã tạo được những ấn tượng mạnh với công chúng, khi mang đến những cách nhìn mới, những thông điệp về ứng xử văn minh được chuyển tải không chỉ với diện mạo tươi trẻ mà còn có sự đột phá. Mặc dù là một đề tài mới, nội dung sâu rộng, đòi hỏi có những nghiên cứu sâu sắc về nội dung của quy tắc ứng xử nơi công cộng, làm rõ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất nước, của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nhưng gần 500 tác phẩm dự thi đã được giới chuyên môn đánh giá là hiệu quả, có bút pháp, màu sắc, đa dạng về hình thức thể hiện, đặc biệt hướng đến giới trẻ một cách gần gũi. 

Những tác giả tham gia vẽ tranh cổ động qua cuộc thi đã thể hiện một cách khúc chiết, ngắn gọn và súc tích các nội dung quy tắc ứng xử, đưa đến người xem thông điệp về nhận thức ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; góp sức vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; giữ gìn và bảo vệ môi trường; ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, khuyến khích những hành vi ứng xử đẹp và chuẩn mực… 

Qua cuộc thi, hàng loạt các bức tranh tuyên truyền về những hành vi ứng xử văn minh tại các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, nơi công cộng; chia sẻ và giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai... để lại nhiều ấn tượng, dễ dàng lan tỏa thông điệp. Ví như các tác phẩm: Không chen lấn xô đẩy trong Bảo tàng của tác giả Đỗ Phương Thảo Anh; Những điều bạn nên làm khi tham quan Bảo tàng, Thư viện, Nhà văn hóa của tác giả Hoàng Quỳnh Trang; Giữ trật tự trong bảo tàng của tác giả Phạm Yến Nhi, Không chở hàng cồng kềnh của tác giả Hồ Minh Thu; Không nên chen lấn xô đẩy nơi tập trung đông người của tác giả Mai Khánh Linh... Các bức tranh đều mang ngôn ngữ trẻ trung, thông điệp rõ ràng, lối vẽ dí dỏm, tươi sáng. Sinh viên Phương Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) sau khi xem các bức tranh cổ động tại triển lãm từ cuộc thi đã cho rằng các tác phẩm vẫn đảm bảo thông điệp, tính tuyên truyền, định hướng, uốn nắn nhưng lại không khô cứng, vui mắt, dễ nhớ, nhất là có những slogan rất “chất” như Đi ngược chiều là điều dại dột; Chạy nhanh, thắng gấp, nằm sấp như chơi; Không gây mất trật tự an ninh, cần xếp hàng văn minh... mang tính phù hợp thời đại cao. 

Chọn thông điệp kêu gọi sự quan tâm, chia sẻ với người khuyết tật, Quách Minh Hùng (sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đạt giải Nhất cuộc thi) chia sẻ: “Văn hóa ứng xử là một đề tài khó. Đều là những nội dung, câu chuyện rất quen thuộc trong đời sống, nhưng làm thế nào để có cách biểu đạt ấn tượng với người xem thì ngoài phản ánh thông tin, đưa thông điệp còn cần tạo được cảm xúc cho tác phẩm. Chọn thông điệp kêu gọi sự quan tâm, chia sẻ với người khuyết tật, tôi tin việc chung tay lan tỏa điều này cũng chính là lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa ứng xử...”. 
Họa sĩ Trần Duy Trúc (đạt giải Nhì cuộc thi) tin rằng các tác phẩm sẽ góp phần lan tỏa thông điệp vận động, khuyến khích cộng đồng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử thanh lịch, văn minh đúng những tiêu chí mà các bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội đã đề ra.

Sức mạnh của tranh cổ động 
Trước cuộc thi về  “Vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”, công chúng yêu thích sự khỏe khoắn mà khúc chiết của dòng tranh này hẳn chưa quên ấn tượng từ những cuộc thi vẽ tranh cổ động đã từng được tổ chức sôi động như tranh cổ động tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, tranh cổ động phòng chống đại dịch Covid-19… Ở những cuộc thi này, dòng tranh cổ động không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật mà còn đóng vai trò như một lăng kính phản chiếu, gạn đục khơi trong và đặc biệt, được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa riêng mà không có loại hình nghệ thuật nào có thể sở hữu. 

Đơn cử, khi các bức tranh lễ hội xuất hiện nhiều mảng màu tối, bằng nét bút tài hoa, các họa sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm tuyên truyền ấn tượng về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đấu tranh nhằm giảm bớt những hình ảnh phản cảm, chen lấn, xô đẩy, thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trong hoạt động lễ hội. Được treo tại các lễ hội, những bức tranh này có tác động trực quan đến du khách, khá hiệu quả. 

Với ưu thế riêng có, tranh cổ động ở bất kỳ một giai đoạn nào cũng chưa bao giờ mất đi vị thế. Trong bối cảnh cuộc sống có nhiều đổi thay hôm nay, tranh cổ động ngày càng được tận dụng, phát huy sức mạnh, đồng hành cùng nhiều sự kiện, vấn đề trong cuộc sống. Sự chú ý của công chúng đối với tranh cổ động đề tài ứng xử văn hóa, văn minh, thanh lịch đem đến thêm một hình thức tuyên truyền giàu sức lan tỏa, đặc biệt là với giới trẻ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

(PNTĐ) - Từ ngày 8 – 12/5, sự kiện thường niên “Những ngày Văn học Châu Âu” sẽ quay trở lại với công chúng yêu văn chương tại Hà Nội bằng một chuỗi hoạt động sôi nổi và đặc sắc, lần đầu tiên đặt trọng tâm vào các nhà văn di dân gốc Việt đang tạo dấu ấn tại văn đàn châu Âu.
Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

(PNTĐ) - Bộ phim kinh dị Việt mùa hè năm nay Út Lan: Oán linh giữ của vừa tung đoạn teaser poster và teaser trailer khiến khán giả rùng mình. Đạo diễn Trần Trọng Dần và ê-kíp đã có một hướng tiếp cận đặc biệt cho câu chuyện dân gian bí ẩn về loại “bùa ngải” khét tiếng này.
Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

Khi nghệ sĩ “bán mình” vì lợi nhuận

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ Việt đối mặt với làn sóng chỉ trích vì quảng cáo sản phẩm thổi phồng công dụng, thậm chí sai sự thật. Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến thuốc giảm cân, chữa bệnh không rõ nguồn gốc... hình ảnh các nghệ sĩ vốn được công chúng tin tưởng đã bị lợi dụng, khiến nhiều người mất danh tiếng, sự nghiệp chỉ vì tham lợi từ quảng cáo.
Tùng Dương khuyên người trẻ: “Đừng buồn phiền nữa”

Tùng Dương khuyên người trẻ: “Đừng buồn phiền nữa”

(PNTĐ) - Khi ca khúc Tái sinh vẫn còn đang “cháy” trong lòng người hâm mộ, và Lời nói dối của cha vừa gây được ấn tượng mạnh, Tùng Dương tiếp tục tung ra một sản phẩm âm nhạc mới với cái tên đầy cảm xúc: Đừng buồn phiền nữa. Theo chia sẻ của nam ca sĩ, đây là lời nhắn nhủ đầy chân thành anh muốn gửi đến những người trẻ đang sống trong một thế giới đầy áp lực và biến động.