Sao Mai Khánh Ly tri ân các anh hùng liệt sĩ với MV “Còn mãi với non sông”
(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), ca sĩ Sao Mai Khánh Ly chính thức ra mắt công chúng MV Còn mãi với non sông như một nén tâm nhang của thế hệ hôm nay gửi đến những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bài hát MV là một ca khúc thính phòng mang âm hưởng hiện đại, được NSND Phạm Phương Thảo phổ nhạc từ thơ Khánh Dương. MV do đạo diễn Anh Quân dàn dựng và ghi hình trực tiếp tại các địa danh lịch sử ở Quảng Trị: Bến sông Thạch Hãn, Thành cổ, cầu Hiền Lương - Vĩ tuyến 17, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn…

Giải Ba Sao Mai 2011 cảm thấy ca khúc này như thể được viết riêng cho chính mình: “Tôi rung động ngay từ câu hát đầu tiên. Từng lời ca chạm thẳng vào trái tim tôi: “Đôi mắt cha sâu thăm thẳm, cha nói gì mà gió khẽ rung rung”, “Vệt cỏ xanh cháy khô trên nấm mộ. Có ai mang mang về trong nỗi nhớ. Để nước mắt thôi rơi, để nước mắt thôi rơi”, “Miền Trung ơi, Quảng Trị ơi. Chiếc đòn gánh cong hai đầu đất nước. Từng thớ đất thiêng thấm máu bao người”... Mỗi lần hát, tôi thấy nghẹn lại vì xúc động, như nhìn thấy bóng dáng của những người cha - người lính năm xưa nơi chiến trường…”.
“Ngay khi nghe những giai điệu đầu tiên của ca khúc do chị Thảo phổ nhạc, tôi như bị cuốn vào không gian lịch sử và nỗi đau của một thời chiến tranh. Lời ca mộc mạc, chân thật mà lay động, nhịp kể điềm tĩnh nhưng chất chứa nhiều mất mát khiến tôi thấy như mình đang được sống trong những khoảnh khắc hào hùng nhưng đầy thương đau của dân tộc”, Khánh Ly chia sẻ.
Đạo diễn Anh Quân cho biết, ý tưởng MV Còn mãi với non sông hình thành ngay khi anh nghe bản demo audio: Dựng lại mạch ký ức hướng về trận chiến Thành cổ Quảng Trị năm 1972 với 81 ngày đêm ác liệt đã đi vào lịch sử. Bám sát ca từ, anh xây dựng câu chuyện người cha cựu binh đưa con gái trở lại chiến trường xưa, tới các địa danh từng ghi dấu ấn lịch sử như cầu Hiền Lương, bờ sông Thạch Hãn, Thành cổ, Nghĩa trang Trường Sơn… Hành trình ấy vừa là cách kể lại những trang sử hào hùng cho thế hệ sau, vừa là lời tri ân những người lính đã ngã xuống...
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều MV có thể dựng bằng bối cảnh giả lập hoặc tư liệu, không nhất thiết phải trực tiếp ghi hình. Nhưng Khánh Ly chọn cách vào Quảng Trị cùng ê-kíp gần hai mươi con người, dù vất vả và tốn kém. “Tôi mong muốn đến vùng đất này để tri ân, không chỉ để quay MV”, cô kiên quyết. Khi cô nêu đề xuất, cả ê-kíp – từ đạo diễn, kỹ thuật âm thanh ánh sáng đến diễn viên – đều đồng ý rất nhanh, như thể có một sự nâng đỡ tâm linh nào đó.

Việc quay ngoại cảnh kéo dài nhiều giờ dưới nắng nóng miền Trung dễ gây kiệt sức. Đạo diễn Anh Quân cho biết, anh từng trải qua cái nóng “sốc nhiệt” khi quay tại Quảng Trị cho dự án khác, nên rất lo. Nhưng với Còn mãi với non sông, anh nói như được “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”: Thời tiết thuận, lịch trình trôi chảy, ê-kíp giữ được năng lượng tích cực. Khánh Ly tin đó là “sự suôn sẻ do tấm lòng chân thành” hướng về các anh hùng liệt sĩ.

Với sự quyết tâm bằng tất cả tấm lòng biết ơn của Khánh Ly, MV Còn mãi với non sông đã mang lại cho khán giả những hình ảnh giàu chất điện ảnh. Khánh Ly cho biết, chính trải nghiệm quay phim tại những địa danh lịch sử Quảng Trị đã mang đến cho cô những rung động thật, giúp cô thể hiện ca khúc thêm sâu lắng, hát thính phòng mà nghe như lời thủ thỉ… Khi thực hiện cảnh quay tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, giữa hàng ngàn mộ phần, nhiều liệt sĩ tuổi mười tám đôi mươi, cô thắp hương và hát mà không cầm được nước mắt. Cô nhớ nhất khi ghi hình ở sông Thạch Hãn, từ bờ nhìn ra tưởng bình yên, “nhỏ nhắn thôi”, nhưng ngồi đò ra giữa dòng mới thấy sông rộng và sâu. “Tôi hình dung người lính xưa phải vượt sông trong mưa bom đạn, mang vũ khí nặng, nhiều người chưa kịp sang đã hy sinh”- cô nghẹn ngào.

Nhà thơ Khánh Dương, tác giả bài thơ cho biết, anh rất xúc động với MV vì đó là câu chuyện có thật của rất nhiều các chú, các bác trước đây ở Hà Nội từng vào tham gia chiến trường ở Quảng Trị. “Trước kia bố tôi cũng là phóng viên, ông tham gia các chiến trường ở Quảng Trị. MV của Khánh Ly quả thật đã khắc họa được sự tàn khốc của chiến tranh nhưng với tiếng hát rất đẹp và dịu dàng”- nhà thơ Khánh Dương bày tỏ.

NSND Quốc Hưng xúc động khi xem MV. MV khiến ông nhớ lại những ngày này năm ngoái, cũng lặn lội quay MV ở Quảng Trị để tri ân Anh hùng, liệt sĩ nhân dịp 27/7. Ông nhận định, MV có những hình ảnh tinh tế, đắt giá tạo nên không khí thiêng liêng trong ý nghĩa tri ân.
NSND Quang Thọ nói lời cảm ơn học trò Khánh Ly của mình khi theo dõi MV, ông cho rằng, hiện giờ dòng chảy âm nhạc của chúng ta đang rất rộng, rất nhiều nhánh âm nhạc khác nhau và nhạc đỏ - dòng nhạc chính thống không được chú trọng như ngày xưa nữa. “Giờ có nhiều dòng nhạc khác chi phối thị trường chúng ta, nên có được những MV, tác phẩm, chương trình ca nhạc như thế này, bản thân tôi - những người đã hoạt động âm nhạc, đã chèo chống trên con thuyền âm nhạc suốt bao thập kỷ nay, rất tự hào và rất biết ơn sự đồng hành đó của các bạn trẻ như Khánh Ly, để dòng âm nhạc này tồn tại vĩnh viễn”- NSND Quang Thọ nhấn mạnh.

Khánh Ly cho biết, sau khi hoàn thành Còn mãi với non sông, cảm xúc tri ân vẫn đang đầy trong tim cô. Cô ấp ủ tiếp tục thực hiện thêm các sản phẩm về người lính, Mẹ Việt Nam anh hùng và những câu chuyện lịch sử để lan tỏa lòng biết ơn, tự hào dân tộc.

Sao Mai Khánh Ly là Tiến sĩ âm nhạc, hiện đang giảng dạy thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô đã cho ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc được công chúng đón nhận như album “Miền xa thẳm”, album “Mùa lá đi qua”, album “Lời ru nguồn cội”, MV “Mùa đông không lạnh”, MV “Khúc ru”, MV “Khúc mùa xuân”, MV “Có Đảng sáng soi”, MV “Ly”, MV “Hà Nội ngày tháng cũ”…