Số hoá di sản để trở thành tài sản

THẢO MỘC
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền cho biết: Thời gian tới, ngành văn hoá sẽ thúc đẩy các dự án về số hóa di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch. Theo đó, tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát, đặc biệt tập trung vào bản đồ số hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Từ đó, khai thác và phát huy, biến di sản trở thành tài sản.

Số hoá di sản để trở thành tài sản - ảnh 1
Du khách quét mã QR code để nhận thông tin về di tích và hiện vật khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám Ảnh: ST

Phát huy tài nguyên di sản trên môi trường số
Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản là một trong những nội dung được chú trọng trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong thời gian qua, đặc biệt trước tác động của đại dịch Covid-19. Đề cập đến vấn đề hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam trên môi trường số, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết, trong nhiều năm qua, Cục Di sản Văn hoá đã xây dựng, nâng cấp và đưa vào hoạt động các phần mềm quản lý hệ thống thông tin hướng tới cập nhật các dữ liệu số. Số hoá trong hoạt động quản lý di tích được triển khai mạnh mẽ với nhiều nội dung như: Xây dựng hệ thống thông tin khoa học về di tích và các tổ chức/cá nhân quản lý trực tiếp hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về di tích; công nghệ số 2D, 3D, công nghệ nano hỗ trợ trực tiếp công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích; giới thiệu, quảng bá di sản, hỗ trợ du lịch, giáo dục góp phần phát triển kinh tế xã hội và văn hóa bền vững.

“Trong quản lý di sản văn hoá phi vật thể, số hoá cũng được đẩy mạnh ở các nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể; tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn, đặc biệt với các di sản có nguy cơ mai một và biến mất; trở thành công cụ đào tạo, giảng dạy; hỗ trợ hoạt động trưng bày, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể; quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó, trong hoạt động bảo tàng, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, số hoá cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng” - bà Hiền nói.

Nhấn mạnh vai trò của việc phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên môi trường số, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định, ngày nay, hiện vật bảo tàng không chỉ được giới thiệu trong trạng thái tĩnh, mà sự tương tác dưới nhiều hình thức đã được áp dụng rộng rãi ở các bảo tàng trên khắp thế giới, đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Bằng việc sử dụng công nghệ một cách thông minh, bảo tàng có thể tăng cường sự tập trung và quan tâm tới bộ sưu tập của mình và làm cho bảo tàng trở nên dễ tiếp cận hơn.

Ông Minh cũng cho biết thêm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới đây đã xây dựng và cho ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu cải thiện chất lượng tham quan cho du khách, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Dự án này cũng là bước cụ thể hóa các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng nhấn mạnh: “Trong thực tiễn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại phục vụ công tác bảo tồn và phát huy, công tác quản lý và khai thác giá trị di sản phục vụ khách tham quan sẽ giải quyết, bổ sung rất hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền bá giá trị di sản. Vì vậy, xu hướng sử dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh đang được các bảo tàng, khu di tích trên thế giới và Việt Nam triển khai một cách rất hiệu quả”.

Chuyển đổi số giúp nhân lên giá trị di sản
Từ ví dụ của Hà Nội là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tại hội nghị về chuyển đổi số ngành văn hoá, du lịch diễn ra tuần qua của Bộ VHTTDL, nhiều chuyên gia văn hoá nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ góp phần nhân lên nhiều giá trị của di sản. 
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Là một trong những điểm du lịch quan trọng bậc nhất và thu hút đông khách du lịch của Thủ đô Hà Nội, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là rất cần thiết nhằm hiện đại hóa, hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; cung cấp dịch vụ thông tin, tuyên truyền, thuyết minh phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của di tích trong kỷ nguyên thông tin cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay”.

Với định hướng này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang đẩy mạnh chuyển đổi số với nhiều nội dung quan trọng như: Xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ sản phẩm đã được số hóa, di sản sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, qua đó góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản đó. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa phi vật thể; phát triển các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ; đặc biệt nội dung hứa hẹn nhiều thú vị là tổ chức chương trình trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng ứng dụng công nghệ. 

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương: “Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì".

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng cho rằng, ngành VHTTDL sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác ở Việt Nam về quy mô thị trường, vì ngành này không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn có cơ hội phục vụ 8 tỉ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Vì vậy, chuyển đổi số là hết sức cần thiết để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội đó, đặc biệt thông qua quan hệ số, chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ trải nghiệm du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong nước và nước ngoài và nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số. Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, 3 nền tảng nêu trên là những nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số trong chiến lược quốc gia. 

Chuyển đổi số đưa các hoạt động môi trường thực lên môi trường số; thúc đẩy số hóa các di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có sự hiện diện số, hình thành bản đồ di sản số để người dân du lịch có thể thuận lợi truy cập trên môi trường số. Công nghệ thực tế ảo cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

(PNTĐ) - Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 dự kiến được tổ chức trong 5 ngày trong tháng 7 tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Sự kiện lần đầu được tổ chức sẽ gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.
Chung tay "xây nhà mới" cho người khuyết tật từ dự án Những bức chân dung từ lụa vụn

Chung tay "xây nhà mới" cho người khuyết tật từ dự án Những bức chân dung từ lụa vụn

(PNTĐ) - Mỗi người có thể gửi cho Vụn Art những bức chân dung ưng ý, mang tính cá nhân hóa dành tặng bản thân, hoặc gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Những người thợ là người khuyết tật sẽ tạo ra bức tranh chân dung đó từ vụn lụa Hà Đông. Số tiền bán tranh sẽ được huy động để cải thiện nơi làm việc cho những nghệ nhân đặc biệt này.