Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân

Ngô Khiêm Ảnh: Dũng Nguyễn, Thủy Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện K Tân Triều hay các nhân viên ở Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã không còn xa lạ với hình ảnh một cô giáo, ca sĩ có khuôn mặt nhân hậu thường lui đến sẻ chia tấm lòng với những người có hoàn cảnh kém may mắn. Đó là chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) – người đã được Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020.

Có chồng hay công tác xa nhà, lại có 2 con nhỏ nhưng hễ ở đâu có sự giúp đỡ là thấy bóng dáng của cô giáo Thùy Dương. Suốt hơn 10 năm qua, chị đã thầm lặng giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn ở trong và ngoài địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là các bệnh nhân ở Bệnh viện K Tân Triều. Đôi khi là ủng hộ quà, khi thì tiền mặt cho cụ già, em nhỏ, những hoàn cảnh khó khăn mà chị biết như trẻ em mồ côi ở chùa hay cưu mang các cụ già nghèo khó giảm sức lao động… Cũng có khi chị cùng nhóm giáo viên, đoàn thanh niên của trường hay nhóm bạn thân tham gia các hoạt động  như: “Mùa hè xanh tình nguyện”, “Trung thu cho em” hay nhóm bạn đi tặng quà người nghèo, xây trường cho các em nhỏ ở huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái)…

Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân - ảnh 1

Mặc dù không phải là người có sức khỏe tốt nhưng suốt 5 năm qua, chị liên tiếp hiến máu tình nguyện. Hằng ngày xem ti vi, đọc báo thấy ở Việt Nam mỗi ngày có nhiều người bị tai nạn giao thông rồi các bệnh liên quan đến cấp cứu cần lượng máu lớn nên chị đã không ngần ngại cho đi lượng máu trong cơ thể để có thể cứu sống được người khác. Với chị, đó cũng là cách đóng góp cho cộng đồng hết sức thiết thực trong khi ai đó còn có tâm lý e ngại sợ hiến máu, sợ lượng máu sẽ không đến được địa chỉ cần đến.

Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân - ảnh 2

Là giáo viên tiểu học, cô giáo Thùy Dương luôn cho rằng, làm thiện nguyện sẽ truyền cảm hứng sống đẹp đến mọi người chung quanh, đặc biệt là giúp các em học sinh hình thành nhân cách biết yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn và trân trọng những điều giản dị trong cuộc sống. Công việc này với chị luôn đầy ắp sự thú vị, không chỉ khiến cái tâm thanh thản mà còn cho chị cơ hội được tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội để có những trải nghiệm và cảm xúc trong sáng tác âm nhạc.

Là giáo viên âm nhạc, cô giáo Thùy Dương còn bộc lộ khả năng ca hát và sáng tác tài tình. Những ca khúc do chị sáng tác và thể hiện đã được phát sóng trên nhiều đài truyền hình. Đề tài trong sáng tác của chị khá đa dạng, có thể về tình yêu đôi lứa, tình cảm thầy trò, tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương đất nước mà ở đó mỗi người sẽ nhận thấy một trái tim yêu người, yêu đời tha thiết, mặn nồng. Là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, ca sĩ Thùy Dương có nhiều “đất” diễn khi thường xuyên tiếp xúc, trao đổi chuyên môn với các nhạc sĩ, ca sĩ hàng đầu Thủ đô. Điều đó đã giúp ích cho chị rất nhiều trong việc nâng cao khả năng sáng tác, biểu diễn và giảng dạy.

Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân - ảnh 3

Ghi nhận, đánh giá cao hội viên của mình, chị Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân nhận xét: “Không chỉ giỏi chuyên môn, cô giáo Thùy Dương còn có tấm lòng ấm áp khi thường xuyên có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân, Thùy Dương cũng rất năng nổ tham gia ca hát, dàn dựng chương trình và là nòng cốt trong phong trào văn nghệ. Cô giáo Thùy Dương là tấm gương sáng để hội viên phụ nữ trong và ngoài địa bàn quận Thanh Xuân học tập, noi theo. Chị sống đẹp như đóa hoa mùa xuân, luôn tỏa ngát hương để đời thêm đẹp tươi”.

Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân - ảnh 4

Những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, cô giáo Thùy Dương tìm đến vườn bưởi Diễn và bên những sắc hoa để lưu lại khoảnh khắc của tuổi xuân, cũng để cảm nhận thiên nhiên sang xuân bình yên và tươi đẹp. Chị chia sẻ mùa xuân mang theo niềm tin, khát vọng của mỗi người, để chúng ta thêm quyết tâm, động lực làm những điều có ích cho xã hội, thêm tin tưởng hy vọng vào tương lai…

 

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.