Sứ mệnh của các nhà thiết kế với vẻ đẹp áo dài Việt

Chia sẻ

Làm sao để mọi người cùng yêu áo dài, cùng tự hào và hãnh diện khi diện tà áo dài như một lẽ tất yếu trong đời sống không chỉ là câu chuyện lan toả một tình yêu, mà còn có trách nhiệm không nhỏ của các nhà thiết kế, may đo… áo dài.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày áo dài của các NTK trong khuôn khổ chương trình Gặp mặt cán bộ Hội qua các thời kỳCác đại biểu tham quan gian trưng bày áo dài của các NTK trong khuôn khổ chương trình Gặp mặt cán bộ Hội qua các thời kỳ (Ảnh: Nguyễn Thực)

Từ sứ mệnh, nhiệm vụ đặc biệt của Áo dài…

Nằm trong khuôn khổ chương trình Gặp mặt cán bộ Hội Phụ nữ qua các thời kỳ do Hội LHPN Hà Nội tổ chức diễn ra sáng ngày 17/10, sự kiện trưng bày áo dài của 5 nhà thiết kế áo dài thuộc CLB áo dài Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo quan khách.

5 nhà thiết kế là Đỗ Trịnh Hoài Nam, David Lê, Hường Handy, Hoàng Ly, Hồng Duyên đã mang đến 5 bộ sưu tập áo dài với 5 sắc thái khác nhau. Bộ sưu tập của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tôn vinh vẻ đẹp sang trọng, quý phái cùng những hoạ tiết đậm đà bản sắc Việt được thể hiện hết sức tinh tế; Bộ sưu tập “Hương sắc cao nguyên” của NTK David Lê tạo thú vị, ấn tượng khi sử dụng các hoạ tiết của vùng Tây Nguyên nắng gió; áo dài của NTK Hồng Duyên lại mang nét quyến rũ, vẻ đẹp của Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội; NTK Hường Handy khoe chất liệu lụa Hà Đông nức tiếng qua các thiết kế áo dài cưới vừa trẻ trung mà lại rất truyền thống…

Mỗi bộ sưu tập đều mang một vẻ đẹp riêng, tuy nhiên, điểm chung xuyên suốt mà người xem thấy được đó chính là các nhà thiết kế đều cùng hướng đến những giá trị văn hoá, di sản truyền thống của Việt Nam. Nhờ đó, người xem dễ dàng cảm nhận được hình ảnh văn hoá, đất nước con người Việt Nam đã hoà quyện với áo dài để trở thành những tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp Việt một cách toàn diện. Nhà thiết kế David Lê chia sẻ: “Tôi nhận thấy một điều tuyệt vời ở số đông các nhà thiết kế áo dài hiện nay là họ đã hướng tới nghiên cứu sâu sắc hơn tới những giá trị di sản văn hoá Việt Nam với mục đích quảng bá vẻ đẹp Việt Nam. Điều này rất quan trọng, nó giúp mọi người có thể hiểu và cảm nhận văn hoá, bản sắc Việt rõ nét và đa dạng. Một dân tộc mà mọi người cùng hiểu sâu rộng về văn hoá, vẻ đẹp của dân tộc mình là điều vô cùng cần thiết. Áo dài và các nhà thiết kế đã và đang làm nhiệm vụ đó”.

Vì thế mà NTK Hường Handy tập trung khai thác sâu vào chất liệu lụa Hà Đông với thông điệp bảo tồn giá trị và phát huy chất liệu truyền thống của dân tộc. Giữa những chất liệu hiện đại, nhập khẩu đa dạng hôm nay, những chiếc áo dài với chất liệu lụa truyền thống nếu không có người gìn giữ sẽ có nguy cơ mai một và biến mất. NTK Hường Handy hướng tới người mặc là những người trẻ tuổi để làm sao có thể nối tiếp tình yêu lụa Việt đến những thế hệ sau này. NTK David Lê cũng theo đuổi việc thêu và đính kết trên áo dài với suy nghĩ càng ngày giới trẻ càng ít quan tâm hơn đến nghề thêu và đính- nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc. Vì vậy, anh và gia đình mình đã nỗ lực để gìn giữ nghề này như một nhiệm vụ vừa giúp tiêu thụ được sản phẩm của nghề thủ công, vừa giữ gìn phát triển nghề này đến mai sau.

Có thể thấy, áo dài không chỉ có giá trị về mặt thời trang, mà còn mang nhiệm vụ, sứ mệnh rất lớn đối với việc quảng bá giá trị văn hoá, di sản, vẻ đẹp Việt Nam đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nghề thủ công truyền thống của dân tộc có nguy cơ bị mai một.

…Đến trách nhiệm của các nhà thiết kế

Trong nỗ lực đưa áo dài được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện chuỗi sự kiện “Áo dài - Di sản văn hoá Việt Nam” đã tạo nên phong trào mặc áo dài sâu rộng ở khắp nơi, đặc biệt là các cấp Hội phụ nữ Hà Nội. Đây là cú hích lớn để áo dài đã có một sức lan toả mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng không phải chờ đến thời điểm này áo dài mới được quan tâm, mà trong những năm gần đây, áo dài đã được phụ nữ Việt mọi lứa tuổi, mọi thế hệ dần yêu mến một cách rất tự nhiên, khẳng định giá trị truyền thống là bất biến. Càng ngày người ta càng nhận rõ áo dài là biểu tượng tôn vinh vẻ đẹp, tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, “mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh xã hội đương đại" như PGS.TS Bùi Hoài Sơn từng nhận định.

Và, để áo dài được thực sự yêu thích chứ không phải chỉ là “phong trào” có một phần nhiệm vụ quan trọng của các nhà thiết kế, may đo áo dài. NTK áo dài Huyền Nguyễn cho rằng: “Tôi nghĩ, làm sao để mọi người yêu hơn tà áo dài, đưa áo dài trở thành văn hoá mặc phổ thông nhất ngoài việc truyền thông quảng bá, thì nhiệm vụ của những người thiết kế, may đo áo dài rất quan trọng. Đó là họ phải làm sao để may cho đẹp để bất kể ai mặc áo dài cũng thấy mình đẹp hơn thì tình yêu áo dài mới bền vững được.”

NTK Hường Handy chia sẻ, cô rất mê áo dài vì đó là sản phẩm thời trang che được khuyết điểm rất “kỳ diệu”. Người mập mặc vào sẽ che được bắp chân, tay, eo, lưng rất tốt, người gầy mặc sẽ không bị cảm giác gầy như mặc quần áo. Áo dài lại tạo nên vẻ thướt tha, dịu dàng cho người phụ nữ, càng làm niềm đam mê thiết kế áo dài của cô thêm mãnh liệt. Đó cũng là lý do mà Hường Handy tham gia CLB Áo dài Việt Nam và trở thành Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của CLB với mong muốn cùng các NTK, may đo áo dài đồng hành chặt chẽ hơn nữa trong quá trình lan toả tình yêu áo dài và thực hiện sứ mệnh của mình là may áo dài sao cho đẹp để người mặc thích và yêu tà áo dài một cách tự nhiên nhất. Đó cũng là nỗ lực của hầu hết các NTK áo dài với khát vọng đưa áo dài gắn bó mật thiết với đời sống.

NAM PHONG

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ tới thế hệ trẻ thông qua những ấn phẩm được xuất bản.
Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.
Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” trình chiếu miễn phí 6 bộ phim: Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên, Chuyện những người lính già, Đồng hành cùng lịch sử, Chia lửa cùng Điện Biên, Điện Biên Phủ niềm hy vọng.