Hà Nội phát triển du lịch làng nghề năm 2023:

Tạo mũi nhọn cho công nghiệp văn hóa Thủ đô

Hoài Đức
Chia sẻ

(PNTĐ) -Phát triển du lịch làng nghề truyền thống không chỉ là bán hàng sản phẩm mà còn cần đầu tư có hệ thống và kết nối từ không gian, cảnh quan đến các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa để mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đây cũng là một trong những mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội được thúc đẩy trong năm 2023 này.

Tạo mũi nhọn cho công nghiệp văn hóa Thủ đô - ảnh 1
Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, Thường Tín thu hút khách du lịch Ảnh: Tiến Hiệp

Du lịch văn hóa làng nghề Hà Nội đang thu hút du khách 
Trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán từ 21/1 đến 26/1 (tức ngày 30/12/2022-5/1/2023 âm lịch), Hà Nội đón khoảng 332.000 lượt khách. Trong đó, điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đón 3.600 lượt khách; 3 điểm du lịch của huyện Gia Lâm (Bát Tràng, Phù Đổng và Dương Xá) đón khoảng 10.000 lượt khách. Trước đó, dịp Tết dương lịch (từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023), điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đón 3.652 lượt khách; 3 điểm du lịch của huyện Gia Lâm (Bát Tràng, Phù Đổng và Dương Xá) đón khoảng 35.000 lượt khách. Riêng tại điểm Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt ở thôn 5 làng nghề gốm Bát Tràng có khoảng 10.000 khách đến tham quan, mua sắm. Có thể nói du lịch văn hóa làng nghề Hà Nội đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.  

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, là định hướng quan trọng mở ra nhiều cơ hội mới để các địa phương, trong đó có Hà Nội đẩy mạnh bảo tồn phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch trong giai đoạn mới. 

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội cho biết: “Hiện nay Bát Tràng phát triển làng nghề sản xuất kết hợp với trưng bày và sản phẩm OCOP thu hút khách du lịch rất tốt, đặc biệt là Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. Điều đó cho thấy rằng người dân mình rất yêu văn hóa, rất muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa làng nghề. Du khách đến Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt đánh giá cao nội dung giới thiệu về làng nghề, ấn tượng với việc được trải nghiệm thao diễn làm nghề, thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sản Bát Tràng”.

Theo bà Hà Thị Vinh, đây cũng là điểm nhấn phát triển du lịch gắn với giới thiệu văn hóa Việt, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, với các làng nghề giữ được nhiều bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử hàng trăm năm đã viết lên câu chuyện văn hóa rất ý nghĩa.  

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, 203 nghệ nhân được phong tặng, 318 làng nghề truyền thống được công nhận, có 28 khu, điểm du lịch được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn. 

Tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch, những năm gần đây, nhiều làng nghề đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng nón Chuông (Thanh Oai)… đón nhiều lượt khách du lịch trong ngày đến tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, Hà Nội còn rất nhiều làng nghề lâu đời, có những nét văn hóa truyền thống độc đáo như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ và tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên), dát vàng Kiêu Kỵ (nơi duy nhất trong cả nước làm nghề vàng, bạc quỳ), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), phường rối Tế Tiêu (Mỹ Đức)... có tiềm năng lớn để trở thành điểm du lịch hấp dẫn và khai thác các sản phẩm du lịch để phát triển bền vững, vẫn chưa được khai thác tốt. 

Chưa phát triển hết tiềm năng
Theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về kinh tế-xã hội (Văn phòng Quốc hội), hiện có 2 mô hình làng nghề du lịch đang được đầu tư phát triển. Một là, phát huy làng nghề truyền thống trên cơ sở vốn có tồn tại từ xa xưa của địa phương. Hai là, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch rồi đưa mô hình làng nghề vào đó phục dựng không gian truyền thống để khai thác các giá trị sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, phát triển du lịch làng nghề còn mang tính tự phát. Làng nghề được chọn làm điểm du lịch còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống hiện nay. Hơn nữa, phần lớn, các làng nghề chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu và yếu.

Tạo mũi nhọn cho công nghiệp văn hóa Thủ đô - ảnh 2

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, mặc dù đã có nhiều cố gắng của chính quyền ở các địa phương, nhưng nhiều năm qua, chỉ có một số làng nghề được khai thác, đưa vào các chương trình du lịch của một số doanh nghiệp lữ hành. Việc khai thác này ở một số điểm đến - làng nghề còn khiêm tốn, chưa được tổ chức một cách quy mô lớn, có hệ thống và có nơi còn mang tính tự phát từ phía các doanh nghiệp lữ hành do nhu cầu đa dạng sản phẩm du lịch cho du khách. Thực tế, du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là đến xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, hay mua sắm, tham quan mà khách du lịch còn mong muốn được tìm hiểu những giá trị văn hóa trong đó, những giá trị phi vật thể tồn tại qua thời gian ở làng nghề.

Cũng trăn trở về làm sao để phát triển du lịch làng nghề, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhất là Tây Âu rất thích đồ sơn mài, khách Nhật ưng sản phẩm tranh thêu, du khách Mỹ hướng đến đồ mỹ nghệ bằng gỗ, tre, rơm… Nhưng hiện các làng nghề chưa khai thác vào thế mạnh phát triển du lịch mà lại chú trọng nhiều đến sản xuất phục vụ xuất khẩu. Vì thế, sản phẩm các làng nghề cũng chủ yếu đi vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp chưa quan tâm tới đồ lưu niệm bình dân, trong khi thị trường này đang mang lại nguồn thu lớn. Các làng nghề cũng chưa xây dựng mối liên kết, chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận giữa du lịch với người dân làng nghề.

Cần đầu tư có hệ thống và kết nối 
Để phát triển du lịch làng nghề, Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương cho rằng, các địa phương nên căn cứ theo từng đặc điểm, quy hoạch của mỗi làng nghề mà lựa chọn mô hình phù hợp. Để phát triển bền vững, cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước với các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch làng nghề trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, người dân cần được giáo dục ý thức, nâng cao nhận thức đúng và đủ về du lịch cộng đồng; hiểu về du lịch cộng đồng là giải pháp tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm sinh kế, nâng cao thu nhập; từ đó để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề của địa phương.

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, doanh nghiệp và nghệ nhân làng nghề thì đã sẵn sàng, giờ chỉ còn mong chờ sự vào cuộc quyết liệt “đến nơi đến chốn” của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tồn, quảng bá làng nghề truyền thống, như lập cổng thông tin điện tử, website, ứng dụng du lịch, số hóa di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thuyết minh tự động với nhiều ngôn ngữ quốc tế, trải nghiệm thực tế ảo.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Để đón nhiều khách du lịch về với làng nghề thì chính người làm nghề phải có thái độ chân thành, cởi mở, giá thành sản phẩm phù hợp mà phải đẹp mẫu mã, chất lượng phải đảm bảo. Làm du lịch làng nghề phải chắc chắn, đồng bộ, kết nối với các di tích văn hóa, giới thiệu các nét văn hóa độc đáo, đặc sản ẩm thực địa phương… chứ không phải chỉ là mở ra bán hàng. Cần sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, hiệp hội làng nghề, nhất là chính quyền địa phương quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, tăng cường quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông và người làm nghề thì phải chủ động đổi mới sáng tạo”.  

Cũng theo ông Lưu Duy Dần, năm 2023, với chủ trương “Kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế”, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam sẽ tích cực triển khai các hoạt động kết nối, quảng bá và thúc đẩy các hội viên chung tay xây dựng các điểm du lịch làng nghề.

Năm 2022, thành phố Hà Nội đã công nhận mới thêm 7 điểm du lịch cấp Thành phố, trong đó có: Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, Điểm Du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm. Để phát triển du lịch làng nghề trở thành sản phẩm hấp dẫn của Hà Nội, theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ngoài xây dựng sản phẩm mới, địa phương cần chú trọng tới việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, tổ chức lại giao thông nội vùng, tăng cường kết nối giao thông, du lịch với các địa phương lân cận, đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch có phương án đưa, đón khách nội địa và quốc tế đến làng nghề tham quan, mua sắm. “Tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội thực sự rất to lớn, nếu được tổ chức chuyên nghiệp không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa” - bà Giang nhấn mạnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Long Nhật gây xôn xao khi đột ngột từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo 2 cuộc thi sắp diễn ra

Long Nhật gây xôn xao khi đột ngột từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo 2 cuộc thi sắp diễn ra

(PNTĐ) - Ca sĩ Long Nhật đang gây chú ý khi vừa đột ngột tuyên bố từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo của hai cuộc thi: Giọng ca vàng Bolero Việt Nam và Tình ca Quê hương Việt Nam do Trung tâm Giọng ca vàng Việt Nam tổ chức. Điều này dấy lên nghi ngờ nam ca sĩ có sự không hài lòng nào đó với hai cuộc thi này.
Hàng chục nghìn khán giả cùng hát, cùng khóc với “Anh Trai Say Hi” dưới cơn mưa Hà Nội

Hàng chục nghìn khán giả cùng hát, cùng khóc với “Anh Trai Say Hi” dưới cơn mưa Hà Nội

(PNTĐ) - Tối 10/5, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) một lần nữa trở thành tâm điểm của làn sóng giải trí, khi hơn 50.000 khán giả bất chấp mưa tầm tả để hòa mình trong đêm nhạc “Anh Trai Say Hi - Concert Đêm 6” với chủ đề Pas Plus Encore. Đây là đêm cuối cùng, khép lại chuỗi sáu đêm concert tại TP. HCM và Hà Nội, đồng thời là mốc son đánh dấu hành trình gần một năm của 30 “Anh Trai” - những chàng trai đa tài đang làm mưa làm gió trên thị trường giải trí Việt.
Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

(PNTĐ) - Từ ngày 8 – 12/5, sự kiện thường niên “Những ngày Văn học Châu Âu” sẽ quay trở lại với công chúng yêu văn chương tại Hà Nội bằng một chuỗi hoạt động sôi nổi và đặc sắc, lần đầu tiên đặt trọng tâm vào các nhà văn di dân gốc Việt đang tạo dấu ấn tại văn đàn châu Âu.
Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

(PNTĐ) - Bộ phim kinh dị Việt mùa hè năm nay Út Lan: Oán linh giữ của vừa tung đoạn teaser poster và teaser trailer khiến khán giả rùng mình. Đạo diễn Trần Trọng Dần và ê-kíp đã có một hướng tiếp cận đặc biệt cho câu chuyện dân gian bí ẩn về loại “bùa ngải” khét tiếng này.