Tết Độc Lập và những điều còn mãi…
PNTĐ-Năm nay, sân khấu Thủ Đô lại tưng bừng, rộn rịp với những chương trình nghệ thuật kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Hòa nhạc ”Điều còn mãi” tìm đến khán giả trẻ
Đã thành một thói quen, cứ đến Tết Độc Lập, công chúng Thủ đô cũng như cả nước lại chờ đợi buổi hòa nhạc “Điều còn mãi” được tổ chức vào đúng 14h, giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm nay, “Điều còn mãi” 2018 có chủ đề “Trên đôi cánh tình yêu”. Khán giả sẽ được thưởng thức một số ca khúc như: Thu quyến rũ, Ai về sông Tương, Quê em miền Trung du, Hát về cây lúa hôm nay, Tháng 3 Tây Nguyên, Hà Nội mùa thu, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, Giấc mơ mùa lá…
Chuyển soạn, phối khí cho chương trình là những nhạc sĩ gạo cội và tên tuổi như nhạc sĩ Trọng Đài, Đỗ Hồng Quân, Trần Mạnh Hùng... Đặc biệt, lần đầu tiên Hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” có nghệ sĩ người Nga Ivan Gorchep tham gia chuyển soạn tác phẩm dân ca “Hoa thơm bướm lượn”. Chỉ huy dàn nhạc là sự đồng hành quen thuộc của nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Các nghệ sĩ tham gia chương trình như ca sĩ Mỹ Linh, Đăng Dương, Mạnh Dũng, Khánh Linh, Tân Nhàn, Đức Tuấn, Phạm Khánh Ngọc - giải Nhì cuộc thi tìm kiếm giọng ca opera đầu tiên của Đông Nam Á 2016... Hòa nhạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Những điểm nhấn đáng chờ đợi
Dịp Tết Độc Lập năm nay, trên sóng Đài truyền hình Việt Nam thực hiện một loạt các chương trình kỷ niệm trong các ngày 1, 2, 3/9 trên các kênh VTV1, VTV3, VTV4, VTV8 và VTV9 được khán giả rất đón đợi. 4 bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là một dấu ấn rất ấn tượng và hấp dẫn công chúng.
Một hình ảnh trong phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” |
Theo đó, bộ phim “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” được xây dựng trên mạch cảm xúc là các bài hát quốc tế nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh; bộ phim “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” - đi theo mạch nội dung bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề cập nhiều câu chuyện lịch sử thông qua chia sẻ các nhân vật trong và ngoài nước, đặc biệt ở Venezuela mà người dân đặc biệt yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh; bộ phim “Đường Kách mệnh: Ngọn đuốc thế kỷ” - kể về quá trình hình thành tác phẩm Đường Kách mệnh và hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc; bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp” - giải mã những bí ẩn chưa công bố về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1919 - 1923.
Bên cạnh đó, trên sóng truyền hình cũng sẽ chiếu loạt phim tài liệu như: Nhớ mùa Thu năm ấy, Ký ức mùa Thu và Hồ Chí Minh - Đi ra từ nhân loại; ký sự Trường Sơn huyền thoại.
Cũng trong dịp này, thành phố Hà Nội sẽ có một loạt các triển lãm được tổ chức, đáng chú ý là buổi triển lãm sách báo về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 từ năm 1946 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng).
Đây là dịp để độc giả tiếp cận, tìm hiểu thêm những nguồn tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước như: Tờ Cứu Quốc số ra 813 năm 1949; Tờ Nhân Dân số ra ngày 2/9/1952; Tờ Quân Việt Bắc số 152-1955; Tờ Văn Nghệ số 18-1963. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia có tuần lễ kỷ niệm với loạt phim cách mạng, trong đó sẽ chiếu miễn phí 2 bộ phim: “Sứ mệnh trái tim” và “Đừng đốt”. Trung tâm sẽ phát giấy mời miễn phí từ 15h00 - 18h00 từ Thứ 2 (27/8/2018) tại sảnh tầng 1, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Vào tối 29 và 30-8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hai đêm tuyên truyền lưu động tại huyện Quốc Oai và huyện Thanh Trì.
Các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Ứng Hòa... cũng sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở trung tâm các quận để phục vụ người dân. Khắp thành phố cũng sẽ có nhiều chương trình văn hóa văn nghệ công cộng để chào mừng ngày Quôc khánh. Cùng với đó, sân khấu Thủ đô sáng đèn suốt trong dịp này với những chương trình biểu diễn các ca khúc nhạc cách mạng nổi tiếng phục vụ khán giả.
Nam Phong