Thách thức xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu

NGỌC HIỀN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Không hẹn mà gặp, đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), nhiều tác phẩm sân khấu về Bác Hồ đã được các đơn vị nghệ thuật tập trung dàn dựng với sự đầu tư lớn, kỹ lưỡng nhất trong vài năm trở lại đây.

Nguồn cảm hứng bất tận về Bác

Với các nghệ sĩ sân khấu, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận, nhưng cũng đầy thách thức để xây dựng thành công. Song, họ vẫn mạnh dạn dấn thân, nhằm đem đến cách thức tiếp cận hấp dẫn với khán giả hôm nay, để mỗi người thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, từ đó học và làm theo Bác.

Các tác phẩm về Bác Hồ được ra mắt trong dịp này đều huy động nhiều trí lực của người làm nghệ thuật, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm nỗ lực khắc họa hình tượng nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thực, sinh động nhưng cũng muôn hình muôn vẻ trong rất nhiều giai đoạn khác nhau.

Với vở nhạc kịch Người cầm lái, vở nhạc kịch đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhà hát Công an nhân dân (CAND) đầu tư dàn dựng, tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn - biên đạo Tuyết Minh cho biết, chị đã dành tâm huyết cho tác phẩm về Bác từ nhiều năm trước. Khi viết kịch bản, tác giả đã nghiên cứu cô đọng từ những câu văn dài thành những câu thơ vần, cô gọn và hoán vị từ ngữ nhằm phát huy tối đa vẻ đẹp của thanh sắc tiếng Việt. Trong câu thơ có tính kịch, tâm trạng, thông điệp của từng tuyến nhân vật, dẫn dắt thông tin ngắn gọn, hàm súc nhất tới khán giả. 

Ngay từ những suất diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, vở kịch Lá đơn thứ 72 đã chinh phục được đông đảo khán giả. Dựa trên câu chuyện có thật về vụ án oan sai của ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, cán bộ địa phương bị lĩnh án 8 năm tù vì tội giết người không ngừng làm đơn kêu oan gửi tới Bác Hồ và đã được minh oan đã được đưa lên sân khấu. Vở kịch quy tụ các “lão làng” của ngành sân khấu: Tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ, họa sĩ thiết kế sân khấu, NSND Vương Duy Biên cùng các nghệ sĩ Văn Hải, NSND Lệ Ngọc, NSƯT Hoàng Tùng, Anh Tuấn…

Lá đơn thứ 72 đã mang tới cho công chúng một tác phẩm đặc biệt, khắc họa rõ nét hình tượng Bác - người cha già luôn hết lòng vì dân, luôn gần dân và quan tâm tới cả những người yếu thế nhất; hướng đến vận động mọi người cùng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra vở kịch cũng nói lên chân lý hy vọng công lý luôn ở cuối con đường dù khó khăn đến mấy cũng được soi sáng. 

Đúng vào ngày 19/5, ngày sinh nhật Bác, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ ra mắt vở diễn Nước non vạn dặm do PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn. Vở diễn có thể gọi là một công trình sân khấu mang tính chất sử thi, khai thác hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người với những lát cắt về tuổi thơ được ảnh hưởng từ cha mẹ.

Bên cạnh đó, với chùm ba vở kịch ngắn về Bác Hồ gồm Đoàn kết là sức mạnh, Đôi mắt sáng, Bác Hồ và mùa xuân năm ấy nằm trong chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ giúp khán giả có cái nhìn gần gũi và chân thực hơn về cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những tâm tư, tình cảm mà Người đã dành trọn cho dân tộc, cho đất nước. 

Thách thức xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu - ảnh 1
1 vở kịch trong chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi của Nhà hát Kịch Việt Nam

Đầy thách thức nghệ thuật

Dựng và diễn đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu nay là một công việc khó mà không phải đơn vị nghệ thuật sân khấu nào cũng dám mạnh dạn khai thác. Bởi lẽ hình ảnh của Bác đã trở nên quá quen thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam. Để có tác phẩm ghi dấu ấn mới, hấp dẫn và thuyết phục người xem đòi hỏi đầu tư công sức kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, dàn dựng đến diễn xuất... 

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, tác giả kịch bản Nước non vạn dặm chia sẻ, Bác Hồ đã ở trong trái tim nhiều thế hệ. Đã có hàng chục tác phẩm sân khấu với những loại hình khác nhau thể hiện hình tượng Người. Vì vậy, tác phẩm mới phải khai thác ở những khía cạnh, những câu chuyện bình dị thật hấp dẫn, để từ đó toát lên sự vĩ đại của Người.

Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết: Hiện nay, câu chuyện về Bác nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ sẽ có cách “kể” câu chuyện của riêng họ. Vấn đề là nghệ sĩ phải đảm bảo vở diễn là công trình mang tính nghệ thuật cao, khán giả thấy thuyết phục và thú vị. “Nước non vạn dặm” được dàn dựng và phục vụ khán giả ở thời điểm hiện nay nên phải hướng tới sân khấu cải lương đương đại, với ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại để hướng tới đối tượng trẻ… Dự án này đã được dày công chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đây là dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm 3 phần, do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản. Tác phẩm ra mắt dịp này là thuộc phần 1. 

Đã từng hóa thân vào hình tượng Bác, nhưng NSND Lê Tiến Thọ vẫn thấy áp lực khi đạo diễn vở Lá đơn thứ 72. Ông bày tỏ: “Tôi phải vận dụng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề để dàn dựng vở diễn sao cho vẫn giữ được hình ảnh chân thật, thân thuộc về Bác, nhưng có nét mới trong ngôn ngữ thể hiện, nhằm thu hút khán giả, từ đó thôi thúc họ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”.

Với tổng đạo diễn trẻ như biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, khi nung nấu xây dựng tác phẩm nhạc kịch Người cầm lái, chị đã dành 4 năm theo học chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh để thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chị chọn thể hiện hình tượng Bác bằng hình thức nhạc kịch đang là xu hướng của sân khấu thế giới và Việt Nam, nhằm thu hút khán giả, nhất là người trẻ.

Nói về việc xây dựng chùm ba vở kịch ngắn về Bác Hồ trong chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc cho biết mỗi câu chuyện đều có thể diễn ra một cách độc lập. Thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị, tỉnh thành đã đề nghị Nhà hát diễn các vở về Bác Hồ.

“Họ muốn thưởng thức và giới thiệu cho cán bộ, nhân viên, công nhân viên, sinh viên, các cháu nhỏ về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng nếu diễn các vở lớn như Đêm trắng thì có nhiều khó khăn về con người, di chuyển, kinh phí… Chính vì vậy, Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định dựng ba vở kịch ngắn về Bác để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng có thể mang những câu chuyện về Người đến với khán giả khắp mọi miền.

Dồn toàn bộ tâm huyết, trí lực để thể hiện hình tượng Bác Hồ một cách trọn vẹn nhất, với tinh thần kính yêu Bác nhất là mục đích của tất cả các tác phẩm sân khấu mới về hình tượng Bác Hồ. Chính vì mục đích này mà khán giả đã được xem những tác phẩm sân khấu mới hay, xúc động về chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời qua những tác phẩm dàn dựng chất lượng này, thế hệ hôm nay có thêm nhiều bài học quý giá để học và làm theo tấm gương của Bác.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục