“Thắp lửa” văn hoá đọc thời 4.0: Nỗi lo và hy vọng

Bài và ảnh: Khánh Thư - Thảo Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với nỗ lực từ Nhà nước, thành phố đến các bộ, ban, ngành cùng sự chung tay của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cá nhân... văn hoá đọc được cho là ngày càng khởi sắc với những bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn là chưa đủ để có thể thắp được ngọn lửa mạnh mẽ và bền vững nhất cho văn hoá đọc trước cơn lốc của thông tin, giải trí thời đại 4.0...

 “Thắp lửa” văn hoá đọc thời 4.0: Nỗi lo và hy vọng - ảnh 1
1 thập kỷ, Báo Phụ nữ Thủ đô đã nỗ lực ươm mầm văn hóa đọc từ cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”.

“Ươm mầm” văn hóa đọc từ thế hệ “mầm non”

Bà Vương Thị Lý - Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đều có văn bản, chỉ thị, đề án để phát triển văn hóa đọc; trong đó xác định đối tượng trẻ em, thiếu nhi rất quan trọng. Gần đây nhất, ngày 1/11/2022 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi”. 

Mấy năm qua, Bộ VHTTDL đã liên tục tổ chức các cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” dành cho học sinh các cấp, “Giới thiệu sách trực tuyến” dành cho đối tượng từ 6 tuổi trở lên… với mục đích hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên. Tại các nhà trường, hội nhóm, thậm chí hệ thống thư viện cũng có không ít cuộc thi tương tự.

Góp sức vào sự nghiệp ươm mầm, phát triển văn hóa đọc của Thủ đô và đất nước, hơn 1 thập kỷ qua, Báo Phụ nữ Thủ đô đã tiên phong và bền bỉ tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” dành cho đối tượng học sinh các cấp. Mỗi năm, cuộc thi thu hút sự tham gia của hàng ngàn thí sinh không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Rất nhiều bạn trẻ thông qua cuộc thi đã trưởng thành, lớn khôn từ sách.

Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội cũng nỗ lực xây dựng chính sách, tạo nhiều ưu tiên với đối tượng độc giả nhỏ tuổi. Thậm chí tại Thư viện Hà Nội còn mở góc đọc Mẹ và bé dành cho đối tượng các bà mẹ đưa con vài tháng tuổi tới đọc sách. “Các em chưa biết đọc, nhưng việc tiếp cận sách và xem những cuốn sách tranh cũng là cách để hình thành văn hoá đọc, đồng thời kích thích tư duy cho các em nhỏ. Cách làm này cũng vô cùng hiệu quả trong công tác “ươm mầm” văn hoá đọc. Thư viện Hà Nội rất tự hào khi sáng kiến này cũng trùng với cách làm của thế giới” - bà Vương Thị Lý thông tin.
Có thể thấy những gì chúng ta làm hiện nay rất quan trọng nhưng các chuyên gia cho rằng, như vậy chưa đủ để tạo nên những chiếc “mầm” khoẻ mạnh, tươi tốt, còn cần phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong chiến lược “ươm mầm văn hoá đọc”. Theo các chuyên gia, chiến lược này có yếu tố rất quan trọng đó là đào tạo, khích lệ văn hoá đọc từ các bậc phụ huynh để tác động lên con em mình. 

Bà Nguyễn Thị Sửu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: “Bố mẹ là một tác nhân quan trọng trong định hướng, điều chỉnh thói quen đọc sách của trẻ”. Theo bà, khi nhỏ, trẻ con nào cũng thích đọc sách, truyện, bố mẹ cần giữ được thói quen đó cho trẻ và từ đó định hướng việc đọc cho trẻ trong quá trình trưởng thành. 

Đồng tình với quan điểm nuôi dưỡng được văn hoá đọc cho thế hệ trẻ cần xuất phát từ mỗi gia đình, TS văn học Diêu Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) nhận định: “Để làm được điều đó cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là giáo dục gia đình. Muốn trẻ em đọc thì người lớn cũng cần đọc. Việc làm gương vô cùng quan trọng”. Làm được điều này còn giúp chúng ta hưởng lợi ích kép khi các thế hệ cùng nhau xây dựng văn hoá đọc. 

Tuy nhiên, theo TS Diêu Lan Phương, gia đình vẫn chưa đủ trong công tác “ươm mầm văn hoá đọc” mà cần có sự vào cuộc tích cực của nhà trường. “Các trường học nên có thư viện và có chương trình đọc chính khóa (mỗi tuần có thể 1-2 tiết). Nhà trường cũng có thể có Danh mục sách khuyên đọc; có các khẩu hiệu khuyến khích việc đọc sách; tạo nên môi trường đọc thân thiện cho học sinh”.

 Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng từng kiến nghị là phải đưa đọc sách vào môn học chính khoá. Có đưa vào chính khoá các em cũng như phụ huynh mới nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của văn hoá đọc, hình thành thói quen đọc sách một cách tự nhiên. 

Để có một hệ sinh thái văn hoá đọc bền vững
Trước hết, có thể khẳng định sự nỗ lực của Nhà nước, thành phố và cộng đồng nói chung đang tạo đà cho sự phát triển và dần hoàn thiện hệ sinh thái văn hoá đọc mà chúng ta hướng tới. Hiện, chúng ta đang có rất nhiều phong trào gắn với đọc sách. Đây là việc làm cần thiết vì nếu không chúng ta có thể xao nhãng, không để ý, nghĩ nhiều về tầm quan trọng của văn hóa đọc với mỗi cá nhân và toàn xã hội. 

“Tuy nhiên, một số phong trào còn mang tính hình thức. Đây là điều chúng ta cần tránh. Và đã là phong trào thì sẽ đến rồi đi, lên rồi xuống. Điều quan trọng để phong trào bền vững là cần có hoạt động đa dạng phong phú, gần gũi thực tế cuộc sống, đặc biệt đáp ứng nhu cầu người đọc và bối cảnh xã hội ngày hôm nay”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.

Muốn làm được điều đó, bà Vương Thị Lý cho rằng: Bên cạnh xây dựng nhu cầu đọc cho trẻ từ khi biết nhận diện hình ảnh, câu chữ, cần sự chung tay góp sức và nhận thức của lãnh đạo các cấp ngành. Chỉ khi các đồng chí lãnh đạo nhận thấy vai trò, trách nhiệm của họ trong xây dựng, duy trì văn hóa đọc thì họ mới có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này.

“Trong suốt 33 năm hoạt động ở lĩnh vực thư viện, tôi đã đi nhiều nơi và nhận thấy, còn những địa phương lãnh đạo chưa quan tâm văn hoá đọc. Thực tế, nhu cầu đọc trong người dân, cộng đồng là có, nhưng để khích lệ họ đọc bền vững thì cần sự đầu tư về cơ sở vật chất, vốn sách báo, nhân lực… nhằm tạo nên những môi trường đọc hấp dẫn, tiện lợi”- bà Lý nói thêm. 

Liên quan câu chuyện tạo dựng môi trường đọc, không chỉ cần đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn còn cần khai thác, ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ trong bối cảnh 4.0 hiện nay; thông qua tiktok, facebook, youtube, sách số, sách nói, hay gần đây nhất là Chat GPT… nhằm tạo ra sự hứng thú, dễ dàng đưa sách tới bạn đọc. Điều này, một số thư viện, các đơn vị phát hành sách cũng đang thúc đẩy thực hiện nhưng do nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, tiềm lực tài chính… nên chưa có hiệu ứng mạnh, cần phải mạnh mẽ hơn nữa mới có thể đồng hành cùng sự phát triển trong đời sống tinh thần của giới trẻ hôm nay. 

Tuy nhiên, giữa cơn lốc của công nghệ rất cần định hướng thị hiếu cho độc giả, nhất là độc giả trẻ. “Qua sách có thể tác động, làm thay đổi tư tưởng. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để giới trẻ biết nên đọc gì, hướng tới đọc cái xã hội cần, gia đình muốn, có lợi cho cái chung; cơ quan Nhà nước cũng cần kiểm soát về mặt an ninh và sàng lọc cần kỹ lưỡng nội dung sách”- bà Nguyễn Thị Sửu gợi ý. Theo bà Sửu, thị hiếu giới trẻ hiện nay thích đọc sách ngôn tình, yêu đương, nhưng ở mặt Nhà nước cần có sự định hướng rõ rệt về việc đọc các tác phẩm về tình yêu quê hương đất nước, về trách nhiệm của mỗi người với đất nước để nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng của giới trẻ cống hiến quê hương, đất nước thì mới thực sự tạo nên những giá trị của văn hoá đọc. 

Và để sự định hướng việc đọc cho thế hệ trẻ cũng như người dân nói chung đạt hiệu quả, PGS.TS Bùi Thị An cũng như chị Triệu Thục Trinh - thành viên BQL Phố sách Hà Nội đều chung suy nghĩ về việc cần phải có những tác phẩm hay để hấp dẫn người đọc. Đây là điều chúng ta đang thiếu.

 “Các bạn trẻ bây giờ rất thông minh. Nếu tác giả có tác phẩm hay, đáp ứng được nhu cầu chân chính của giới trẻ, chắc chắn chúng ta không cần phải quảng cáo nhiều, các bạn sẽ tự tìm đọc mà thôi”- GS Bùi Thị An nói. 

Để giải quyết vấn đề “có tác phẩm hay”, anh Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Alpha Book đưa ra kiến giải: Chúng ta cần có nhiều hơn nữa các giải thưởng về sách hay cũng như bình chọn những cuốn sách nên đọc, vừa là định hướng người đọc, vừa khích lệ người viết. Và những giải thưởng này cần tổ chức liên tục, thường xuyên để tạo nên một thói quen, sự quan tâm thường trực trong cộng đồng mới đủ sức chung tay xây dựng hệ sinh thái văn hoá đọc tự nhiên và bền vững. Hiện nay, chúng ta cũng đang có một số giải thưởng sách hay, nhưng chưa thấm vào đâu so với khát vọng chấn hưng văn hoá đọc.

Có thể thấy, để xây dựng được hệ sinh thái văn hoá đọc hoàn chỉnh, bền vững chúng ta vẫn còn phải bổ sung nhiều khuyết thiếu và cố gắng hơn nhiều. Nhưng, chúng ta có quyền hy vọng ngày đó sẽ không xa khi nhận thức của cộng đồng đang ngày một tăng lên như hiện nay. 

Để rồi từ việc đọc sẽ tạo ra sức sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo ra tiềm năng cho toàn xã hội. “Chúng ta mong rằng, nếu có con người sáng tạo thông qua tri thức nhiều hơn, những tri thức này là tri thức nhân văn, thực sự phục vụ con người, thể hiện đạo đức với bản thân, cộng đồng thì sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho ngành công nghiệp văn hóa và sức mạnh tổng hợp cho đất nước” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bất ngờ với những tài năng trong đêm Chung kết Tiếng hát Hà Nội 2024

Bất ngờ với những tài năng trong đêm Chung kết Tiếng hát Hà Nội 2024

(PNTĐ) - Tối 25/12 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài, gây nhiều bất ngờ cho khán giả về chất lượng thí sinh của mùa giải này. Kết quả chung cuộc, thí sinh người Hà Tĩnh Nguyễn Mộc An đã giành ngôi vị quán quân của cuộc thi.
“Từ trái tim đến trái tim” để xây dựng một cộng đồng hạnh phúc

“Từ trái tim đến trái tim” để xây dựng một cộng đồng hạnh phúc

(PNTĐ) - Năm nay là lần thứ 5 tổ chức, cuộc thi Lan toả năng lượng tích cực của Báo Tuổi trẻ đã thu hút hơn 1.500 video dự thi từ độc giả trên toàn quốc. Các bài dự thi xoay quanh các chủ đề đa dạng như lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, cống hiến cho xã hội, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, theo đuổi khát vọng và đam mê...
Đêm nhạc tưởng nhớ Nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên- Người Mẹ của những nghệ sĩ lớn

Đêm nhạc tưởng nhớ Nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên- Người Mẹ của những nghệ sĩ lớn

(PNTĐ) - Tối ngày 28 tháng 12 năm 2024 tới đây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc đặc biệt “Tiếng đàn còn mãi ngân vang” để tưởng niệm Nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân (NS NGND) Thái Thị Liên, 1 trong 7 người tham gia thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), người thầy đứng đầu ngành Piano đầu tiên và lâu nhất của nhà trường.