Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua đọc sách

Chia sẻ

Việc đọc sách của người Việt Nam còn hạn chế. Mỗi năm, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách, trong đó có 2,8 cuốn sách giáo khoa. Hơn bao giờ hết, cần thúc đẩy văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc ở người trẻ tuổi, để xây dựng một xã hội đọc sách, một xã hội học tập suốt đời.

Quan điểm Nữ quyền tự do về trí tuệ và bình đẳng giới

Hoàn toàn có thể thúc đẩy bình đẳng giới thông qua đọc sách. Trong lịch sử phát triển nữ quyền, có nhiều trường phái nữ quyền khác nhau. Trong đó, quan điểm nữ quyền tự do là trường phái quan điểm nữ quyền mang lại nhiều cảm hứng cho sự sáng tạo. Nữ quyền tự do có cơ sở lý luận là triết học tự do với niềm tin, sự tôn trọng vào tư tưởng bình đẳng, tự do, và triết lý tự do của Cách mạng Tư sản Pháp (1779-1789).

Triết lý tự do dựa trên niềm tin vào sự độc lập và quyền cá nhân, gắn với quyền con người, nhân phẩm con người. Tự do gắn với nhân phẩm, một xã hội tốt cần phải bảo vệ nhân phẩm của mỗi cá nhân và cần được thể hiện trong sự bình đẳng về giáo dục và chính trị. Theo quan điểm nữ quyền tự do, khả năng biết suy luận mới quan trọng chứ không phải hình dáng cơ thể. Vì vậy, con người ta cao hay thấp, béo hay gầy không quan trọng mà quan trọng ở trí tuệ.

Cũng như các nhà nữ quyền của các trường phái nữ quyền khác, các nhà nữ quyền tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao phụ nữ lại bất bình đẳng so với nam giới? Câu trả lời rằng, phụ nữ có khả năng trí tuệ như nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ không được bình đẳng khi nam giới được coi là “trí tuệ” còn phụ nữ là “lao động chân tay”. Như vậy, để thúc đẩy bình đẳng giới cần nâng cao năng lực trí tuệ của phụ nữ, trong đó, đọc sách là giải pháp quan trọng.

Độc giả trẻ chọn mua sách tại hội sách 	Ảnh: Hồng Giang/TTXVNĐộc giả trẻ chọn mua sách tại hội sách  Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Nâng cao năng lực trí tuệ thông qua đọc sách

Sách - tri thức kiến tạo tương lai. Theo D.X Likhachop “bất chấp sự thần kỳ của khoa học kỹ thuật, thư viện cho đến tận hôm nay vẫn là động cơ chính của học vấn” và “chỉ có sách mới là cơ sở đầu tiên của học thức”. Các tư liệu lịch sử cho thấy, thư viện xuất hiện từ thời cổ đại. Thư viện không chỉ là nơi thu hút khách đến tích lũy tri thức, nâng cao năng lực trí tuệ mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo.

Tầm quan trọng của đọc sách rất rõ ràng. Sách khơi nguồn tri thức, chắp cánh ước mơ. Đọc sách không chỉ giúp nâng cao tri thức mà còn cải thiện vốn từ, cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, giúp kéo dài tuổi thọ. Khi đọc sách cần sự tĩnh lặng, tập trung, nên sách giúp điều khiển cảm xúc bản thân, giúp chúng ta bớt cáu giận, nổi nóng.

Đọc sách giúp tăng cường kỹ năng viết, kỹ năng lập luận. Như vậy, có thể nói, sách đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Sách gắn liền với quyền con người, nhân phẩm con người. Đọc sách để hiểu về giá trị của bình đẳng giới và phát triển bền vững. Đọc sách để hiểu về con người, về thế giới xung quanh.

Đọc sách là giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, do giúp cân bằng cuộc sống, công việc. Sách thúc đẩy giáo dục có chất lượng; tăng cường cơ hội học tập suốt đời (life long learning) - triết lý được nhấn mạnh trong Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4).

Đọc sách chính là hộ chiếu cho vô số cuộc phiêu lưu (Mary Pope Osborne). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta có thể không có cơ hội được du lịch nhiều nơi, tới nhiều vùng đất, nhưng sách có thể giúp chúng ta hiện thực hóa các giấc mơ chu du của mình.

Đọc sách như thế nào cho hiệu quả? Đây là câu hỏi của không ít người. Trước tiên, cần xác định mục đích đọc sách: “Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích, và hoàn toàn do mục đích quy định” (X.I. Povarlin). Tiếp theo, cần lựa chọn sách để đọc: Chọn nội dung phù hợp, cần thiết để đọc, chứ không đọc theo phong trào. Tập trung cao độ khi đọc: Cố gắng định hướng toàn bộ tâm trí một cách liên tục vào việc đọc.

Tích cực tư duy khi đọc: Rút ra được điều gì từ nội dung cuốn sách, bổ sung hiểu biết, kinh nghiệm cho bản thân. Ghi chép lại khi đọc: Ghi chép trong quá trình đọc sách sẽ tăng cường được sự chú ý, giảm mệt mỏi. Theo D.I. Mendeleev, ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đọc sách và tự học. Người không ngừng học tập. Là một người ham hiểu biết, Người đã say mê đọc sách ngay từ ngày còn là học trò. Ngay từ khi tuổi trẻ Người đã có một phương pháp đọc rất đáng chú ý: Người thường khuyên và đánh dấu vào những chỗ đọc thấy cần thiết. Bác căn dặn: “Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng để viết”.

Trong kho tàng tranh ảnh về Bác Hồ, các hình ảnh bác đọc sách đều toát lên phong thái ung dung, tự tại, toát lên vẻ đẹp trí tuệ.
Đọc sách cũng cần có nguyên tắc. Quy tắc 5 giờ vàng, mỗi ngày dành một tiếng, từ thứ Hai đến thứ Sáu để đọc - là nguyên tắc nhiều người thành công đã áp dụng. Quy tắc này thúc đẩy việc đọc thông qua quy trình: Đọc, phản ứng, thử nghiệm.

Đọc càng nhiều càng tốt, đọc để tích lũy tri thức. Bên cạnh đó, suy ngẫm về những điều đã đọc, rút ra bài học cho cuộc sống. Áp dụng những kiến thức, những điều đã rút ra trong sách vở cũng như trong khoảng thời gian tự suy ngẫm. Thành công là áp dụng hành trình học hỏi bằng cách giữ một tâm hồn cởi mở thông qua việc đọc sách liên tục và nghiêm túc.

Thúc đẩy văn hóa đọc nhạy cảm giới

Có khác biệt giới trong văn hóa đọc. Nghiên cứu của Deloitte năm 2021 cho thấy, nam giới và trẻ em trai ít đọc sách hơn, ít đọc thường xuyên hơn so với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ sẵn sàng đọc sách do nam giới viết, nhưng nam giới ít đọc sách do phụ nữ viết hơn. Nam giới và trẻ em trai có xu hướng lựa chọn các hình thức giải trí khác (chẳng hạn như chơi game), hơn là đọc sách.
Khác biệt giới trong loại sách đọc còn thể hiện ở nhiều khía cạnh cụ thể khác. Tốc độ đọc và hiểu của nữ cao hơn nam. Phụ nữ và trẻ em gái bảo quản sách tốt hơn nam giới và trẻ em trai. Phụ nữ tác động nhiều hơn tới thói quen đọc sách của trẻ em.

Cần giảm thiểu khoảng cách giới trong đọc sách. Nếu nam giới ít đọc sách do phụ nữ viết, và sách viết về phụ nữ, nam giới sẽ hạn chế trong hiểu biết về tâm lý phụ nữ, về cuộc sống của họ; và nhìn cuộc đời dưới lăng kính của nam giới, ít cảm thông với phụ nữ, không thấy được giá trị của bình đẳng giới. Trong khi đó, cuộc đời người phụ nữ chính là cuốn tiểu thuyết vĩ đại. Thúc đẩy văn hóa đọc có nhạy cảm giới, vì vậy, là điều cần thiết.

Văn hóa đọc ở nghĩa hẹp chính là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, thể hiện qua thói quen đọc - sở thích đọc - kỹ năng đọc. Văn hoá đọc ở nghĩa rộng: Là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, ứng xử đọc của cộng đồng xã hội, và ứng xử đọc của mỗi cá nhân trong xã hội.

Thúc đẩy văn hóa đọc có nhạy cảm giới, là việc xây dựng và phát triển cách ứng xử, giá trị đọc và chuẩn mực của cá nhân, cơ quan tổ chức, cộng đồng, tôn trọng quyền, nhân phẩm của người đọc, tôn trọng tri thức, tăng cường khả năng tiếp cận, kiểm soát tri thức, giảm thiểu khoảng cách giới trong văn hóa đọc.

Với người trẻ tuổi, hãy tranh thủ khi còn trẻ để đọc, để tích lũy tri thức. Hãy để những hiểu biết của bản thân nói lên con người mình là ai. Không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức. Ernest Hemingway đã từng nói, không có người bạn nào trung thành như một cuốn sách. Mỗi người hãy xem sách là người bạn tốt. Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được lựa chọn; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều (Louisa May Alcott). Mọi người hãy tới thư viện thường xuyên hơn.

Cần lan tỏa, khuyến đọc tới cộng đồng. Cần đọc để tích lũy kiến thức, để thúc đẩy bình đẳng và phát triển. Mỗi người cần đọc và suy ngẫm, biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng đọc được từ sách vào thực tiễn, bởi sách chính là cầu nối tri thức với cuộc sống.

Để thúc đẩy văn hóa đọc có nhạy cảm giới, cần lưu ý chọn sách, chọn chủ đề để đọc. Lưu ý các tài liệu góp phần giáo dục, thúc đẩy quyền con người, nhân phẩm con người, tôn trọng phụ nữ và các đối tượng yếu thế. Bên cạnh đó, cần tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung đọc. Tôn trọng những người đọc sau bằng cách giữ gìn tài liệu, không ghi lên tài liệu. Cần củng cố nội dung đọc thông qua ghi chép, trao đổi, chia sẻ. Đặc biệt, cần tăng cường đọc sách do phụ nữ viết, sách viết về phụ nữ và các đối tượng yếu thế. Quan tâm thúc đẩy văn hóa đọc của cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cần phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho các thư viện, đưa tiết đọc sách, trao đổi về sách vào chương trình học ở các cấp.

TS. Dương Kim Anh
Phó Giám đốc Học viện
Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.