Tích hợp mã QR cho thuyền đò dịch vụ du lịch tại chùa Hương
(PNTĐ) - Mùa Lễ hội 2025 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”. Lễ hội diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5/2025 (tức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết mùng 4 tháng Tư năm Ất Tỵ). Mùa lễ hội năm nay, thuyền đò tại chùa Hương sẽ được tích hợp một mã QR để quản lý và tiếp nhận phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh: Để chuẩn bị cho ngày khai hội năm nay, khoảng 3.700 thuyền đò của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Hương Sơn đã được sửa sang, sơn màu xanh, trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi... Thời gian thuyền đò phục vụ du khách bắt đầu từ 4h30 đến 20h hàng ngày. Mùa lễ hội năm nay, thuyền đò tại chùa Hương sẽ được tích hợp một mã QR để quản lý và tiếp nhận phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò.
Từ ngày 1/1/2025, giá vé tham quan chùa Hương sẽ tích hợp phí tham quan và dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò, đối với tuyến Hương Tích người lớn là 230.000 đồng, trẻ em là 65.000 đồng. Tuyến Long Vân - Tuyết Sơn là 85.000 đồng đối với người lớn và 50.000 đồng với với trẻ em.
Giá dịch vụ vận chuyển bằng cáp treo từ chùa Thiên Trù đi động Hương Tích (vé khứ hồi) 260.000 đồng đối với người lớn, 180.000 đồng đối với trẻ em và đối tượng ưu tiên. Giá vé một chiều là 180.000 đồng đối với người lớn, 120.000 đồng đối với trẻ em và người ưu tiên. Giá vé vận chuyển bằng xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò 20.000 đồng/người/lượt.
Về dịch vụ trông giữ phương tiện, các năm trước thu 10.000 đồng/giờ đầu, sau đó mỗi giờ tính thêm 10.000 đồng. Năm nay, huyện Mỹ Đức đang đề xuất thành phố Hà Nội cho phép thu phí đối với xe ô tô vận chuyển khách dưới 9 chỗ là 30.000 đồng/lượt, trên 10 chỗ là 50.000 đồng/lượt, nếu gửi qua đêm sẽ thu thêm 20.000 đồng/xe.
Từ ngày 11 đến 18/3 (tức 12 tháng Hai đến 19 tháng Hai năm Ất Tỵ), huyện Mỹ Đức tổ chức “Tuần lễ văn hóa - du lịch” gồm các hoạt động hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương, gồm: Rối cạn Tế Tiêu, cồng chiêng người Mường ở xã An Phú, hát chèo tại các câu lạc bộ trên địa bàn huyện…
Ban tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp, gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ; tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách, thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của thành phố...