Tiễn đưa NSND Tường Vi “Cô gái vót chông” về nơi an nghỉ cuối cùng
(PNTĐ) - Sáng 14/5, người thân và bạn bè có mặt từ sớm tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17, đường Nguyễn Phi Khanh (TP. Đà Nẵng) để phúng viếng, tiễn đưa NSND Tường Vi về nơi an nghỉ cuối cùng.
NSND Tường Vi (tên thật là Trương Tường Vy) sinh năm 1938 tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1967, bà tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1974, bà theo học tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Những năm chiến tranh, Tường Vi theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường. Bà cũng thu âm nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La…

Ngoài tiếng hát, NSND Tường Vi còn tham gia sáng tác các ca khúc: Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời, Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hòa bình…
Phần thể hiện "Cô gái vót chông" của NSND Tường Vi đã trở thành khuôn mẫu kinh điển cho mọi thế hệ ca sĩ sau này. Kể từ khi bản thu của bà ra đời, mọi ca sĩ sau đó đều phải thực hiện staccato khi hát Cô gái vót chông. Trong đó có cả cố NSND Lê Dung.
Năm 1962, nữ nghệ sĩ thi đỗ vào Khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1967. Tới năm 1974, bà theo học 4 năm tại nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nhờ đó, NSND Tường Vi được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phức tạp.
Trong những năm chiến tranh, nữ ca sĩ theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường, dùng tiếng hát át tiếng bom. Bà cũng thu âm nhiều và nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam với nhiều ca khúc bất hủ như Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La, Cánh chim báo tin vui, Người lái đò trên sông Pô Cô, Bóng cây Kơ-nia, Suối Lenin… Tiếng hát của nữ nghệ sĩ đa dạng, thể hiện được nhiều dòng nhạc, từ bán cổ điển, cách mạng tới dân ca.
Với tiếng hát trời phú và điêu luyện, bà còn được chọn đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới như như Liên Xô, Ba Lan, Chile, Cuba... Bà cũng là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biển diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ca hát, NSND Tường Vi cũng một nhạc sĩ. Bà sáng tác nhiều ca khúc như "Phi đội ta xuất kích", "Quê hương anh là biển cả", "Em lắng nghe tiếng đời"... Ngoài nhạc cách mạng, bà còn sáng tác cả nhạc thiếu nhi như "Đời cho em những nốt nhạc vui", "Trái tim ơi đừng buồn", "Ước mơ của bé là hoà bình"...
Nhắc đến "Cô gái vót chông", ai cũng nhớ tới NSND Tường Vi. Dù không phải người đầu tiên thể hiện ca khúc nhưng chính NSND Tường Vi đã dùng tiếng hát của mình đưa Cô gái vót chông lên một đỉnh cao mới, tạo tiếng vang lớn với cả giới chuyên môn lẫn công chúng.

Sinh thời, NSND Tường Vi chia sẻ, khi đọc phần ca từ của Cô gái vót chông, bà đã mường tượng ra cảnh núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn muông thú, cỏ cây. Từ đó, bà tự sáng tạo bằng cách thêm một đoạn chạy nốt staccato head voice giả tiếng chim hót, đậm chất màu sắc vào bài hát, khiến nó trở nên tươi mới, đầy sức sống và tràn ngập nhạc tính. Nhờ đó, Cô gái vót chông đã trở thành ca khúc bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả.
Sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) và kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo bậc nhất, NSND Tường Vy được xem là một trong những giọng ca "huyền thoại" của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Bà cũng được đánh giá là ca sĩ mang giọng hát cao nhất thời kỳ đó. Bà hát được nhiều thể loại như dân ca, nhạc cách mạng... NSND Tường Vi đã nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên thủ các nước trên thế giới và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khi chia sẻ với báo chí đã cho rằng NSND Tường Vi là một danh ca hiếm của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Anh nhận xét: "Trong cách hát của bà, người ta thấy sự nhiệt huyết, tình yêu của bà với quê hương, đất nước gắn với từng lời ca… Tấm gương của bà, tài năng, nhiệt huyết, giàu sáng tạo và lòng nhân ái của bà sẽ còn mãi được nhắc tới với sự trân trọng trong trái tim của những khán giả yêu mến bà, yêu ca khúc cách mạng Việt Nam".