Tiếp nhận và trưng bày 51 hiện vật văn hoá Đông Sơn

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2023) và hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”.

Sáng 22/11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức lễ tiếp nhận 51 hiện vật văn hoá Đông Sơn của Nhà sưu tập - PGS TS Nguyễn Thanh Nam và tổ chức trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”. 

Tiếp nhận và trưng bày 51 hiện vật văn hoá Đông Sơn - ảnh 1
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn nêu rõ: Đông Sơn là một trong 3 nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, góp phần hình thành nên các nhà nước sơ khai ở Việt Nam. Di tích được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1924 tại làng Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa. Tính đến nay, sau 100 năm phát hiện và nghiên cứu, nhiều phương diện của văn hóa Đông Sơn đã được làm sáng tỏ.

Ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại từ khoảng thế kỷ VI-VII trước công nguyên đến thế kỷ I-II sau công nguyên, phân bố rộng khắp Bắc Bộ kéo dài đến tận Quảng Bình, tập trung chủ yếu ở lưu vực các sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Đồng thời có quan hệ giao lưu mở rộng với các nền văn hóa trong khu vực, từ miền Nam Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á hải đảo. Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã phát hiện, nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun) đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt.

Trưng bày không chỉ giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước những di vật đặc sắc của văn hóa Đông Sơn, mà còn chứng minh sức sống mạnh mẽ của nền văn hóa này thông qua những di vật đặc sắc mới được sưu tầm, cùng những phát hiện mới về khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu (Bắc Ninh) qua khai quật khảo cổ học. Các hiện vật có niên đại sau Công nguyên đã góp phần giải đáp những bí ẩn liên quan đến kỹ thuật đúc trống đồng từ 2000 năm trước.

Tiếp nhận và trưng bày 51 hiện vật văn hoá Đông Sơn - ảnh 2
Những mảnh khuôn đúc trống tại thành Luy Lâu được trưng bày

Theo đó, năm 1998, nhà khảo cổ học Nhật Bản - TS Nishimura Masanari đã gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu nhờ phát hiện ngẫu nhiên một mảnh khuôn đúc trống tại thành Luy Lâu. Luy Lâu được biết đến là trị sở của quận Giao Chỉ thời Hán, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên.

Năm 2014 và 2015, các nhà khảo cổ Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã phát hiện gần một ngàn mảnh khuôn đúc trống đồng cùng số lượng lớn hiện vật liên quan đến hoạt động đúc đồng như bát đậu, nồi rót đồng, móng nồi cơi, đáy lò, xỉ lò… trong địa tầng hố khai quật.

Từ 1964 đến 1975, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiến hành thử nghiệm đúc trống đồng Ngọc Lũ trên cơ sở phân tích thành phần hợp kim và các dấu vết kỹ thuật trên hiện vật. Quá trình thực nghiệm đúc 4 lần đầu đều không thành công, lần đúc thứ năm được đánh giá đạt khoảng 80% so với trống gốc.

Tiếp nhận và trưng bày 51 hiện vật văn hoá Đông Sơn - ảnh 3
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng các đại biểu đi tham quan triển lãm

Năm 2022, trên cơ sở nghiên cứu thông tin khoa học thu được từ mảnh khuôn đúc phát hiện ở Luy Lâu, các nhà khảo cổ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phác dựng lại hình dáng chiếc trống, tiến hành khảo sát các làng nghề truyền thống đúc đồng và chọn làng nghề Chè Đông (Thanh Hóa) để đúc thực nghiệm trống đồng Luy Lâu. Sau hơn một tháng thực hiện, trống được đúc ra cơ bản đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, từ độ dày, trọng lượng đến hoa văn trang trí và độ âm vang nhưng cũng đặt ra một số vấn đề cần hoàn thiện cho các lần đúc trống sau này như đối với hoa văn in khuôn, tượng cóc và quai trống.

Tiếp nhận và trưng bày 51 hiện vật văn hoá Đông Sơn - ảnh 4
Chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn nhất từng được phát hiện ở Việt Nam cho đến nay

Quá trình đúc thực nghiệm đã kiểm chứng các thông tin thu được từ sưu tập mảnh khuôn trống, cung cấp cơ sở khoa học để xem xét lại các đặc điểm của sưu tập và chức năng của một số hiện vật liên quan. Từ đó, hiểu rõ hơn về kỹ thuật đúc trống của cư dân Đông Sơn và tính tiếp nối trong cộng đồng người Việt đang đúc trống hiện nay. Đây cũng là cách tiếp cận phương pháp đúc trống khác với các lần đúc thử nghiệm trước đó và trống đồng Luy Lâu trở thành chiếc trống đúc thực nghiệm đầu tiên và duy nhất dựa trên cơ sở khoa học là những mảnh khuôn đúc trống.

Tiếp nhận và trưng bày 51 hiện vật văn hoá Đông Sơn - ảnh 5

Trưng bày "Âm vang Đông Sơn" gồm 3 nội dung: 

Phần thứ nhất: Sưu tầm mới về văn hóa Đông Sơn, cho thấy một số hiện vật mới khai quật trong khoảng 10 năm gần đây. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã có nhiều phát hiện cho thấy sự phân bổ cũng như kết hợp của văn hóa Đông Sơn với các văn hóa khác. 
Phần thứ hai: Khuôn đúc trống Đông Sơn phát hiện từ lòng đất Luy Lâu, cho thấy sự đa dạng của các mảnh khuôn này.
Phần cuối: Thực nghiệm đúc trống đồng cho thấy các thử nghiệm đúc lại trống đồng Đông Sơn từ năm 1964 tới nay.

Trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan từ ngày 22/11/2023 đến tháng 4/2024.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.