Tìm “phao cứu sinh” cho ngành xuất bản trong đại dịch

Chia sẻ

Từ khi dịch bệnh bùng phát, hai thị trường lớn của ngành sách là TP.HCM và Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hiệu sách buộc phải đóng cửa, hoạt động xuất bản cũng cắt giảm, thị trường chỉ trông chờ vào bán sách trực tuyến. Song trong những ngày giãn cách xã hội, việc vận chuyển sách lại khó lưu thông.

Sách chưa được xem là mặt hàng thiết yếu trong đại dịchSách chưa được xem là mặt hàng thiết yếu trong đại dịch (Ảnh: INT)
Nhiều khó khăn cho các đơn vị xuất bản, phát hành sách

Thực tế cho thấy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu đọc sách trong mùa dịch tăng cao chính là cơ hội lớn cho ngành xuất bản. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT-TT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành xuất bản đã xuất bản được 19.217 cuốn, tương đương bằng 103%, với hơn 334 triệu bản, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, ông Nguyên cũng nhấn mạnh những kết quả này có được là do sự nỗ lực sản xuất, phát hành 5 tháng đầu năm, khi làn sóng dịch thứ 4 chưa bùng phát.

Nhưng từ khi đại dịch bùng phát mạnh ở khu vực phía Nam, Hà Nội cũng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, hai thị trường lớn của ngành sách bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà sách phải đóng cửa, ngành sách rơi vào khủng hoảng. Vì thế, mới đây Cục Xuất bản, In và Phát hành và các đơn vị xuất bản, phát hành đã tổ chức hội nghị trực tuyến tìm cách tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19.

Tại hội nghị này, bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ cho biết, các cửa hàng sách của NXB Trẻ phải đóng cửa. Trong những tuần qua, NXB có thể giao hàng qua một số đơn vị, nhưng tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng, giờ đây không thể giao sách đi các nơi được nữa. Các cửa hàng bán online, nhưng bây giờ gần như “bất lực” vì không giao hàng được. Nhiều nơi không có app, shipper không đến được vị trí nhận hàng. “Rất khó khăn” là cụm từ cho tình hình hiện nay.

Do sách chưa được xác định là mặt hàng thiết yếu nên việc đưa sách đến bạn đọc vô cùng khó khăn. Tuần vừa rồi NXB có gần 500 đơn hàng bán qua kênh online, nhưng không thể giao được sách, cứ chờ. Đơn sách tồn đọng nhiều” - bà Phan Thị Thu Hà nói.

Hiện nay, do sách không được coi là mặt hàng thiết yếu nên rất thiệt thòi trong khâu vận chuyển. Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch HĐQT Fahasa cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm nay, Fahasa đạt doanh thu tương đương cùng kỳ năm 2019, khoảng 1.600 tỷ đồng và thu hơn 10 tỷ lợi nhuận. Nhưng tháng 7 và tháng 8/2021, Fahasa phải đóng cửa rất nhiều nhà sách. Đến giờ, Fahasa vẫn có thể hợp tác với đối tác vận chuyển, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Kho sách của Fahasa vẫn còn hơn 2 tỷ bản SGK cùng văn phòng phẩm chưa vận chuyển được. Chúng tôi có thể chuyển đơn hàng đến từng học sinh, nếu sách được coi là mặt hàng thiết yếu” - ông Phạm Minh Thuận nhấn mạnh.

Đẩy mạnh công nghệ để vượt qua khủng khoảng

Để vượt qua khó khăn này, chuyển đổi số là một việc rất cần thiết. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh, nó lại càng trở nên cấp thiết hơn. Các nhà xuất bản, phát hành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tập trung kinh doanh trực tuyến. Theo ông Phạm Minh Thuận, Fahasa chủ trương duy trì hoạt động. Đội ngũ online vẫn hoạt động, nhận được đơn hàng từ các trường sắp vào năm học mới. Thương mại điện tử đóng góp lớn cho doanh thu Fahasa, mỗi tháng góp hơn 30 tỷ.

Phía Nhà sách Thái Hà (Thái Hà Books) cũng cho biết, hoạt động của nhà sách giờ chủ yếu sống nhờ kênh online. “Tôi nghĩ chúng ta nên đẩy mạnh ebook, audio book. Phát hành qua Fonos, chúng tôi đã thu được những đồng tiền đầu tiên từ sách nói. Thời gian này, tranh thủ thời gian làm việc tại nhà, đơn vị chúng tôi nghiên cứu phát triển và kinh doanh audio book vì doanh thu khả quan. Audio book sẽ trở thành mặt hàng chiến lược của chúng tôi trong tương lai không xa. Đây cũng là cơ hội lớn để các đơn vị xuất bản sáng tạo, đổi mới, đào tạo nội bộ, nâng cao chuyên môn; đồng thời, chuẩn bị thật tốt về mặt nhân lực, kỹ thuật, cơ sở vật chất trước khi thực hiện chuyển đổi số” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thái Hà Books nói.

Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng cũng cho biết đơn vị đang tận dụng thời gian giãn cách xã hội để rà soát các dữ liệu đề tài chuẩn bị cho việc số hoá các xuất bản phẩm. Ebook sẽ là thử nghiệm đầu tiên của NXB. Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã cấp phép tạm thời cho 3 đơn vị phát hành sách nói trên, trong đó có hai đơn vị là Fonos, Voiz FM… đã đi vào hoạt động với số lượng phát hành sách nói lớn, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Ngoài việc đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số, các NXB, đơn vị phát hành sách cũng đề nghị đưa sách vào danh mục mặt hàng thiết yếu. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM đề xuất sách trở thành mặt hàng thiết yếu là nút tháo gỡ quan trọng nhất cho ngành sách lúc này để các đơn vị xuất bản, in và phát hành được hoạt động.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, giải pháp tốt nhất là các nhà xuất bản, công ty phát hành nên tập trung ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Rõ ràng thời gian qua, phát hành online rất quan trọng và hiệu quả. Không chỉ dịch bệnh, mà sau này, khi bình thường trở lại, phải tập trung xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến.

 NGỌC QUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.